Xử lý sở hữu chéo: Vướng mặc cả, vướng tư duy nhiệm kỳ
Nếu không làm gì ma trận sở hữu chéo vẫn tồn tại, chắc chắn chuyện tái cấu trúc nền kinh tế sẽ không khả thi, nếu không muốn nói là viển vông.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên chương trình Kinh tế Fulbright nêu quan điểm trước tình trạng sở hữu chéo vẫn tiếp tục tồn tại trong hệ thống các tổ chức tín dụng trong khi nhiều biện pháp được đưa ra nhưng đang có một sự mặc cả hay thương lượng trong việc xử lý một số trường hợp.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng không đồng tình với quan điểm xử lý sở hữu chéo phải thận trọng, làm từ từ để tránh đổ vỡ vì theo ông, làm từ từ sẽ không khác gì không làm, thậm chí lại trở thành cớ hợp lý để không phải làm gì cả cho đến hết nhiệm kỳ rồi tính tiếp.
Chữa cháy tạm thời?
Trong văn bản trả lời chất vấn gửi đại biểu Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2013 quy mô sở hữu chéo trực tiếp trong hệ thống tín dụng của Việt Nam là "chưa lớn". Theo ông, thực chất tình trạng sở hữu chéo đang ở mức độ nào?
Cấu trúc sở hữu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hết sức phức tạp, không chỉ có sở hữu chéo mà còn là sở hữu tháp và cả sở hữu ngầm.
Tôi không biết quy mô sở hữu chéo mà NHNN đã tính toán là như thế nào và so với gì để cho là “chưa lớn”. Trước đây một đại diện của NHNN cho rằng tỷ lệ vốn của các tổ chức tín dụng đang sở hữu nhau ở mức khoảng 6% tổng vốn điều lệ ở các ngân hàng. Nếu chúng ta so sánh với quy định một cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên là cổ đông lớn thì 6% sao có thể gọi là không lớn?
Ngoài ra, đây cũng mới chỉ là sở hữu trực tiếp trong khi sở hữu chéo ở Việt Nam đa phần là sở hữu gián tiếp, và như vậy con số thực có thể sẽ không hề nhỏ.
Hơn nữa, rất nhiều khoản vốn góp hiện nay của các cổ đông là vốn ảo. Như vậy, nếu loại trừ số vốn ảo này thì rõ ràng con số 6% kia sẽ phải tăng lên khi so với vốn thực có của ngân hàng.
Thêm nữa, ngoài sở hữu chéo chúng ta còn phải đối mặt với sở hữu tháp và sở hữu ngầm. Sở hữu tháp hiện nay trong hệ thống ngân hàng cũng hết sức nghiêm trọng. Sở hữu tháp làm tách rời giữa quyền sở hữu với quyền kiểm soát.
Hãy hình dung, ngân hàng A sở hữu 50% (giả sử là mức sở hữu quyết định) ngân hàng B, ngân hàng B lại sở hữu 50% ngân hàng C. Như vậy ngân hàng A đã kiểm soát cả ngân hàng B và ngân hàng C, trong đó ngân hàng A chỉ sỡ hữu gián tiếp 25% tại ngân hàng C nhưng vẫn có thể kiểm soát cả ngân hàng C. Điều này vô tình đã vi phạm nguyên tắc một cổ phần một phiếu biểu quyết.
Nghiên cứu của chúng tôi tại Fulbright đối với một số ngân hàng ở Việt Nam bằng cách sử dụng chỉ số quyền lực Banzhaf cho thấy có những cá nhân, nhóm cá nhân dù trên danh nghĩa sở hữu tỷ lệ cổ phần nhỏ nhưng lại có quyền kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động của ngân hàng đó.
Cuối cùng, một dạng sở hữu nữa mà chúng ta cũng không thể không nói đó là sở hữu ngầm. Một người nào đó mà không nhất thiết là có quan hệ huyết thống vẫn có thể đứng tên sở hữu thay cho người chủ thực sự.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng này, và tại sao người ta lại dám để người khác đứng tên sở hữu một lượng lớn tài sản như vậy? Một phần là do quy định công khai minh bạch của chúng ta quá kém, chế tài thì lại quá yếu và lại quá tùy nghi.
Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa đằng sau đó chính là do thể chế chính thức về bảo hộ quyền tài sản của chúng ta quá yếu, trong khi các các thể chế phi chính thức lại trở nên rất mạnh và chính cái thể chế đó mới thực sự có hiệu lực trên thực tế.
Thống đốc NHNN cũng nêu một số giải pháp nhằm hạn chế sở hữu chéo, đầu tư chéo như đặt ra cơ chế tiếp nhận, mua lại cổ phần vốn thoái của các doanh nghiệp nhà nước tại tổ chức tín dụng; ra thông tư hướng dẫn thời hạn, trình tự thủ tục chuyển tiếp việc cổ đông của tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định.
Ngoài ra, biện pháp cũng được đưa ra như yêu cầu cổ đông, nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần, vốn từ các cổ đông cũ tại ngân hàng yếu kém phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, không sử dụng vốn vay, huy động từ tổ chức tín dụng đó hoặc tổ chức, cá nhân khác.
Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp được đưa ra? Theo ông những biện pháp này có thể mang lại hiệu quả đến đâu trong quá trình xử lý sở hữu chéo?
Tôi nghĩ rất nhiều giải pháp mà NHNN đưa ra về cơ bản là tích cực và phù hợp với hướng xử lý sở hữu chéo, góp phần làm lành mạnh hóa cấu trúc sở hữu của ngân hàng.
Để những giải pháp này không phải chỉ là giải pháp về mặt nhận thức quan điểm hay chỉ là ý tưởng có tính nguyên lý thì điều quan trọng là NHNN phải làm một cách thực chất, tích cực và triệt để hơn nữa. Yêu cầu về tính minh bạch thông tin cũng rất quan trọng. Trong quá trình xử lý sở hữu chéo chắc chắn NHNN sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Tuy nhiên NHNN phải đảm bảo rằng các quy định của luật pháp, một khi đã được ban hành thì phải được thực hiện một cách nghiêm minh mà không ai có quyền được phép mặc cả hay thương lượng.
Thời gian qua chúng ta thấy dường như đang có một sự mặc cả hay thương lượng trong việc xử lý tình trạng sở hữu vượt mức của một số cổ đông, nhóm cổ đông tại các ngân hàng. Trong khi Luật Các TCTD 2010 đã có quy định về những vấn đề này thì các vi phạm quy định phải được xử lý và chế tài một cách nghiêm minh.
Tinh thần của luật pháp không thể được diễn giải một cách chủ quan bằng cách này hay cách khác của chính cơ quan quản lý nhà nước - tức cơ quan có chức năng hành pháp. Chính sự thiếu nghiêm minh của luật pháp và sự thiếu thượng tôi pháp luật là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng như hiện nay.
Những cổ đông vi phạm quy định sở hữu, những cổ đông có quyền sở hữu cuối cùng, những cổ đông nắm quyền sở hữu thực sự đằng sau các ngân hàng phải được công khai. Tại sao là không thể?
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng các biện pháp mà NHNN chủ trương cũng chỉ là biện pháp chữa cháy tạm thời theo kiểu xử lý tình huống mà không thể loại bỏ được các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó và khó có thể làm lành mạnh hóa trở lại hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Tất nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng sở hữu chéo tự nó cũng có những mặt tích cực chứ không phải chỉ có tiêu cực, nhưng trong điều kiện Việt Nam thì hầu như là tiêu cực.
Chúng ta cũng không nhất thiết, vì có thể sẽ không thể khả thi hoặc quá tốn kém, phải loại bỏ hoàn toàn sở hữu chéo. Điều quan trọng là phải giảm được các tác động tiêu cực của sở hữu chéo đó mang lại.
Việc tăng cường chức năng giám sát hệ thống ngân hàng đối với các cơ quan giám sát, ở đây là Thanh tra NHNN, là quan trọng nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải tăng cường khả năng giám sát của thị trường.
Tái cấu trúc viển vông!
Ông có thể đề xuất những biện pháp khác cụ thể hơn?
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Để xử lý vấn đề hiện nay tôi nghĩ chúng ta phải có hàng loạt các giải pháp toàn diện và tổng thể hơn, bao gồm phải giảm được xung đột lợi ích bằng cách tách bạch giữa sở hữu và giám sát trong hệ thống các Ngân hàng thương mại nhà nước, chẳng hạn như giảm sở hữu nhà nước tại các ngân hàng thương mại đồng thời tăng cường vai trò tham gia và giám sát của cổ đông bên ngoài.
Để làm được điều này, chúng ta phải giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước xuống thấp hơn mức mục tiêu 65% mà chính phủ đề ra.
Chúng ta cần phải xóa bỏ ngoại lệ trong việc tuân thủ khung giám sát. Hiện nay Chính phủ và NHNN đưa ra rất nhiều ngoại lệ nhưng thiếu trách nhiệm giải trình, khiến cho tâm lý ỷ lại nảy sinh rất nguy hại.
Chúng ta phải xóa bỏ sở hữu nhà nước, sở hữu của các tập đoàn, DNNN tại các NHTM. Về mặt này chính phủ cũng tích cực hối thúc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng.
Tuy nhiên vẫn còn đâu đó có những thương lượng và mặc cả về việc tiếp tục duy trì sở hữu đó hoặc trì hoãn tiến trình thoái vốn. Chúng ta phải có biện pháp để hạn chế tình trạng và các hệ quả tiêu cực của sự tách rời giữa quyền kiểm soát và quyền sở hữu mà tôi đã nói ở trên.
Các thước đo về quyền kiểm soát cần được sử dụng bổ sung cho các thước quyền sở hữu trong việc giám sát hệ thống ngân hàng. Chúng ta cũng phải hoàn thiện các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Hiện nay các quy định này của chúng ta (theo Thông tư 13 và một số quy định liên quan) đã hết sức lạc hậu, không thể giám sát đủ và có hiệu lực đối với một hệ thống ngân hàng đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua.
Trước mắt chúng ta phải khẩn trương kiểm toán lại vốn tự có của ngân hàng để biết được thực lực tài chính thực sự của các ngân hàng hiện nay là bao nhiêu. Thực tế cho thấy nhiều ngân hàng có hệ số CAR rất cao, lên đến 20-30%, nhưng đó hầu hết lại là những ngân hàng yếu kém.
Điều này không phải là do bản thân hệ số CAR có vấn đề mà là do các ngân hàng có vốn tự có bị thổi phồng. Rồi chúng ta cũng phải định nghĩa lại khái niệm người có liên quan như thế nào để không bỏ “lọt” người có liên quan đó. Rồi các quy định về minh bạch và công bố thông tin. Rồi nâng cao hiệu lực chế tài…
Hiện việc tái cơ cấu vẫn đang tập trung vào việc cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành và hiệu quả được đánh giá là chưa cao, việc xử lý ma trận sở hữu chéo có lặp lại tình trạng như vậy không, thưa ông?
Xin ông cho biết, nếu vẫn tồn tại ma trận sở hữu chéo việc tái cấu trúc nền kinh tế có thể thực hiện được hay không và vì sao?
Một số người nói rằng việc xử lý sở hữu chéo phải thận trọng, làm từ từ để tránh đổ vỡ. Tôi không thấy đổ vỡ chỗ nào cả, chỉ thấy không làm thì mới đổ vỡ.
Nói làm từ từ thì cũng có khác gì không làm, mà nhiều khi nó lại trở thành cái cớ hợp lý để không phải làm gì cả cho đến hết nhiệm kỳ rồi tính tiếp. Nếu chúng ta không làm gì cả, ma trận sở hữu chéo và nhiều hình thức sở hữu khác vẫn tồn tại thì chắc chắn chuyện tái cấu trúc nền kinh tế sẽ không khả thi, nếu không muốn nói là viển vông.
Đề án tái cấu trúc kinh tế hiện nay đặt ra ba nội dung lớn gồm hệ thống tài chính mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng, đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công, DNNN mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế nhà nước.
Nếu ví ba tiểu đề án này là ba chân của cái kiềng thì việc thiếu đi một chân làm sao có thể vững được, hoặc một chân cao, một chân thấp cũng không thể vững được.
Đó là chưa nói tái cấu trúc hệ thống tài chính còn quan trọng hơn nhiều, bởi nó có liên quan đến việc phân bổ nguồn lực tài chính của nền kinh tế. Tái cấu trúc kinh tế mà không có nguồn lực tài chính thì không thể thành công được.
Các nội dung tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay mà chúng ta đang làm, chẳng hạn như xử lý nợ xấu, sáp nhập mua bán ngân hàng (M&A), và kể cả một số biện pháp về mặt nguyên tắc mà NHNN nêu ra để xử lý sở hữu chéo là cần thiết nhưng vẫn không đủ để giúp cho chúng ta có được một hệ thống ngân hàng lành mạnh và hiệu quả.
Nếu nhìn ở tầm rộng hơn của vấn đề thì những nguyên nhân sâu xa dẫn đến các trục trặc và yếu kém hiện nay của hệ thống ngân hàng là không hề thay đổi. Những biện pháp mà chúng ta đang làm là cần thiết vì đơn giản rằng nó không thể không làm và nó là biện pháp dễ làm nhất. Cái gì cũng có cái giá của nó.
Cái rẻ tiền nhất thì khó mà đòi hỏi chất lượng tốt được. Thành ra chúng ta phải chấp nhận trả giá, phải chấp nhận đau để mổ xẻ tận gốc cái u nhọt của yếu kém thì mới mong tìm được bệnh và có liệu pháp chữa trị phù hợp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo