Góc nhìn

Xử lý nợ xấu từ chính nguồn lực trong DNNN

Không đồng tình với đề xuất sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu của DNNN, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, nguồn lực eo hẹp như hiện nay nên được tập trung vào một đầu mối để sử dụng cho hiệu quả.

Đẩy mạnh cổ phần hóa hơn nữa để dùng nguồn lực đó cho xử lý nợ của nền kinh tế

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra đề xuất sử dụng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của DNNN. Theo ông phương án này có hợp lý?

 
Để nói là đề xuất này có hợp lý hay không, trước tiên cần nhìn vào thực trạng nợ của DNNN hiện nay đang trông chờ vào các công ty như Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) xử lý. Nhưng vai trò của họ chủ yếu là sắp xếp, bố trí, tái cấu trúc các khoản nợ lẫn nhau giữa các DNNN, hơn là giải quyết khoản nợ giữa DNNN với ngân hàng. Bên cạnh đó, DATC cũng không phải là một quỹ luôn có nguồn tiền để thay DNNN xử lý các khoản nợ trong mối quan hệ với các NHTM.
 
Chính vì vậy, có vẻ DATC cũng đang bế tắc trong việc giúp các DNNN giải quyết gánh nặng nợ tại các NHTM. Trong khi đó, với nợ của DN tư nhân thì vai trò xử lý và mô hình, cách thức hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã khá rõ ràng. Điều này có thể lý giải cho đề xuất sử dụng ngân sách để xử lý nợ DNNN mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra.
 
Tuy nhiên đề xuất này có vẻ không ổn lắm. Trong bối cảnh Chính phủ đang phải cân nhắc về việc thêm nguồn lực cho VAMC để xử lý nợ xấu thì việc dùng ngân sách để xử lý nợ của DNNN chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến không đồng tình. Đề xuất này cũng cho thấy sự yếu kém của DNNN chưa được sửa chữa gì mà lại tiếp tục dùng tiền để giúp các DN này xử lý nợ.
 
Vấn đề là tính công bằng và hiệu quả trong đề xuất này như thế nào. Chưa kể ngân sách như chúng ta biết là cực kỳ eo hẹp, không đủ tiền để chi đầu tư phát triển, trả nợ cũng không đủ mà buộc chúng ta phải đi vay mới để trả nợ cũ thì có lý do gì mà ngân sách phải rót thêm cho các DNNN vốn đã yếu kém mà chưa phải chịu trách nhiệm nhiều về những hậu quả đã gây ra.
 
Có thể thấy tư tưởng chung của xã hội đã tương đối đồng thuận rằng nợ xấu gây nghẽn mạch nền kinh tế và cần được giải quyết sớm. Do đó, việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, theo tôi sẽ nhận được sự đồng tình, vấn đề là phải làm một cách hiệu quả và hợp lý.
 
Như vậy có phải ông không đồng tình với phương án sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu?
 
Không hẳn là như vậy. Quan điểm của tôi là cần sử dụng tiền từ chính DNNN để xử lý nợ xấu hiện nay. Nghĩa là đối với các DNNN hiện nay, chúng ta phải đẩy mạnh cổ phần hóa hơn nữa để dùng nguồn lực đó cho xử lý nợ của nền kinh tế. Việc dùng tiền cổ phần hóa để xử lý nợ, tôi đề xuất dựa trên tiêu chí thị trường. Có nghĩa là những khoản nợ nào có tính thị trường thì cấp vốn cho VAMC mua lại theo tiêu chuẩn thị trường. Còn nếu chúng ta khu trú nợ của DNNN lại thì cuối cùng sẽ dễ tạo ra rủi ro đạo đức. Tức là ngay cả những khoản nợ không có tính thị trường, không thể thu hồi được, nhưng do khu trú trong DNNN nên cuối cùng nó vẫn được mua lại thì điều đó là cực kỳ tốn kém và phi thị trường.
 
Có thể hiểu ý của ông là khi đã có được một nguồn lực nhỏ thì nên ưu tiên cho xử lý nợ của DN tư nhân, thay vì sử dụng để xử lý nợ xấu của DNNN?
 
Đúng vậy. Cần nhìn nhận thực tế là nguồn lực đó chắc chắn không thấm vào đâu so với quy mô nợ của các DNNN hay DN tư nhân, càng không thấm vào đâu so với quy mô nợ xấu của cả nền kinh tế. Song nó có thể được xem như vốn mồi để VAMC tăng thêm năng lực tài chính trong việc huy động nguồn lực để xử lý nợ. Vai trò ban đầu của VAMC thực ra là tham gia chủ động vào quá trình mua bán nợ. Và việc tham gia chủ động như vậy sẽ tạo tín hiệu tích cực để qua đó thu hút thêm những NĐT thứ cấp khác tham gia vào. Đó cũng là cách mà mô hình KAMCO của Hàn Quốc thực hiện. Ban đầu KAMCO tham gia chủ động trên thị trường mua bán nợ, sau đó thoái dần vai trò của họ xuống cho các NĐT thứ cấp.
 
Vậy thì trong khi chúng ta đang lúng túng trong thiết kế thị trường mua bán nợ, VAMC không có đủ nguồn lực để có thể xử lý dứt điểm nợ xấu thì việc dùng ngân sách cho DNNN là lợi bất cập hại.
 
Kể cả dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu cho DNNN hay DN tư nhân thì cũng phải thừa nhận đó là một khoản rất nhỏ vì ngân sách còn eo hẹp. Vậy, để có thêm nguồn lực phải lấy ở đâu?
 
Chúng tôi có đề nghị từ lâu là phải bán tài sản Nhà nước để bơm nguồn lực cho VAMC xử lý nợ, mà thực chất là cổ phần hoá DNNN, nhưng tới nay cũng chưa tới đâu. Bởi 432 DN mà chúng ta cổ phần hoá năm nay và năm sau ngay cả bán hết cũng chưa chắc đủ tiền xử lý khoản nợ xấu hiện nay. Chưa kể hiện chúng ta cổ phần hoá rất dè dặt, chỉ bán khoảng 25% số cổ phần của DNNN mà thôi.
 
Thêm nữa, 25% giá trị đó nếu bán đi thì cũng phải giữ lại một phần cho DN và số tiền cuối cùng mà ngân sách thu lại từ việc bán DNNN thực chất cũng không còn được bao nhiêu. Như vậy, nếu chỉ dựa vào “tiền tươi thóc thật” sẽ khó có thể giúp VAMC xử lý triệt để nợ xấu. Vấn đề quan trọng là phải dùng thêm nguồn lực từ bên ngoài. Trong khi rất nhiều NĐT bên ngoài muốn tham gia vào thị trường và bơm nguồn lực thực thì chúng ta lại rất thận trọng khi cho phép họ tham gia.
 
Tóm lại, cách xử lý nợ của VAMC hiện nay cần nhiều hơn nguồn lực ban đầu cho cơ quan này hoạt động. Và quan trọng là phải tạo ra động cơ để VAMC dùng nguồn vốn hữu hạn đó để xử lý khoản nợ nào có hiệu quả hơn cho nền kinh tế, thay vì khu trú nguồn lực hữu hạn đó cho DNNN.
 
Xin cảm ơn ông!
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo