Xuất khẩu dệt may năm nay khó đạt mục tiêu 30 tỷ USD
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may của nước ta đạt 12,6 tỷ USD, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Tuy nhiên, đây lại là 6 tháng có mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng có 3 nguyên nhân chính làm kéo giảm mức tăng trưởng của dệt may. Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Dương, là do chính sách ổn định tỉ giá (không theo cơ chế thị trường) của đồng Việt Nam so với USD đã làm hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn từ 10-16% và mất khả năng cạnh tranh với các nước.
Ngoài ra, việc tiền lương tối thiểu tăng làm tăng chi phí đầu vào cùng với việc lãi suất ngân hàng cao làm tăng chi phí sử dụng vốn cũng là những nguyên nhân ông Dương đề cập đến.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến dệt may tăng trưởng thấp là do chi phí đầu vào cao, lương tối thiểu liên tục tăng… khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may với các nước trong khu vực kém.
Theo ông Giang, đấy là còn chưa kể trong khi một số nước có sản phẩm dệt may xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Việt Nam chưa có hiệp định thương mại với họ nên khi Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế phòng vệ thương mại với sản phẩm sợi thì ta coi như mất luôn thị trường này, mặc dù đây là thị trường lớn.
Cũng theo ông Giang, việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cũng có tác động ngay lập tức tới Việt Nam, các doanh nghiệp có đơn hàng với Anh bị hạ giá và hủy hợp đồng rất nhiều, một số nhà đầu tư của Anh có ý định bán nhà máy tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Hiệp hội Dệt May cũng cho rằng, nhiều cơ chế chính sách của Việt Nam không theo kịp và chưa phù hợp với tình hình thay đổi hiện nay của ngành dệt may đang tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Từ những khó khăn nêu trên, Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự báo, dù rất nỗ lực nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay cũng chỉ có khả năng đạt khoảng 29 tỷ USD thay vì 30 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra.
Vì thế, Hiệp hội Dệt may rất mong Thủ tướng Chính phủ lắng nghe và tháo gỡ cho doanh nghiệp để dệt may tiếp tục là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực cho đất nước”, ông Giang nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo