Xin đừng duy ý chí để ồ ạt trồng mắc-ca
Vườn mắc-ca bị phá hàng loạt vì giống xấu
Mắc-ca nhân giống bằng chiết ghép, sau ít nhất 7-10 năm mới cho thu hoạch kinh tế, điểm hòa vốn rất chậm và nếu trồng bằng cây thực sinh sẽ không cho quả. Giống như các cây lâu năm (càphê, caosu, …) khi cây còn nhỏ nông dân không thể nhận biết đâu là giống tốt, cây ghép hay thực sinh. Sau khi trồng hàng chục năm mới biết thì chỉ có chặt bỏ. Hệ thống cung ứng giống chưa được tổ chức, hạt mắc-ca chủ yếu là nhập khẩu, không có mấy đơn vị sản xuất giống có chứng chỉ nên nếu gặp rủi ro thì đương nhiên người trồng gánh chịu.
Hiện nay giống mắc-ca hầu hết đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ít nhà vườn lai ghép những loại cây kém chất lượng, người dân rất khó nhận biết. Ở Lâm Hà (Lâm Đồng) nhiều hộ dân đã phá bỏ hàng loạt vườn mắc-ca bởi dù tươi tốt nhưng lại không cho quả. Như vậy, muốn phát triển đồng loạt thì cũng không thể cung cấp giống tốt kịp được.
Về trồng xen, mắc-ca là cây tán rộng, chiếm đất, lá rậm, không thích hợp như các cây trồng xen cho càphê hay chè. Khi trồng xen, chưa kể việc tranh chấp nước và chất dinh dưỡng, thì việc bón phân khoáng, phun thuốc chắc chắn ảnh hưởng đến tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do khách hàng yêu cầu.
Thử nghiệm trồng xen với càphê đầu tiên năm 2004 ở một hộ huyện Krông Năng chưa rút ra kết luận đáng tin. Chúng ta cũng đã trồng xen càphê với trẩu, quế, sầu riêng... và đã không thành công.
Hãy thận trọng!
Nghiên cứu lâu nhất về so sánh giống mắc-ca của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên là từ năm 2002 đến nay mới chọn được 10 giống có triển vọng, đem trồng khảo nghiệm diện hẹp ở mấy nơi quanh Buôn Ma Thuột. Sau đó các chuyên gia của viện đưa ra khuyến nghị rất thận trọng là cần phải được đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi ra sản xuất, đặc biệt là công tác chọn giống và quy hoạch vùng trồng cho cây mắc-ca.
Phải khẳng định rằng Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia về cây mắc-ca, còn chuyên gia về sản phẩm mắc-ca thì gần như chưa có. Trong khi đó thì nhiều ý kiến khác (chủ yếu là người không nghiên cứu) lại khuyến nghị mở rộng một cách thái quá, rất dễ gây ấn tượng mắc-ca là một huyền thoại.
Một số ngân hàng lớn nhanh chóng hưởng ứng, cam kết đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng. Có vị lãnh đạo ngân hàng nói “sẽ không chỉ bàn mà làm luôn”, vị khác quyết tâm: “Không ai làm thì tôi cũng tự trồng”. Nhưng cũng có người có trách nhiện quản lý vốn cho rằng: “Cần có quy hoạch, xây dựng các quy chuẩn tạo giống và chăm sóc, hướng dẫn việc chế biến, làm sao để chế biến sâu và thực sự tạo nên được các chuỗi giá trị từ hạt mắc-ca”.
Trong luồng ý kiến bàn thảo vừa qua, đáng lưu ý là chưa thấy tiếng nói của những người trồng mắc-ca đích thực.
Cơ sở khoa học phát triển mắc-ca còn nhiều điểm chưa chắc chắn, chưa thể yên tâm. Để phát triển cây trồng chủ lực như càphê, caosu, ngô,… chúng ta có các viện nghiên cứu tương xứng mà cũng phải nhiều thập kỷ mới định vị được các cây này trong hệ thống nông nghiệp.
Tuổi thọ vườn cây chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để nghề sản xuất mắc-ca bền vững phải xét từ khía cạnh kinh tế (hiệu quả trên đơn vị đầu tư, giá trị gia tăng,…); khía cạnh xã hội (mức độ hưởng lợi của các bên tham gia) và môi trường (tài nguyên đất, nước, xử lý ô nhiễm...). Như vậy chắc chắn phải qua nghiên cứu và thử nghiệm giống từng bước, song đến nay vẫn chưa có một bộ giống chuẩn về cây mắc-ca cho vùng Tây Nguyên.
Hiện mới chỉ có vài mô hình nhỏ trong khi Tây Nguyên, Tây Bắc thì rộng lớn, vì thế phải khảo nghiệm rộng hơn trước khi cho trồng mở rộng. Để có cơ sở khoa học, ít nhất phải có một đề tài lớn nghiên cứu triển khai một cách toàn diện và đồng bộ.
Cần nhắc lại rằng, phát biểu tại hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc-ca” đầu tháng 2.2015, ông Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng - chỉ ra rằng “Việt Nam chưa có một chiến lược phát triển cây mắc-ca”. Một chiến lược như vậy phải có trước khi trồng đồng loạt và những nội dung trên cần được tính đến trong việc xây dựng chiến lược đó.
GS-TS Nguyễn Tử Siêm - Cố vấn trưởng Kỹ thuật Quốc tế, Bộ Ngoại giao & Phát triển Canada
Nguyên Cục trưởng cục Khuyến nông & Khuyến lâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo