Góc nhìn

Y tá là đối tượng có nguy cơ nhiễm Ebola cao nhất

Tình hình lây lan virus Ebola tiếp tục gây quan ngại cho nhiều nơi trên thế giới. Ngay tại những quốc gia tiên tiến và có hệ thống phòng ngừa dịch bệnh tốt như Hoa Kỳ, Châu Âu, Úc… vẫn có những trường hợp bị lây nhiễm và tử vong.

Tình nguyên viên và các y tá Hội chữ thập đỏ đang di chuyển một nạn nhân bị chết vì Ebola ở Liberian hôm 4 tháng 10, 2014

Thống kê cho thấy trong số hơn 4500 ca tử vong vì virus Ebola có hơn 230 nhân viên y tế dù rằng đây là những người có kiến thức về phương cách phòng ngừa bệnh.

Gia Minh nêu câu hỏi về vấn đề đó ra với tiến sĩ y khoa Nguyễn Đình Nguyên, thuộc trung tâm nghiên cứu Garvan, Sydney- Úc và được ông giải đáp như sau.

Tiến sĩ y Khoa Nguyễn Đình Nguyên: Đối tượng nguy cơ tiếp xúc cao nhất, tần suất tiếp xúc cao nhất , và khả năng lây nhiễm cao nhất là người làm công tác y tế. Bởi vì con đường tiếp xúc trực tiếp, chúng ta chỉ có thể là những người vãng lai thôi, tới rồi đi luôn, có khi tiếp xúc với người bệnh nhưng không đủ cường độ, không đủ tần suất và không đủ điều kiện kết hợp những điều kiện này để tạo thành khả năng lây nhiễm cao như những người làm công tác y tế. Lấy ví dụ một người y tá trong một ca trực làm việc liên tục 12 tiếng đồng hồ. Nếu họ có 5 bệnh nhân thì trong 12 tiếng đồng hồ đó, họ phải gần như tiếp xúc bệnh nhân trong mỗi một phút hay mỗi 5 phút. Như vậy cường độ tiếp xúc rất cao.

Mặc dù trang bị y tế đầy đủ như thế nhưng mà thực sự chúng ta cũng chưa biết được là phải chăng ngoài con đường trực tiếp lây lan qua da, qua các vết xước, vết cào thì có con đường nào khác hay không; nhưng hiện nay chưa chứng minh được con đường nào khác, như vậy có thể đặt giả thuyết là một micro injury- tức một tổn thương rất nhỏ trên da mà không thể thấy bằng mắt thường, với một mầm bệnh dính vào thì có thể lây lan được. Điều đó có thể giải thích cho chúng ta là tại sao những người làm công tác y tế với trang thiết bị hiện đại vẫn có khả năng có nguy cơ mắc bệnh, vì không có gì là tuyệt đối cả.

Gia Minh: Trước tình hình như thế, Tổ chức Y tế Thế giới, Liên Hiệp Quốc và những quốc gia như Mỹ…đều cho rằng đáng quan ngại; vậy theo tiến sĩ tình hình có đáng quan ngại có thể trở thành một đại dịch thế giới không?

Tiến sĩ y Khoa Nguyễn Đình Nguyên: Để một dịch trở thành một đại dịch toàn cầu- pandemic thì phải hội đủ ba điều kiện. Điều kiện thứ nhất là độc tố đó đủ để mạnh; thứ hai là phải lây từ người sang người một cách nhanh chóng; và thứ ba phải gây tỷ lệ tử vong nhanh trong một thời gian ngắn. Ba yếu tố đó kết hợp lại người ta mới có thể nghĩ đến một đại dịch toàn cầu.

Đối với virus Ebola nó chỉ lây qua con đường tiếp xúc trực tiếp, và với con đường truyền như thế thì khả năng lan truyền chúng ta có thể cắt vật chủ lan truyền dễ hơn so với các loại dịch bệnh khác như chúng ta nhớ cúm gia cầm lây qua đường không khí có khả năng phát tán nhanh hơn nhiều.

Còn lây theo con đường tiếp xúc trực tiếp, mà giả thuyết này đúng, thì có thể chặn được đường lây truyền. Tôi đặt ngược lại vấn đề là chặn được bao lâu? Ví dụ một người đi đến vùng dịch đang hoành hành thì câu hỏi đặt ra là khả năng người đó có bị nhiễm không? Câu trả lời là có nếu người đó có tiếp xúc với mầm bệnh và mang về. Còn nếu đến đó mà không đến vùng tâm dịch và tiếp xúc với người bệnh thì khả năng lây bệnh không cao. Ngược lại, người đã đến thì đặt họ vào đối tượng có nguy cơ cao. Khi đối tượng đó đi ra khỏi vùng dịch, có biện pháp gọi là kiểm dịch. Tức là đối tượng đó phải qua một hệ thống sàng lọc kiểm tra nhiệt độ, kiểm tra triệu chứng và lúc đó phải đăng ký vào danh bạ của những người đã ra khỏi vùng dịch và buộc phải đến đăng ký theo dõi sức khỏe tại các trung tâm kiểm dịch và những nhân viên kiểm dịch buộc phải theo dõi họ.

Thường cho đến lúc này trong giới khoa học thường thừa nhận với nhau rằng thời gian ủ bệnh của virus Ebola là khoảng từ 2 ngày cho đến 3 tuần. Nếu người này từ sau khi rời khỏi vùng dịch ba tuần mà không phát triệu chứng nào, lúc này có thể cho rằng người đó ‘sạch sẽ’ tức không có bệnh gì cả. Còn nếu trong thời gian 3 tuần đó, tất cả những triệu chứng nào của việc nhiểm virus như bị đau đầu, chóng mặt, sốt, rét run, đau cơ, mỏi cơ, ho thì đó là những triệu chứng ( có thể không phải virus Ebola) nhưng buộc phải đưa người đó vào vùng khoanh vùng cấp cao hơn, tức nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì buộc phải cách ly…

Gia Minh: Nhờ ông lý giải vì sao dịch phát mạnh ở Phi Châu dù các nước có gửi những đoàn đến để giúp ngăn chặn dịch?

Tiến sĩ y Khoa Nguyễn Đình Nguyên: Một bệnh dịch cần phải có nhiều yếu tố cộng lại để trở thành điều kiện phát tán. Chúng ta biết điều kiện gần như tiên quyết đối với các bệnh dịch nhiễm trùng là điều kiện kinh tế, đời sống, và điều kiện vệ sinh là tiên quyết làm cho một bệnh bùng phát hay làm cho một bệnh có thể ngăn chặn được.

Đời sống của người dân châu Phi có thể nói là đời sống thấp, thứ hai là văn hóa sống, tức họ sống theo kiểu tập trung, điều kiện vệ sinh của họ rất thấp. Chính những điều đó sự lây lan của virus mà qua tiếp xúc như vậy cực kỳ nhanh và cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó đội ngũ chuyên gia y tế gửi từ các nước ngoài đến cùng chỉ giải quyết được những điểm được biết thôi, còn nguồn lan truyền đi từ đâu đến đâu và đi đến đâu nữa thì cũng quả là khó khăn và là thử thách rất lớn đối với những đội ngũ nước ngoài nếu không có sự hợp tác chặt chẽ của người địa phương và của các tổ chức y tế địa phương.

Nếu họ làm việc đúng theo qui trình bài bản, sự hợp tác đó mới đem lại kết quả lớn; còn nếu không, dù đem nhân tài, vật lực đến mà không nắm được tình hình địa phương thì kết quả không được cao lắm. Theo tôi nghĩ thách thức cho những nước tân tiến, văn minh và cả Tổ chức Y tế Thế giới đến dập một dịch theo con đường lan truyền trực tiếp giũa người với người như thế ở Châu Phi là cả một vấn đề nan giải chứ không phải vấn đề nhỏ.

Gia Minh: Đây cũng là một cảnh báo cho những nơi như Việt Nam?

Tiến sĩ y Khoa Nguyễn Đình Nguyên: Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề Việt Nam mà là một vấn đề toàn cầu. Tức là vấn đề ý thức của mỗi một người công dân. Vì thế giới bây giờ là thế giới phẳng, không chỉ bất kỳ nơi nào trên thế giới mà bất kỳ mỗi một người công dân phải có ý thức không phải chỉ vệ sinh cá nhân cho mình mà phải nghĩ cả thế giới là một gia đình lớn, phải nghĩ cho người chung quanh. Lúc đó nếu giữ được vệ sinh cá nhân, có trách nhiệm với cộng đồng. Mỗi người đóng một phần, nhiều đóng góp nhỏ thành một đóng góp lớn.

Gia Minh: Cám ơn Tiến sĩ.

 Đối tượng nguy cơ tiếp xúc cao nhất, tần suất tiếp xúc cao nhất , và khả năng lây nhiễm cao nhất là người làm công tác y tế

TS/YK Nguyễn Đình Nguyên

 Thế giới bây giờ là thế giới phẳng, không chỉ bất kỳ nơi nào trên thế giới mà bất kỳ mỗi một người công dân phải có ý thức không phải chỉ vệ sinh cá nhân cho mình mà phải nghĩ cả thế giới là một gia đình lớn

TS/YK Nguyễn Đình Nguyên

 

Ngân Hà (nguồn rfa)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo