Phân tích

Xuất khẩu gạo quý II có nguy cơ giảm sút

(DNVN) - Theo thống kê, xuất khẩu gạo quý I tăng 15% cả về lượng và chất so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dự báo xuất khẩu gạo trong quý II có nguy cơ giảm sút.

Tin tức trên báo Lao động, tính đến ngày 18/5, xuất khẩu gạo của cả nước đạt 2,072 triệu tấn, tăng hơn 15% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, bắt đầu sang quý II số lượng xuất khẩu gạo đã có dấu hiệu đi xuống.

Thực chất, một trong những nguyên do khiến  xuất khẩu gạo tăng là do xuất khẩu quý I tăng mạnh với hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng G-to-G với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại ký mới với Trung Quốc. Bước sang quý II, khi các HĐ cũ đã hết, xuất khẩu gạo sẽ giảm do lượng gạo xuất khẩu và số lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu mới giảm sút.

Xuất khẩu gạo quý II có nguy cơ giảm sút. Ảnh Internet.

Số liệu thống kê gần đây cho thấy, trong tháng 4, sản lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt trên 453.000 tấn, trị giá FOB gần 212 triệu USD, giảm 20,5% về lượng và 7,5% về trị giá FOB so với tháng 3.2016. So với cùng kỳ năm 2015, số lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4 cũng giảm trên 30% và trị giá FOB giảm 21,33%. 

Mặc dù trong tháng 4/2016, các thị trường khác có giá trị tăng mạnh là Gana (12,87%), Đài Loan (64,29%), Bờ Biển Ngà (65,83%) và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (10,59%), nhưng giá trị gạo xuất khẩu sang một số thị trường khác lại giảm mạnh: Philippin (46,6%), Malaysia (36,57%) và Singapore (31,12%).

Bên cạnh đó, nguồn cung hạn chế cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu gạo trong quý II. Việc sản lượng lúa vụ đông xuân2015/2016 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm trên 700 ngàn tấn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đã ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn cung cho xuất khẩu gạo. Báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin.

Mặt khác, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm (tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 1,88 triệu tấn), cũng làm cho nguồn cung từ nay cho tới trước khi bước vào thu hoạch lúa chính vụ ở ĐBSCL bị hạn chế. 

Gạo thơm đang là loại gạo thể hiện rõ nhất sự thiếu hụt về nguồn cung. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, trong gần suốt tháng 4, giá giao dịch gạo Jasmine ở mức 470 - 475 USD/tấn. Nhưng từ cuối tháng 4 đến nay, do nguồn cung hạn chế nên giá tăng lên 485 USD/tấn. Việc gạo thơm được xuất khẩu mạnh trong 4 tháng qua đã tác động đến nguồn cung gạo thơm hiện nay.

 

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đánh giá cụ thể về tác động ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất lúa gạo; thường xuyên rà soát, cập nhật khả năng cân đối nguồn cung thóc, gạo hàng hóa để kịp thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành xuất khẩu gạo, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo