Góc nhìn

Xuất khẩu 'nông dân Việt': Tại sao không?

Để sức lao động của Việt Nam trở thành hàng hóa có giá trị tại thị trường mới bắt buộc người nông dân phải thay đổi.

 Ông Phạm Văn Tấn - Phó trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An nêu quan điểm.

 
PV: - Nông sản Việt những năm qua có rất nhiều "người khổng lồ", từ gạo, cà phê đến điều, cao su, hồ tiêu... với số lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bi kịch của hầu hết những "người khổng lồ" này là đều đứng trên một đôi chân quá yếu: phụ thuộc thị trường xuất khẩu, lợi nhuận thấp... Một vị chuyên gia trong ngành đã chỉ thẳng, Việt Nam nhập khẩu hầu hết, trừ đất và.... nông dân. Ông bình luận như thế nào về thực trạng này, đặc biệt đối với một đất nước luôn coi nông nghiệp là mũi nhọn trong nền kinh tế?
 
ĐBQH Phạm Văn Tấn: - Câu chuyện nông sản Việt Nam từ gạo, cà phê đến điều, cao su, hồ tiêu... đang được coi là thế mạnh, hàng năm được xuất khẩu với số lượng rất lớn nhưng hầu hết lại bị phụ thuộc thị trường xuất khẩu, giá trị mang lại từ một đơn vị sản lượng, một đơn vị canh tác, đơn vị ngày công của người nông dân không cao. Ở đây có nhiều nguyên nhân:
 
Thứ nhất là, Việt Nam không có định hướng sớm, xa về nhu cầu thị trường nên không có được chiến lược điều chỉnh quy hoạch, sản xuất cho phù hợp, dẫn tới thanh long cho bò, dưa hấu dưa hấu đổ đi còn lúa gạo thì bị ép giá mua rẻ bán rẻ...
 
 
Giá xuất khẩu giảm, nông dân vỡ mộng làm giàu
 
 
Thứ hai là chất lượng nông sản của Việt Nam cũng đang có nhiều vấn đề, từ canh tác, thu hoạch, tới bảo quản sau thu hoạch, chế biến. Tiến bộ khoa học công nghệ chưa được áp dụng rộng rãi hay nói cách khác người nông dân vẫn chỉ làm nông nghiệp thuần túy nhờ vào những điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng chứ chưa có kinh nghiệm.
 
Chi phí đầu vào còn cao, từ phân bón, giống má tới máy móc thiết bị đều đang phụ thuộc và phải đi nhập từ nước khác trong khi thị trường tiêu thụ không được mở rộng, phụ thuộc chủ yếu vào một thị trường dẫn tới tình trạng được mùa mất giá, được giá không bán được, người nông dân chịu thiệt.
 
Nếu không sớm có một kế hoạch dài hạn, toàn diện, cụ thể có thể nông dân Việt Nam còn tiếp tục phải chịu những thiệt thòi rất lớn trong quan hệ mua-bán với thị trường nước ngoài. Khi nền nông nghiệp không giải quyết được những vấn đề căn bản đó, nghĩa là mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp cũng thất bại, không đem lại hiệu quả.
 
Thành quả xuất khẩu nông nghiệp hiện nay cũng phải thừa nhận đó là do nông dân của Việt Nam rất giỏi, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào sức người và yếu tố tự nhiên thì nó chưa tạo ra được một sung đột mạnh giúp thay đổi về chất trong tổ chức sản xuất, liên kết thị trường, giải quyết những quan hệ giữa đầu vào và đầu ra cho nông nghiệp.
 
Do đó, cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước phải có thay đổi mới có bước tiến căn bản về chất và tạo lợi nhuận cho người nông dân.
 
PV:- Hệ quả của những "người khổng lồ chân đất sét" là sự bấp bênh của cả nền nông nghiệp cũng như số phận bấp bênh của người nông dân với điệp khúc được mùa rớt giá, trồng chặt-chặt trồng. Nhiều chuyên gia nói một cách chua chát về phận bạc của nông dân Việt Nam vì xét về năng lực: họ cải tạo vùng đất đói nghèo hoang dại Camargue thành vựa thóc trù phú chuyên cung cấp gạo sạch cho nước Pháp, sang Lào, Israel... trồng lúa. Ông chia sẻ ở mức độ nào với nhận định trên? Có ý kiến đề xuất đẩy mạnh "xuất khẩu" nông dân Việt để người nông dân có thu nhập và làm giàu được bằng nghề nông, ông bình luận như thế nào về tính khả thi của đề xuất trên?
 
ĐBQH Phạm Văn Tấn: - Tôi không đồng tình với cách gọi nền nông nghiệp Việt Nam hay người nông dân Việt Nam là những ông "khổng lồ đất sét", cái đó có lẽ là nhận xét hơi chủ quan.
 
Trong giai đoạn khó khăn vừa rồi, nông nghiệp đã được nhìn nhận và gọi là 'thủ đỡ' cho nền kinh tế trong bối cảnh gặp nhiều chao chảnh, bấp bênh, điều đó chứng tỏ nền nông nghiệp của Việt Nam cũng có những bước tiến vững chắc. Vấn đề của Việt Nam là phải thoát ra khỏi những khó khăn bấp bênh như hiện nay: có sản lượng lại không được giá, được giá mất mùa... hay nói cách khác, hạt lúa người nông dân làm ra được đổi chác có hiệu quả, phù hợp với công sức của người lao động bỏ ra hoặc có thể đứng vững khi điều kiện thị trường bên ngoài thay đổi.
 
Làm được như vậy, cần phải có chính sách thay đổi tổng thể bao gồm cả kế sách trước mắt và lâu dài trong đó có những vấn đề cần phải quan tâm như sau:
 
Thứ nhất, nhà nước phải có một khảo sát, điều tra chính thức về khả năng, nông hóa, thói quen phong tục truyền thống của từng vùng để có định hướng chiến lược các vùng kinh tế trọng điểm, với những sản phẩm nông sản Việt Nam đang có thế mạnh.
 
Dứt khoát phải làm, nếu không Việt Nam sẽ mãi chỉ loanh quanh, tự làm khó, làm khổ mình theo kiểu "thấy người ta ăn khoai mình cũng phải ăn khoai..." dẫn tới tình trạng sản phẩm ùn ứ, không tiêu thụ được như hiện nay.
 
Thứ hai, phải có chính sách để người nông dân tiếp cận được với thông tin thị trường trên cơ sở có định hướng chung về nguồn sản phẩm sẽ sản xuất ra. Đồng thời, người nông dân cũng phải tự tích lũy cho mình kỹ thuật, kỷ luật trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể là chung thủy với bạn hàng cả đầu vào và đầu ra tránh tình trạng rẻ thì buộc DN mua, đắt lại bán ra thị trường tự do, phá vỡ hợp đồng, dẫn tới tình trạng đình đốn. Thói quan này phải được thay đổi trong nền kinh tế văn minh hiện nay.
 
Thứ ba, tác động cùa nhà nước phải mang tính tổng thể không thể manh mún, tủn mủn. Nhà nước phải xây dựng quy hoạch, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, thông tin.... nếu không làm được những việc này thì dù không đến nỗi đổ vỡ như nhận xét "người khổng lồ đất sét" thì cũng không thể làm gì hơn so với những gì Việt Nam đang có.
 
Về đề xuất "xuất khẩu nông dân", tôi cho rằng xuất khẩu lao động trong đó có nông dân là việc những nước khác cũng đang làm. Chắc chắn phải xuất khẩu thôi nhưng xuất khẩu cũng phải có một cách nhìn tương ứng với những thị trường họ đang cần. Nghĩa là người nông dân cũng phải học dần với thói quen, cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp của họ mới có thể đáp ứng được yêu cầu của họ và khi đó sức lao động của Việt Nam mới trở thành hàng hóa có giá trị tại thị trường mới.
 
Điều quan trọng khi xác định mục tiêu đưa nông dân đi xuất khẩu phải đạt được mục tiêu học hỏi được cách thức sản xuất, quản lý của nền sản xuất nước đó. Như vậy không những sẽ giải quyết được khó khăn lao động trước mắt, mà có thể sẽ thay đổi được cả thói quen sản xuất trong nước, tiến tới làm chủ nền nông nghiệp trên đất nước mình. Đó mới là điều quan trọng.
 
Tuy nhiên, hiện nay cũng có ý kiến mong mỏi xuất khẩu nông dân để họ có thể làm giàu trên nước khác, tôi cho rằng mục đích đưa nông dân Việt Nam sang nước khác không phải thể đạt được lợi nhuận thu về là một con số cụ thể 1-2-3 nào đó mà nó còn là một quá trình tích lũy kinh nghiệm sản xuất, quản lý, điều hành.
 
Nông dân có giàu được không phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện sản xuất, giá trị ngày công, ý thức, năng lực ra sao... Rất nhiều nhận xét cho rằng nông dân Việt Nam rất thông minh, tư duy nhanh nhạy trong tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật nhưng không phải muốn giàu là giàu được ngay.
 
Bên cạnh đó, nhà nước phải đảm bảo sẽ tận dụng được nguồn nhân lực này khi họ trở về nước mới mong tạo ra được sự đột phá trong nền sản xuất nông nghiệp.
 
PV:- Nhìn ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan... sang Việt Nam để phát triển nông nghiệp, tận dụng đất đai và nhân công giá rẻ. Điều này đã chứng minh điểm yếu cốt tử của nền nông nghiệp Việt Nam là vấn đề quy trình sản xuất nông nghiệp, từ giống tới công nghệ, thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch và phát triển thị trường. Vậy lỗi này là do ai? Chúng ta đã nhận thấy hạn chế này từ khi nào và quá trình thay đổi đã diễn ra thế nào đến mức ngày càng bị phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc?
 
ĐBQH Phạm Văn Tấn: - Lỗi của ai và trách nhiệm thế nào là thuộc tầm vĩ mô. Nhưng rõ ràng việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày, công nghiệp nặng, điện, nước, giao thông  hiện nay có thể thấy họ đã mở rộng sang cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ họ đã nhìn thấy có thể làm giàu được nhờ nông nghiệp, trong khi tại Việt Nam phần lớn nông dân làm nông nghiệp không cải thiện được đời sống, thu nhập không xứng đáng với sức lao động họ bỏ ra. Đó là một nghịch lý.
 
Nhưng nhìn ngược lại, có thể nhìn theo hướng tích cực nông dân Việt Nam cũng sẽ được học hỏi những kinh nghiệm, trình độ tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
 
Phải thẳng thắn thừa nhận, nền nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua đã có sự cố gắng rất lớn, tuy nhiên trong một môi trường sản xuất quá thuận lợi, mà Việt Nam đã không có được đầu tư thực sự mang tầm chiến lược cho nền nông nghiệp.
 
Thứ hai, cái thua chua chát với nền nông nghiệp Việt Nam chính là quy trình sản xuất, từ giống tới công nghệ, thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch và phát triển thị trường. Giá trị làm ra không bù đắp được chi phí sản xuất, tình trạng này cũng có nhiều nguyên nhân chứ không hoàn toàn đổ lỗi cho người nông dân.
 
Đó là nguyên nhân khiến người nông dân bị thụ động càng ngày càng bị phụ thuộc vào thị trường nước ngoài đặt biệt là Trung Quốc. Tất nhiên, tôi không tham lam yêu cầu một quốc gia phải làm tất cả mọi việc, nhưng trong quan hệ kinh tế quốc tế Việt Nam cần phải có những tính toán dựa trên cơ sở lợi nhuận, minh bạch giá cả, chất lượng từ nguyên liệu đầu vào tới đầu ra trên cơ sở đem lại giá trị lợi nhuận cao nhất cho người nông dân.
 
Ở đây cũng phải thừa nhận, trong khâu quản lý của Việt Nam vẫn còn có những cơ quan, tổ chức, cá nhân làm chưa tốt nên không đem lại được giá trị thực đúng với giá trị lao động người nông dân bỏ ra.
 
Thực trạng này, các cơ quan quản lý đã nhìn rõ từ lâu thể hiện qua rất nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng vấn đề còn lại là vai trò trách nhiệm, cách thức tổ chức, quản lý như thế nào? Tất nhiên không thể thực hiện ngay một lúc nhưng để thay đổi được cũng phải có một quyết tâm cụ thể để không còn tình trạng nông dân khóc, truyền thông hôm nay đưa tin khu vực này đổ dưa hấu, khu vực khác chặt cao su, nông dân thua thiệt, bỏ ruộng đất.
 
PV:- Xin cảm ơn ông!
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo