Xi măng đắt hàng, “phụ kiện” ngành ế ẩm
Tiêu thụ xi măng 9 tháng đầu năm 2014 đạt mức tăng trưởng đáng kể (đạt 47,16 triệu tấn, bằng 106% so với cùng kỳ) nhưng tiêu thụ gạch kiềm tính (GKT) - gạch dùng cho lò nung xi măng lại sụt giảm.
Có nhiều nguyên nhân khiến loại vật liệu “đặc thù” này khó phát triển, cho dù Việt Nam là quốc gia có sản lượng xi măng đứng thứ 6 trên thế giới.
Ông Nguyễn Đình Truyền, Giám đốc Công ty GKT Hoàng Thạch cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 70% kế hoạch, ở mức 6.300 tấn. Mặc dù GKT Hoàng Thạch đã bán cho hầu hết các nhà máy sản xuất xi măng trong nước. Từ năm 2010, thị phần của GKT Hoàng Thạch chiếm khoảng 50%, nhưng hiện nay phải cạnh tranh với gạch từ Trung Quốc”.
Với 50% thị phần, năm 2012, GKT Hoàng Thạch đã vươn lên soán ngôi hàng ngoại nhập từ các nước châu Âu, Thái Lan và Trung Quốc khi giữ lợi thế về giá (gạch châu Âu chất lượng tương đương có giá gấp 1,2 - 2 lần), lợi thế về thời gian sản xuất khi đơn hàng từ châu Âu phải đợi cả tháng và lợi thế về thanh toán (hàng nhập phải trả tiền trước và trả bằng ngoại tệ). Thế nhưng, sang năm 2014, tình hình đã không còn khả quan như trước, cho dù doanh thu vẫn có thể đạt kế hoạch (doanh thu 9 tháng là 160 tỷ đồng so với 200 tỷ đồng kế hoạch năm).
Tại Việt Nam, GKT Hoàng Thạch gần như là nhà máy duy nhất sản xuất GKT cho sản xuất xi măng, bên cạnh gạch chịu lửa kiềm tính Việt Đức (Đồng Nai). Trước đó, nhìn thấy tiềm năng của sản xuất xi măng, Xí nghiệp Gạch ngói Đồng Nai đã nhập thiết bị về để sản xuất GKT cho lò nung xi măng nhưng không tìm được đầu ra cho sản phẩm nên đã bán lại cho CTCP Tập đoàn Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên. Khi về với “chủ mới”, GKT Việt Đức vẫn trong giai đoạn “mò mẫm” đầu ra cho dù đã hạ giá sản phẩm.
Như vậy, 2 đơn vị sản xuất tại Việt Nam đang phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ “đổ bộ” vào thị trường. Với đặc thù của GKT chỉ được dùng trong vòng 6 tháng - 1 năm và nguyên liệu nhập ngoại nên vấn đề sản xuất của GKT Hoàng Thạch phụ thuộc vào đơn hàng. Vì thế, sản xuất và kinh doanh gần như lệ thuộc vào thị trường.
Ông Hoàng Cảnh Nguyễn, Tổng giám đốc xi măng FICO cho biết: “Nhà máy dùng toàn bộ GKT Hoàng Thạch và thấy chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán đều thuận tiện. Mua gạch Trung Quốc chưa biết chất lượng đến đâu, nên nếu có sự cố dừng lò thì tổn thất lớn hơn nhiều, vì hiện nay, xi măng FICO đang chạy hết công suất”.
Đây cũng là quan điểm của ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả khi lựa chọn GKT cho lò nung. “Sau khi cải tạo dây chuyền, Cẩm Phả đang chạy vượt 5% công suất thiết kế nên các loại thiết bị, phụ tùng thay thế đến gạch xây lò phải chọn lựa cẩn thận”.
Tuy nhiên, không phải nhà máy xi măng nào cũng cùng chung quan điểm ưu tiên dùng hàng Việt. Hệ quả là GKT Việt Nam dù tốt đến đâu cũng khó cạnh tranh về giá với hàng nhập từ Trung Quốc, chưa kể đến nguy cơ bị “đè” giống như gạch ốp lát. GKT Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào khi Trung Quốc là nước có sản lượng xi măng lớn nhất thế giới, khoảng 1.370 triệu tấn/năm, gấp 22,5 lần sản lượng của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia trong ngành xi măng nhận định, chỉ cần GKT Việt Nam đóng cửa nhà máy thì lập tức GKT Trung Quốc sẽ soán sân, tăng giá và tăng điều kiện thanh toán. Sự có mặt của GKT Việt Nam phần nào cũng cản được sự “tấn công” của hàng Trung Quốc, điều này có lợi cho các nhà máy xi măng trong điều kiện thị trường tiêu thụ vẫn chưa hết khó khăn và giá xuất khẩu đang ở mức thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, bài toán dài hơi này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng tính đến.
Theo Đầu Tư BĐS
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo