Doanh nhân

Xây dựng thương hiệu từ... nồi cá kho

Một người bạn kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn trên mạng xã hội, một hôm mời tôi đến nhà chơi. Chị xây được cái bếp nho nhỏ tại nhà, nấu nướng chế biến đóng gói cũng vài năm nay rồi. Nghe nhiều người khen thức ăn ngon, đóng gói sạch sẽ. Tôi cũng nghe nhiều người khen bà chủ tử tế.

Chuyện hôm đó chị mời tôi tới nhà, là để trình bày ý định làm một sản phẩm cá kho đóng gói. Bạn hỏi sự khác biệt là gì ư? Là đây, thay vì chị ấy mua cá ở biển, vận chuyển từ miền Trung vào Sài Gòn để kho, thì chị ấy dời bếp ra thẳng bãi biển. Cá về là lấy lên kho luôn, rồi rút chân không, đóng gói chỉn chu gửi vào Sài Gòn.

Tôi gật liền. Chị làm đi rồi tôi ủng hộ. Cái này thắng.

Bạn hỏi tại sao thắng? Đó là bởi vì cái gốc sản phẩm, là yếu tố đầu tiên. Sản phẩm cốt lõi mà ổn, thì rồi mọi thứ sẽ ổn. Sản phẩm mà đi đúng xu hướng, khi người ta đang cần ăn sạch ăn ngon, thì lo gì mà không thắng?

Yếu tố thứ hai là vận hành sản phẩm đó trên thị trường. Chị đã có ba năm kinh nghiệm, có lúc tự tay đi giao hàng cho khách, còn lo gì mà làm không nên? Còn lại là việc mình xác định bán cho phân khúc khách hàng nào và làm sao để chăm sóc cho phân khúc đó chặt chẽ, chỉn chu. Làm được chuyện đó rồi thì từ từ thương hiệu sẽ lớn, mỗi ngày một chút.

Học cách xây dựng thương hiệu từ nồi cá kho.

Cá lóc ruộng kho tiêu.

Tôi chủ trương khuyến khích chị phát triển thương hiệu theo kiểu mỗi ngày một chút. Đừng làm ầm ầm rồi vắt thân vắt thịt vắt óc của mình lao theo, kéo cả cha mẹ anh chị em họ hàng đùng đùng cùng chạy. Đến khi kiệt sức hay đổ bể, cả làng cả họ quay sang hờn trách chê bai, mắng chửi lẫn nhau.

Thấy bài học trước mắt đó, bao nhiêu thương hiệu đã ra đi, kéo theo bao nhiêu bi kịch cá nhân ẩn chứa hay phô bày ra. Doanh nhân mà xác định làm kinh doanh rồi hy sinh hạnh phúc của mình và người thân của mình, tôi không tin rằng họ sẽ đạt thành công lâu dài. Làm gì có ai đó bất hạnh mà làm ra được sản phẩm đem lại lợi ích thực sự cho người khác, cho xã hội?

Cho nên, thiết nghĩ, muốn thương hiệu được lâu bền thì bản thân doanh nhân đó phải hạnh phúc, xong mới nói đến chuyện làm cho khách hàng hạnh phúc. Nữa mới đến những chuyện cao cả như chấn hưng phục hóa, thiện nguyện…

Mà muốn hạnh phúc, con người ta phải có giá trị cốt lõi. Trong trường hợp doanh nghiệp, giá trị cốt lõi chính là sản phẩm. Đã qua rồi cái thời chụp giật pha hóa chất làm giàu, cặp kè với hoa hậu người mẫu diễn viên để chứng tỏ đẳng cấp, hay đánh bóng thương hiệu bằng các chương trình từ thiện giả vờ.

Người tiêu dùng năm 2016 dùng điện thoại di động để nói chuyện với cả thế giới. Chỉ cần ở Cà Mau mở wifi là có thể kết nối được với Barack Obama. Vậy màu mè thì màu mè làm sao? Giả dối thì giả dối thế nào?

Tôi có nhắc chị bạn rằng, làm gì thì làm cũng phải luôn nhớ về cái nồi cá kho. Phải đứng ở chỗ cái nồi cá kho, đứng vững chắc ở đó rồi hãy nói chuyện khác. Chớ ngồi tuốt trên mây rồi nói về đạo lý, trong khi sản phẩm ngon dở mình không hay, có phải càng nói càng lụn bại hay không? Rồi bỏ tiền quá chừng xây dựng thương hiệu ào ào, một ngày kia đứa nào chơi ác bỏ mấy con côn trùng vô đó, tự nhiên “sụm bà chè” ngang hông. Toi cả ngàn con người chớ không ít.

Thiệt ra cũng đâu phải tại mấy con côn trùng, mà là tại tư duy cũ nhưng không chịu làm cho mới, cũ mà hổng biết mình đã cũ; là giới hạn của người lãnh đạo, một ngày nào đó sẽ thể hiện ra mồn một, vậy thôi.

Hội nhập TPP – ASEAN rồi ASEAN cộng 5, cộng 6 ập tới. Mở mắt ra ngày đầu năm 2016 là thành công dân ASEAN. Là gì hả? Là ngày kia, cái cô đó hổng chịu mua ổ bánh mì của mình nữa, chạy vô mua cái bánh mì của anh chủ Thái Lan. Tại ảnh khôn quá, bán cái gì vừa đẹp vừa ngon lại nhìn hấp dẫn, mà hổng có mắc hơn bao nhiêu. Mà ảnh thương hiệu Thái hẳn hòi, trong khi người Việt vốn sính ngoại.

Kiểu như Samsung vừa mới cho ra mắt sản phẩm tủ lạnh có màn hình cảm ứng kết hợp với MasterCard, cho phép người tiêu dùng đặt hàng trực tuyến bằng chính cái tủ lạnh của mình. Hay ho chưa, hết gì mua đó, bà giúp việc cũng tự đặt hàng được trên mạng, quẹt quẹt mấy cái là hiện ra hết, cả thế giới. Chỉ còn mỗi việc là phổ cập tiếng Anh.

Giờ các trang bán hàng cũng hết hoa lá cành kể câu chuyện này câu chuyện khác. Chỉ đơn giản là: sản phẩm gì, nguồn gốc ở đâu, công dụng thế nào, khác biệt rõ ràng (đo đếm được) ra sao, và bao bì đẹp.

Mua quảng cáo Google, Facebook tính ra còn rẻ chán. Trừ phi mấy anh lớn đó tăng giá thì lại là chuyện khác. Cao cấp hơn thì dùng những phương tiện chính thống, từ truyền hình đến báo giấy, tạp chí. Cứ liệu cơm mà gắp mắm. Chỉ cần nồi cá kho ngon, thì mấy chục mấy trăm khách hàng quảng cáo cho miễn phí trên Facebook của họ, vậy là lời quá chừng.

Vậy nếu không bắt đầu từ nồi cá kho, chăm chút cho nồi cá kho, yêu thương và không ngừng yêu thương nó, thì bắt đầu từ chỗ nào tốt hơn? Phải bán cá kho cho người Việt, rồi bán cho người nước ngoài ở Việt Nam thích ăn món Việt, rồi bán cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, rồi bán luôn cho người nước ngoài, gần thì Thái Lan – Campuchia – Indonesia, xa thì châu Âu, châu Mỹ. Thiếu gì chỗ bán, hội nhập tràn hết ra rồi kìa!

Nghĩ rộng ra rộng ra mấy cũng được, càng rộng càng tốt, nhưng phải nhớ khư khư giữ giùm cái nồi cá kho, không thì công cốc hết. 

Doanhnhansaigon/DNSGCT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo