Xử lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước gây ra nợ xấu
Để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ông Tuyển cho rằng, trước mắt cần thực hiện nhiều giải pháp ngắn hạn như tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Đây là việc làm quan trọng do một số nghiên cứu chỉ ra rằng, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính cũng góp phần giúp nền kinh tế tiết kiệm nhiều tỷ USD. Tính toán cho thấy, chỉ riêng cải cách thủ tục hải quan, môi năm có thể tiết kiệm cho nền kinh tế đến 20 tỷ USD.
Cùng đó, cần có giải pháp hữu hiệu để giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại, gắn với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu cũng cần thực hiện minh bạch.
“Đối với nợ xây dựng cơ bản và nợ của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trước sau Nhà nước cũng phải trả, vì vậy cần tìm nguồn để trả. Có thể thực hiện bằng cách bán cổ phần của các DNNN mà nhà nước không cần tham gia sở hữu tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để trả.
Việc này sẽ giúp giải phóng bớt gánh nặng cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cùng với đó là phải xử lý lãnh đạo DNNN đã gây ra nợ xấu và thực hiện tái cơ cấu DNNN“, ông Tuyển nói.
Để gỡ những điểm tắc của vấn đề nợ xấu, cần có chính sách để các quỹ đầu tư, kể cả các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thi trường mua bán nợ. Để làm việc này cần sửa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
Khó đạt mức tăng trưởng 5,8%
Cũng theo ông Tuyển, năm 2014 dự báo sẽ khó đạt mức tăng trưởng 5,8% như đề ra trong khi lạm phát sẽ không vượt quá 4,5% do tổng cầu thấp. Nếu muốn đạt mức tăng trưởng đề ra, phải tăng thêm khai thác dầu thô, khai thác than…(như đã từng làm) nhưng đây là cách tăng trưởng không hiệu quả.
Vấn đề với nền kinh tế hiện nay không chỉ là tốc độ tăng trưởng mà quan trọng hơn là cách thức tạo ra tăng trưởng. Nếu giải quyết được nợ xấu, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư tư nhân, thì có thể tiếp cận đến chỉ tiêu này và tạo đà cho năm 2014 và tạo đà cho năm 2015.
Cũng theo nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, nhiều dự báo cho thấy, kinh tế Việt Nam năm 2015 có mức phục hồi cao hơn và có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6%-6,2%. Mức phục hồi tăng trưởng này một phần nhờ yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và sẽ có chuyển biến trên hầu hết các tiêu chí trong nửa đầu năm 2015.
Cùng đó là sự góp sức của các hiệp định mậu dịch tư do ta đang đàm phán. Nhiều khả năng hầu hết các hiệp định sẽ được hoàn thành không muộn hơn 6 tháng đầu năm 2015. Điều này sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.
Mức lạm phát năm tới dự báo không quá 6,5% nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt chính sách trung hòa tiền tệ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng có một số nguy cơ và các rủi ro có thể xảy ra.
Cụ thể là vấn đề nợ công tăng, đe doạ khả năng trả nợ và an toàn tài chính. Nếu tăng trưởng thấp và thu ngân sách tăng chậm, nguồn trả nợ sẽ khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chỉ tiêu này.
“Trong điều kiện tổng cầu yếu, lạm phát thấp và ta đang xuất siêu, xem xét khả năng điều chỉnh hạ giá VND khoảng 3% để khuyến khích xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ“, ông Tuyển đề xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo