Doanh nghiệp

Xung đột trong doanh nghiệp: Làm sao để giải quyết?

Trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày chúng ta sẽ không tránh khỏi những ý kiến trái ngược. Điều cần thiết là phải làm thế nào để giải quyết xung đột một cách nhanh chóng, đoàn kết mọi người lại cùng hướng về một mục tiêu.

Ảnh minh họa

Tiến sĩ Xã hội học Đỗ Thị Vân Anh - giảng viên Đại học Công đoàn Hà Nội đã có buổi trò chuyện cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.

 
- Bà có thể cho biết lý do vì sao bà lại chọn đề tài “Mức độ đoàn kết và xung đột giữa các thành viên trong doanh nghiệp” làm chủ đề cho công trình nghiên cứu của mình?
 
Tôi cho rằng đoàn kết và xung đột luôn là hai vấn đề quan trọng nhất trong bất cứ xã hội nào, đo lường được mức độ đoàn kết và xung đột lại càng là vấn đề quan trọng đánh dấu sự thành công của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trong thời kỳ có giặc ngoại xâm, Việt Nam là một dân tộc không thể bị khuất phục, điều đó có được là do có sự đoàn kết của người dân. Thương trường là chiến trường, một doanh nghiệp muốn phát triển thì phải tăng cường sự đoàn kết và giảm thiểu xung đột trong quá trình phát triển.
 
Đề tài của tôi đã cố gắng tìm hiểu để dựng lên một cách khái quát diện mạo của các quan hệ lao động xét theo hai chỉ báo: đoàn kết và xung đột. Nếu đoàn kết là cái luôn luôn được nhắc tới như là nét đặc trưng trong quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, thì xung đột cũng là chuyện thường xảy ra khi con người có quan hệ với con người. Hai chỉ báo đặc trưng tiêu biểu cho các quan hệ con người trong công việc ở mỗi cộng đồng lao động, hai mặt của cùng một vấn đề cũng như thể hiện nhịp đập thật đang diễn ra giữa những con người trong các tổ chức lao động khác nhau. Đây là chính là lý do tôi đã chọn đề tài này.
 
- Công trình nghiên cứu có viết: “Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đoàn kết và xung đột trong quan hệ lao động là vấn đề về chính sách”. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
 
Theo tôi, chính sách nhà nước đề ra cho người đứng đầu các doanh nghiệp phải áp dụng cho người lao động có vai trò rất quan trọng, nhưng việc thực hiện chính sách như thế nào mới là cái có ý nghĩa quyết định trong việc tạo nên các quan hệ lao động chuẩn mực, cái hết sức cần thiết cho sự vận hành các doanh nghiệp hiện đại. Căn cứ vào chính sách nhà nước, những người lãnh đạo sẽ đề ra những giải pháp cụ thể liên quan đến thu nhập, bảo trợ xã hội cho người lao động. Và sự thành công của doanh nghiệp có thành công hay không tùy thuộc vào những chính sách của người quản lý khi tạo dựng nên một tập thể lao động thực sự, nơi mà tính đoàn kết cao và khả năng xung đột, hay tiềm năng xảy ra xung đột là thấp.
 
- Theo bà, đâu là nguyên nhân chính gây ra sự xung đột giữa các thành viên trong doanh nghiệp hiện tại? Xung đột này sẽ ảnh hưởng tới tổ chức như thế nào?
 
Cuộc khủng hoảng kéo dài từ sau năm 1975 đã đưa đến Đổi mới, và cuộc sống kể từ đó đã thay đổi chóng mặt, đời sống người lao động đã được cải thiện nhanh chóng. Tất cả là nhờ sự hình thành và phát triển những loại hình doanh nghiệp mới, tư nhân cũng như liên doanh với nước ngoài, hay sự thay đổi sâu sắc tại những doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu. Ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, năng suất lao động đã gia tăng nhờ công nghệ mới, nhờ những khoản đầu tư mới và nhất là nhờ những cách tổ chức lao động mới và đi cùng với nó là những quan hệ lao động mới. Chính yếu tố này là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn tới sự xung đột trong doanh nghiệp. Bằng các số liệu nghiên cứu xã hội học từ các điều tra chọn mẫu trên thực địa tại một số doanh nghiệp, cùng các số liệu thống kê được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, xung đột đã được đo không chỉ liên quan đến vấn đề lợi ích mà còn xuất hiện những xung đột về văn hóa.
 
- Vậy, để giải quyết hài hòa mối quan hệ này, người chủ doanh nghiệp cần làm gì, thưa bà?
 
Chủ doanh nghiệp cần phải làm tất cả mọi chuyện có thể làm được, từ việc đề ra những chính sách phù hợp cho đến việc áp dụng các thủ pháp, những nghệ thuật quản lý phù hợp. Đối với chủ doanh nghiệp là người nước ngoài nên quan tâm đến văn hóa, lối sống và trình độ phát triển của lao động Việt Nam. Họ cần phải hiểu rằng phần lớn người lao động Việt Nam đang làm việc cho họ ngày hôm qua vẫn là những người nông dân, quen sống hồn nhiên với những kỷ luật tự tại của mình. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp người nước ngoài phần lớn đến từ các nước có nhiều năm phát triển công nghiệp, nơi kỷ luật lao động được đặt lên hàng đầu. Do đó, sự xung đột là đương nhiên và giải quyết xung đột chính là tài nghệ của các nhà lãnh đạo.
 
- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Theo DDDN
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo