Góc nhìn

Xuất khẩu chuyên gia: Nhiều nhưng... không đủ trình độ

"Chiến lược xuất khẩu chuyên gia trình độ cao, hiện nay chúng ta đã và đang làm, sắp tới còn làm mạnh mẽ hơn".

Đó là nhận định của PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, Bộ LĐTB&XH.

Xuất khẩu chuyên gia còn phát triển mạnh hơn

PV:- Hiện tại, nông dân Việt đã xuất khẩu sang nhiều nước nhận mức thu nhập cao hơn nhiều so với lao động trong nước. Nhiều chuyên gia chỉ rõ, nông dân Việt Nam rất có “chất lượng” nhưng do hạn chế trong quy trình sản xuất nên không hưởng lợi cao khi làm việc ở VN. Nhìn ở góc độ kinh tế, theo ông, đây có phải là một lựa chọn phù hợp hay không? Ông đánh giá như thế nào về khả năng những người nông dân này sẽ tự trau dồi kiến thức, trở về VN làm giàu?

PGS.TS Mạc Văn Tiến:- Vấn đề này phải xem xét từ hai phía, thứ nhất, bên đưa đi thì phải phổ biến cái đặc trưng sản xuất của nông nghiệp VN, để khẳng định uy tín của nông nghiệp VN trên trường quốc tế.

Tại sao trong nước làm việc mà năng suất lại thấp, đi sang nước ngoại kết quả ngược lại như thế, chứng tỏ người nông dân Việt có tay nghề cao, có kỹ năng canh tác tốt. Đương nhiên, thị trường nước ngoài thì mặt bằng tiền lương, thu nhập sẽ cao hơn.

Thứ hai, nó giảm sức ép từ việc làm trong nước, bởi hiện nay nếu tính diện tích đầu người trên hecta canh tác thì con số này của chúng ta đang ngày càng cao lên, số người canh tác càng cao lên, hay nói cách khác là diện tích canh tác chia theo đầu người giảm đi. Do đó, nếu càng đưa được nhiều nông dân ra nước ngoài làm việc được thì càng tốt, nó sẽ giảm cái sức ép việc làm trong nước.

Tuy nhiên, đưa được đi không phải bằng mọi giá mà phải có điều kiện, rõ ràng ngoài kiến thức, kỹ năng người lao động ít nhất phải có ngoại ngữ, giao tiếp, để hoàn thiện hơn, có nghĩa phải chuẩn bị trước tinh thần cho người lao động khi ra nước ngoài.

Hiện nay, cái yếu của người VN là sống trong môi trường khác, thích ứng văn hóa rất kém, đặc biệt người nông dân, nếu mang phong cách sống của nông dân VN sang nước ngoài sẽ bị hạn chế về lâu dài.

Còn về khía cạnh, người nông dân có trau dồi được kiến thức để mang về làm giàu cho quê hương hay không, còn nhiều yếu tố tác động. Có những người nông dân đi làm chỉ là thuần túy triển khai kỹ năng có được trên quê hương họ, tức họ mang được thu nhập từ nước ngoài về, nhờ đức tính chắt chiu, chứ không phát triển.

Nhưng cũng có người nông dân, mang thiết bị, kinh nghiệm của mình, cộng với văn hóa bản địa, cũng với cách quản trị bản địa về áp dụng sản xuất để phát triển tại quê hương.

Thế nhưng, hiện nay, hạn chế của nông dân VN là chỉ mang cái mình có, tăng thu nhập theo mặt bằng nước ngoài, nhưng chưa có được kiến thức kỹ năng quản lý canh tác. Trong mọi lĩnh vực, học hỏi thêm kinh nghiệm là điều cần chú trọng, bởi cần làm giàu bền vững hơn là mang 1 cục tiền về.

