Xây trụ sở nguy nga: Tiền đâu mà làm?
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức -Ủy viên Thường trực, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.
PV:- Thưa ông, dù đã được góp ý, phê bình nhưng "hội chứng" chạy đua trụ sở mới lại to hơn trụ sở cũ vẫn đang diễn ra và lây lan thành phong trào, điển hình như đề xuất của Hải Dương mới đây. Nhiều địa phương khác cũng khẳng định đã xây trụ sở hoặc đang lên kế hoạch, như Quảng Nam, Quảng Ngãi,... phải bình luận gì trước hiện tượng này, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức:- Không phải bây giờ thấy nó thành "hội chứng", thành phong trào thì xây trụ sở mới được bàn tới. Vấn đề đầu tư công, chống lãng phí đã được chỉ đạo rất quyết liệt trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đầu tư công. Nhất là với tình trạng xây dựng trụ sở, chỗ làm việc… Quốc hội đã nhiều lần lên tiếng và đã có chủ trương cắt giảm chi tiêu công từ hai năm nay rồi.
Chủ trương đó đã được quy định tại Nghị định 192 của chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Chỉ thị 23 về Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020.
Theo chủ trương này, chính phủ chỉ đạo từ nay đến hết năm 2015 hoàn thành dứt điểm và đưa vào sử dụng các dự án dở dang, không thêm dự án đầu tư mới. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 không tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020; Giai đoạn 2016 - 2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới… Như vậy là, trong giai đoạn từ năm 2015 trở đi sẽ không còn những trụ sở hành chính xa hoa, lãng phí nữa.
Tôi muốn khẳng định chỉ đạo chống lãng phí, tiết kiệm đã thực hiện cả chục năm nay rồi, những trụ sở đã làm là nằm trong kế hoạch đã được duyệt. Hiện nay không còn tình trạng xây trụ sở mới nữa.
Tôi cho rằng, xây dựng mới là cần thiết xong phải cân nhắc trong bối cảnh kinh tế của chúng ta hiện nay. Không riêng gì xây trụ sở mà ngay cả mua xe công cũng không được mua mới, đình hoãn tất cả những chi phí đình đám, lễ hội xa hoa lãng phí không cần thiết...
PV: - Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã nhiều lần nói thẳng về chuyện "trụ sở nguy nga như lâu đài". Tuy nhiên, tình trạng này không những không giảm bớt mà còn có chiều hướng gia tăng thành hội chứng như đã nói ở trên. Theo ông, vì sao có sự lệch pha giữa ý chí của Quốc hội và việc thực hiện của các địa phương? Ông bình luận như thế nào về sự lệch pha này?
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức: - Như tôi đã nói, những dự án nào nằm trong quy hoạch giai đoạn 2011-2015 sẽ phải dừng lại, công trình nào đang làm dở thì phải tìm nguồn để hoàn thiện. Chắc chắn không còn xuất hiện trụ sở mới. Đây là trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ KHĐT phải rà soát lại dựa trên cân đối nguồn tài chính quốc gia.
Câu chuyện xin làm trụ sở của Hải Dương với tổng nguồn vốn lên tới hơn 2.000 tỷ dù chưa nghe xong tôi chỉ đặt ra một câu hỏi: "Hải Dương đầu tư từ nguồn tiền nào?"
Tôi khẳng định, dù Hải Dương có nhu cầu cũng không thể thực hiện được. Tổng chi ngân sách nhà nước 70% dành chi thường xuyên, 30% chi trả nợ và đầu tư phát triển, tức là không còn tiền bao cấp cho địa phương để xây trụ sở.
Trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế không dựa vào khu vực sản xuất tư nhân, đầu tư còn dàn trải, lãng phí tôi cho rằng, không nên dồn nguồn lực để xây dựng trụ sở. Bởi khu vực còn dư địa để khai thác là khu vực kinh tế tư nhân, nếu dồn nguồn lực vào xây trụ sở sẽ không còn tiền để thúc đẩy sản xuất, đồng nghĩa với việc không có nguồn thu và cũng không có nguồn đầu tư ngược loại cho đầu tư phát triển.
PV:- Hiện có nhiều lý giải rằng, trụ sở được xây dựng từ nguồn vốn "xã hội hóa", nghĩa là đổi chác quyền lợi với doanh nghiệp để lấy tiền đầu tư trụ sở. Thưa ông, phải hiểu sự xã hội hóa ở đây như thế nào? Địa phương có quyền đánh đổi một số quyền lợi của địa phương được phân bổ cho doanh nghiệp để đổi lấy "trụ sở" hay không, hay quyền quyết định việc đó phải thuộc về phía người dân?
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức: - Không ai cho phép làm như vậy, đất đai là sở hữu toàn dân, chắc chăn bộ TNMT, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính sẽ có thẩm định. Không thể nhập nhèm lấy tài sản của nhà nước coi đó là của địa phương rồi chuyển cho tư nhân.
Về nguyên tắc, đất đai là tài sản sở hữu của toàn dân, số phận của nó phải được người dân quyết định. Theo Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ, việc quản lý trụ sở phải được bàn giao cho Bộ Tài chính xử lý.
Đối với trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương, Bộ Tài chính hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án xử lý. Với cấp địa phương, phải trình UBND tỉnh bàn bạc, xem xét, thông qua lấy ý kiến của HĐND (tức là tiếng nói đại diện cho người dân) xử lý.
Quyết định này phải được xem xét đặt trong tổng thể nguồn ngân sách quốc gia chứ không thể tự ý mang hoán đổi lấy trụ sở mới coi như đó là tài sản của riêng mình được.
PV:- Lý giải hội chứng này các chuyên gia chỉ thẳng các địa phương xây trụ sở là vì "vừa được nhà to, lại vừa là kế sách để kiếm GDP", ông có đồng tình với nhận xét đó không, vì sao? Lý do này đã giải thích được tại sao, tỉnh này xin xây dựng khu chế xuất, tỉnh khác lại xin xây khu công nghiệp, hết cái xây lại quay sang làm sân bay, bến cảng... Tức là phải nghĩ mọi cách kể cả đập đi xây lại là để có được GDP, để được báo cáo thành tích chưa, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức: - Điều này là thực tế, do vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, chạy đua thành tích. Gần đây, nhiều cơ quan của quốc hội và các chuyên gia đã lên tiếng về cách tính GDP hiện nay còn nhiều bất cập. Tức là đưa quá nhiều tài sản cố định vào để lấy GDP, tính trùng lắp để được tính GDP nhiều lần. Tôi lấy ví dụ, chỉ cần xây dựng một con đường cũng được tính 3-4 lần GDP (GTVT cũng tính, môi trường tính....) như vậy là không hợp lý. Vấn đề này năm 2015 sẽ được bóc tách rõ ràng.
Đó là lý do vì sao vẫn có một số các tỉnh đang chạy theo đầu tư xây dựng hạ tầng, xâu khu chế xuất, khu công nghiệp… cứ tìm mọi cách xây lên, đập đi để lấy GDP.
PV:- Trong bối cảnh tín dụng không đến với doanh nghiệp sản xuất tư nhân, động lực của nền kinh tế, nợ công đã ở mức báo động, việc xây dựng trụ sở hay nói cách khác là đầu tư xây dựng cơ bản nhưng không có tính toán, không tương thích với nền kinh tế theo ông sẽ dẫn tới điều gì? Có thể so sánh với hình ảnh học sinh thiếu lớp học, bệnh nhân không có giường nằm nhưng địa phương vẫn xây nhà vệ sinh "dát vàng" được không, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức: - Hệ quả đã nhìn thấy rất rõ ràng, nợ công ngày càng tăng, kinh tế trì trệ. Giải pháp trước mắt là kêu gọi thắt chặt chi tiêu, trên cơ sở thu bao nhiêu chi bấy nhiêu. Tuy nhiên, phải cân đối nguồn thu chi, đảm bảo chi an sinh xã hội, chi tiền lương.
Tôi cho rằng, những khoản chi ngân sách cho các chính sách, luật mới ban hành nhất thiết phải được thu hẹp lại, nên dành nguồn đầu tư cho đầu tư phát triển. Nếu chi quá nhiều trong bối cảnh kinh tế hiện nay, mục tiêu đảm bảo tăng trưởng 6,2% là rất khó khăn.
Khu vực cần quan tâm là khu vực tư nhân và khu vực doanh nghiệp nước ngoài đó là hai khu vực còn dư địa phát triển. Cùng với đó, phải đẩy mạnh tái cơ cấu, CPH DNNN, bán bớt những DNNN làm ăn yếu kém, không hiệu quả để lấy tiền đầu tư. Tức là, phải tập trung cả 3 nguồn lực đó mới mong kinh tế được cải thiện.
PV:- Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo