"Australia phải rắn hơn với Trung Quốc"
Ngày 01/9, trợ lý tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đại tá Tom Hanson, phát biểu trên đài phát thanh Australia rằng, Canberra cần phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington, lên tiếng kêu gọi Australia có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông nếu lựa chọn "kết thân" với Washington.
"Tôi nghĩ người Australia cần phải lựa chọn. Thật khó để vừa duy trì cân bằng quan hệ đồng minh với Mỹ lại vừa thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc", đại tá Tom Hanson nói.
"Sẽ phải có quyết định để chọn lựa xem mối quan hệ nào quan trọng cho lợi ích quốc gia của Australia hơn", quan chức trên cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Hanson nhấn mạnh, đây là quan điểm của cá nhân ông chứ không hẳn là của chính phủ Mỹ.
Đặc biệt, trợ lý tham mưu trưởng quân đội Mỹ kêu gọi Australia có lập trường cứng rắn hơn chống lại các tuyên bố ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông - khu vực dồi dào nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã thực hiện chương trình cải tạo trong vùng biển tranh chấp và đã điều một số tàu chiến tới khu vực này để bảo vệ cái mà họ gọi là "tự do hàng hải".
Australia, một đồng minh thân cận của Mỹ, lâu nay vẫn ủng hộ các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải mà quân đội Mỹ tiến hành trên Biển Đông. Các chiến dịch này được cho là thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và bị Bắc Kinh nhiều lần chỉ trích. Tuy vậy, Australia chưa bao giờ đơn phương tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông.
Hồi cuối tháng 7, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Mỹ, Nhật Bản và Australia đã đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông, khẳng định động thái này chỉ "thổi bùng lên ngọn lửa" căng thẳng trong khu vực.
Ngoại trưởng ba quốc gia này cũng bày tỏ "ủng hộ mạnh mẽ" đối với các quốc gia Đông Nam Á trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
"Rõ ràng Trung Quốc tin rằng, họ có cơ hội và họ cảm thấy có quyền coi thường điều đó, và việc Australia tiến hành hoạt động tự do hàng hải sẽ được hoan nghênh", ông Hanson nói.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời là một nguồn đầu tư nước ngoài lớn của Australia. Bắc Kinh đã chi tới 11,1 tỷ USD để mua lại nhiều tài sản của Canberra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo