Xã hội phản ứng về tỉ lệ thất nghiệp thấp
Tại đây, nhiều ý kiến cho biết vừa qua sau khi cơ quan chức năng công bố tỉ lệ thất nghiệp của VN là 1,84%, dư luận chung không đồng tình và cho rằng tỉ lệ đó “tính hiện thực không cao”.
Giải trình mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nói bộ này đã làm việc với Tổ chức Lao động quốc tế tại VN (ILO), qua đó cho thấy các nước xung quanh cũng có tỉ lệ thất nghiệp thấp, ví dụ như Lào, Campuchia...
Thất nghiệp thấp vì “người VN năng động”(?)
Ông NGUYỄN VĂN SƠN (giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh): Cấp thẻ cho lao động nước ngoài tại Vũng Áng để quản lý Hiện nay tại Vũng Áng có 35.000 lao động, lao động Việt Nam gần 30.000, còn lại là lao động nước ngoài từ 31 nước và vùng lãnh thổ. Trong số lao động nước ngoài có 3.684 lao động Trung Quốc, gần 1.000 lao động Đài Loan... Đặc thù ở đây là có 30-40 nhà thầu, trong đó nhà thầu Trung Quốc là chính. Theo phân cấp, tỉnh được ủy quyền cấp cho các lao động vào thì đã cấp khoảng 8.600 trường hợp theo đăng ký của Formosa cho các nhà thầu. Lao động Trung Quốc đã vào là 3.684 như nêu trên, có số vào sau vài tháng ra, số mới lại vào. Như vậy lưu lượng mà các nhà thầu đăng ký cho thi công là hơn 8.000 lao động, nhưng việc lao động vào ra là thường xuyên. Về quản lý, chúng tôi cấp thẻ, ai đi qua thì có các lực lượng như công an, hải quan, thuế. Về cấp phép thì còn ít, trong số 3.684 lao động mới cấp phép được 700 người. Chúng tôi đang tiếp tục đôn đốc. |
Ông Nguyễn Thế Phương, thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho biết theo cách tính của ILO, cứ mỗi người lao động trong một tuần mà có làm việc trong một giờ và tạo ra thu nhập chính đáng thì không coi là thất nghiệp.
Điều này giải thích tại sao tỉ lệ thất nghiệp chung của VN lại thấp như vậy. Tuy tỉ lệ thất nghiệp chung năm 2014 là 1,84%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp ở nông thôn rất thấp, nhưng tỉ lệ thất nghiệp tại thành thị là 3,5%. Còn các nước phát triển thì tỉ lệ thất nghiệp 7-8% là bình thường.
Mặc dù có nhiều ý kiến băn khoăn về tỉ lệ thất nghiệp chung quá thấp theo cách tính của ILO, nhưng ông Phương cho rằng nên lấy chỉ tiêu tỉ lệ thất nghiệp thay cho chỉ tiêu giải quyết việc làm hằng năm hiện nay (mỗi năm khoảng 1,6 triệu việc làm) vì sẽ giúp “đánh giá thực chất hơn và hội nhập hơn”.
Trước các phát biểu nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai bày tỏ quan điểm: “Anh Phương giải thích căn cứ vào ILO để tính tỉ lệ thất nghiệp ở nước ta thì tôi chịu rồi. Nhưng làm như thế theo anh có phù hợp với VN không? Xã hội VN có hiểu như anh không? Cách tính của ILO là với các nước có tỉ lệ lao động trong khu vực chính thức cao, còn ở VN có tới 67% lao động trong khu vực phi chính thức. Cứ công bố số liệu áp máy móc theo ILO thì xã hội phản ứng”.
Bảo vệ quan điểm của mình, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng hầu hết các nước đều tính theo định nghĩa của ILO về thất nghiệp.
Xu hướng sử dụng số liệu thống kê để tính chỉ tiêu thất nghiệp là đúng. Tất nhiên với đặc thù của VN thì phải có một số chỉ tiêu phản ánh thêm chất lượng việc làm.
“Bởi vì sao?”, ông Phương hỏi và tự trả lời: “Bởi vì người VN rất năng động, không bao giờ ngồi yên tại chỗ. Các nước khác, nhất là các nước phát triển, khi thất nghiệp thì người ta không thể đi làm việc khác được, hoặc là người ta chờ trợ cấp thất nghiệp hoặc trong thời gian đó người ta tham gia các khóa đào tạo để chuyển sang ngành nghề khác”.
Kết luận cuộc họp, bà Trương Thị Mai nêu rõ: “Một con số công bố ra thì xã hội phản ứng, chưa chấp nhận được, rõ ràng con số này là phải xem xét lại”. Không phủ nhận công thức của ILO, nhưng bà Mai lưu ý lãnh đạo các bộ ngành là ở VN khu vực chính thức rất nhỏ, khu vực phi chính thức rất lớn.
Hơn nữa trong khu vực chính thức thì đa số là lao động phổ thông tay nghề thấp, thu nhập thấp, cho nên sự chuyển dịch từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức và ngược lại rất dễ dàng.
“Đó là đặc điểm VN. Nếu cứ theo công thức của ILO, con số này phản ánh thực tế gì ở VN? Giải thích như chị Nguyễn Thị Lan Hương (viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội) và một số anh chị khác có liên quan về tỉ lệ thất nghiệp như vừa qua thì xã hội không thỏa mãn.
Con số này phản ánh được một phần thôi, phần còn lại còn phải tiếp tục dùng yếu tố khác mới phản ánh hết tình trạng việc làm và thất nghiệp ở VN” - bà Mai nói.
Bộ Y tế bị chê quản lý nhà nước kiểu đối phó
Trong phiên họp chiều 25-9, bà Trương Thị Mai đã thẳng thắn “chê” Bộ Y tế quản lý khiến người ta buồn cười, quản lý kiểu đối phó.
Theo bà Mai, Luật khám chữa bệnh năm 2010 giao Bộ Y tế hướng dẫn quy định khám chữa bệnh từ thiện, nhưng đến năm 2014 Bộ Y tế vẫn chưa ban hành quy định này. “Thế nhưng vài ngày sau sự cố làm ba trẻ tử vong khi phẫu thuật khe hở môi - hàm ếch ở Khánh Hòa thì Bộ Y tế ban hành ngay quy định, cũng là kịp thời nhưng dễ khiến người ta nghĩ Bộ Y tế đối phó” - bà Mai nói.
Giảm tải bệnh viện chưa hiệu quả, tổ chức đấu thầu thuốc chưa tốt, nâng số lượng người tham gia bảo hiểm y tế còn “phập phù”, thực hiện đào tạo bác sĩ hệ cử tuyển sai lầm... là những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra với Bộ Y tế.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Tính (Quảng Trị), nên rà soát những chuyên khoa nào quá tải nhất để tập trung đầu tư, không nên dàn trải bởi theo đại biểu Tính, ngay tại Thừa Thiên - Huế có hai bệnh viện mới nhưng không có cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân.
Đại biểu Trần Ngọc Tăng, nguyên chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ, còn cho rằng người khỏe đi thăm người thân ở bệnh viện về cũng ốm luôn vì bệnh viện ngột ngạt quá!
End of content
Không có tin nào tiếp theo