PV:- Trên thực tế, việc những lao động dạng đặc thù và có chất lượng như nông dân, các chuyên gia khoa học… cũng đã được thực hiện, mang lại danh tiếng khoa học cho VN. Trong khi đó, cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp, những người làm khoa học ở Việt Nam cũng than khó có sáng tạo, phát minh, nghiên cứu vì vướng…cơ chế.

Vậy theo ông, liệu VN có nên cân nhắc nghiêm túc tới chiến lược “xuất khẩu” các chuyên gia có trình độ cao để họ có điều kiện nghiên cứu, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của khoa học, mang lại những lợi ích trực tiếp hay gián tiếp cho Việt Nam hay không?


PGS.TS Mạc Văn Tiến:- Chiến lược xuất khẩu chuyên gia trình độ cao, hiện nay chúng ta đã và đang làm, sắp tới còn làm mạnh mẽ hơn.

Chiến lược này mang lại nhiều lợi ích, cụ thể nó sẽ khẳng định vị thế của chúng ta trên trường quốc tế, trong lĩnh vực khoa học cũng như kinh tế. Thế nhưng, quay lại hệ thống nông dân lại là cấp độ khác, chuyên gia họ giỏi nhưng phần nhiều trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, trau dồi ngoại ngữ đặc biệt là thời kỳ hội nhập hiện nay, không chỉ là Tiếng Anh mà những ngôn ngữ khác cũng cần phải trau dồi.

Ví dụ như đợt vừa qua, các chuyên gia nông nghiệp đi sang châu Phi cũng là người cần phải giỏi Tiếng Pháp cũng như Tiếng Anh. Không chỉ trong các hợp đồng kinh tế mà các tổ chức quốc tế người VN cũng cần có mặt để tăng vị thế của người VN, để thấy trình độ, trí tuệ của người VN cũng không thua kém bất kỳ quốc gia nào.

Như hiện nay chúng ta đã có một vài người như GS Ngô Bảo Châu, Nghệ sỹ dương cầm Đặng Thái Sơn, ra môi trường nước ngoài làm rất tốt, trở thành điểm sáng của VN ở nước ngoài, chứng tỏ rằng người VN có thể làm được nhiều việc.

PV:- Theo ông, việc xuất khẩu chuyên gia như vậy sẽ giúp Việt Nam không lãng phí tài nguyên khoa học, hạn chế tình trạng họ phải làm những việc trái với chuyên môn trong bối cảnh Việt Nam đang là nước thuộc top đầu thế giới về số lượng hay không?

PGS.TS Mạc Văn Tiến:- Cái này thì đương nhiên là như vậy, trong bối cảnh hiện nay chúng ta chưa sử dụng hết tiềm năng của lực lượng lao động chất xám, lao động chất lượng cao này, từ cơ sở vật chất rồi môi trường làm việc...

Nếu chuyên gia ra ngoài thì họ sẽ duy trì được trình độ, chứ không bị ngắt quãng từ đào tạo đến sử dụng, có nghĩa là đào tạo xong thì họ sẽ làm việc ngay trong môi trường quốc tế, như những người đi nước ngoài học xong ở lại làm việc.

Dĩ nhiên, chúng ta không lo về chuyện chảy máu chất xám, cống hiến, mà bản thân trình độ của chuyên gia sẽ ngày càng được nâng lên, chứ không như nếu về VN sẽ bị thui chột, không được sử dụng đúng tiềm năng, khả năng, như vậy thì sự lãng phí còn cao hơn. Về chiến lược dài hạn những người được đào tạo có trình độ cao thì quá tốt.

Hơn nữa, nếu tính diện phổ quát, diện rộng, đội ngũ trình độ cao của VN vẫn còn hạn chế, gọi là trình độ cao của VN, nhưng so với thế giới thì không cao, cao theo tiêu chuẩn VN thì được, nhưng theo tiêu chuẩn quốc tế thì chưa chắc đã là cao.

Bởi vì, hiện nay, chúng ta đào tạo nhiều chuyên gia có chức danh là GS, TS nhưng chuyên môn chưa xứng tầm với bằng cấp, cũng chưa có công trình nghiên cứu nào xứng tầm quốc tế. Cái này là do hệ thống đào tạo chứ không do bản thân những con người này.

Vì thế, mới dẫn đến câu chuyện, chuyên gia sang nước ngoài không làm được việc vì còn thiếu quá nhiều kiến thức, kỹ năng.

Xuất khẩu chuyên gia, trí thức để phát huy năng lực sáng tạo


Hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ

PV:- Nếu cân nhắc thực hiện chiến lược này, chúng ta sẽ phải đối diện với những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

PGS.TS Mạc Văn Tiến:- Về mặt thuận lợi, thứ nhất, chính sách mở cửa của Đảng, Nhà nước ta rất cao trong tất cả các lĩnh vực, rất khuyến khích sự di chuyển lao động.

Hiện nay, việc di chuyển trong thị trường lao động toàn cầu dễ dàng hơn so với ngày xưa, trình độ đội ngũ cũng đã khá hơn, đội ngũ chuyên gia đông hơn, ngoại ngữ của nhiều người cũng tốt lên. Đấy là những thuận lợi cơ bản.

Về mặt khó khăn, thì lớn nhất vẫn là cơ chế, để đi - để về, dịch chuyển lao động làm sao cho cơ chế thông thoáng hơn. Giả sử những người đang làm trong cơ quan nhà nước, muốn đi nước ngoài đâu có phải dễ, các Viện nghiên cứu số lượng người đi cũng chưa phải nhiều, mặc dù có nghị định 115 nhưng không phải thích đi là được.

Trong khi, các chuyên gia nước ngoài chỉ cần gọi đưa ra mong muốn hợp tác, lập tức họ sẽ sắp xếp công việc đi được ngay. Nước ta thì phải qua đủ mọi thủ tục, tầng tầng, lớp lớp, rất mất thời gian, nên cơ chế phải thay đổi để chuyên gia tự do trong chuyện di chuyển.

Không chỉ có thủ tục mà còn sự đồng thuận của những người lãnh đạo, nếu đi xong rồi về cống hiến thì nên khuyến khích. Nhưng hiện nay, đội ngũ của chúng ta có chuyên môn nhưng một số người không đủ trình độ ngoại ngữ, đi giao tiếp làm việc, kỹ năng thuyết trình hạn chế, nên cũng không làm được việc. Có khi có chuyên môn nhưng khả năng để cho người khác hiểu thì không có, nên hạn chế rất nhiều.

PV:- Ở Viện của ông, việc trao đổi chuyên gia với thế giới hàng năm được thực hiện như thế nào? Theo đánh giá của ông, bao nhiêu % sẽ đảm bảo được yêu cầu làm việc theo chuẩn quốc tế?


PGS.TS Mạc Văn Tiến:-  Việc trao đổi chuyên gia bên Viện tôi cũng có nhiều kênh, ví dụ kênh các chuyên gia tự nguyện, đến làm việc, thông qua các thủ tục Bộ ngoại giao, chúng tôi sẽ trả lương cho họ.

Hiện nay, Viện tôi có 3 chuyên gia Đức đến làm việc tự nguyện, nhưng chúng tôi cũng trả lệ phí nhất định cho họ để làm việc, đủ sống ở VN.

Còn chuyên gia của mình sang bên nước ngoài, thì sẽ tự chi trả ăn ở, cũng như vé máy bay đi lại, có nghĩa là chi phí ngắn hạn, còn dài hạn thì phụ thuộc nước ngoài rất nhiều.

Đặc biệt, những người không đi được là những người không biết về ngoại ngữ, còn những người đi được là những người làm việc được. Tuy nhiên, trong số những người đi thì cũng chỉ có khoảng 60-70% là làm được việc thực sự.

Cho nên cái khó của chúng ta là hạn chế về chuyên gia tri thức, cũng như nguồn kinh phí để tạo điều kiện phát triển.

- Xin cảm ơn PGS.TS.

Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo