Pháp luật

“Bầu” Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù

Sáng 27.5, HĐXX tiếp tục phiên toà xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Trong buổi sáng nay, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi.

Trả lời luật sư Kiều Vũ Thị Uyên, bị cáo Huỳnh Quang Tuấn - nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, trước khi VKSND tối cao tái thẩm từng có cuộc thẩm vấn với kiểm sát viên năm 2013.

"Tại lần thẩm vấn đó, tôi nghĩ đơn giản rằng việc ủy thác này chưa chắc đã sai do Luật các Tổ chức tín dụng 2010, Điều 106 quy định cho phép các tổ chức tín dụng được phép ủy thác đến thời điểm hết năm 2011, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản nào về hoạt đông này. Bên cạnh đó, trong điều lệ của ngân hàng Á Châu năm 2010 có hoạt động ủy thác gửi tiền. Việc tiếp tục ủy thác theo văn bản cũ là không sai" - bị cáo Tuấn nói.
 
Tuấn cho rằng việc trả lời như vậy có thể gây ra hiểu lầm. Tại tòa sáng nay, ông Tuấn xin nói lại đó là ý kiến cá nhân trao đổi với điều tra viên sau vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Để tránh hiểu lầm, ông Tuấn đã xin rút lại ý kiến trên, đúng hay sai là do cơ quan thẩm quyền quyết định.
 
 Bầu Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù.
 
Là người bị truy tố bổ sung, bị cáo Phạm Trung Cang trần tình sau ngày 31.12.2010, ông có đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT ngân hàng ACB và đã được chấp thuận để sang làm việc tại ngân hàng Eximbank. Theo ông Cang, từ ngày đó không nhận được bất cứ thông tin nào hay chỉ đạo việc gì trong ngân hàng ACB.
 
"Tôi không rõ ban điều hành ACB có thực hiện chủ trương sau ngày tôi đi hay không", Phạm Trung Cang nói tại tòa. Luật sư Uyên nói rằng ông Trần Xuân Giá cũng cung cấp thông tin tương tự.
 
Nói về hành vi trốn thuế, bà Đặng Ngọc Lan (đại diện công ty B&B) khai nếu công ty B&B có vi phạm về nghĩa vụ thuế mà được cơ quan thuế cảnh báo thì cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp. Chiều qua bầu Kiên khai năm 2009, 2010 công ty B&B do bà Lan (vợ ông) quản lý thua lỗ nên không có nghĩa vụ nộp thuế.
 
Tuy nhiên, sáng nay, Phó TGĐ Cty B&B đưa ra thông tin trái chiều rằng năm 2009 và 2010 công ty có lãi. Nhắc đến cuộc họp ngày 8.9.2011 giữa Thống đốc Ngân hàng với 4 Ngân hàng thương mại, bị cáo Nguyễn Đức Kiên một lần nữa xác nhận nội dung cuộc họp này. Nhưng do không có giấy tờ chứng minh nên chủ tọa ngắt lời bị cáo. Sáng cùng ngày, luật sư tiếp tục hỏi ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát tuy nhiên phần hỏi này ông Long không trả lời.
 
Viện kiểm sát đề nghị Bầu Kiên 30 năm tù giam
 
VKSND nêu quan điểm kết luận truy tố đối với các bị cáo. Theo đó, hành vi của Nguyễn Đức Kiên với 6 công ty do Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch hội đồng thành viên đã tổ chức không đúng với quy định đăng ký kinh doanh, lợi dụng để kinh doanh vàng, cổ phiếu, cổ phần.
 
Mặc dù tại tòa cũng như tại cơ quan điều tra, Kiên phủ nhận kinh doanh vàng mà chỉ kinh doanh giá vàng thông qua công ty Thiên Nam, nhưng chiếu theo quy định, văn bản pháp luật, việc kinh doanh giá vàng cũng chính là kinh doanh vàng. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi Kinh doanh trái phép.
 
Về hành vi Trốn thuế, VKS cho rằng, nhằm lợi dụng chính sách của Nhà nước về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, Công ty B&B đã thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính của Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) với công ty B&B để chuyển lợi nhuận doanh nghiệp sang cho cá nhân, nhằm trốn thuế hơn 25 tỉ đồng. Hành vi này của Kiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội trốn thuế.
 
Về hành vi Cố ý làm trái quy định của các bị cáo, VKS cho rằng lời khai của các bị cáo nguyên là lãnh đạo ngân hàng ACB về việc ký chủ trương ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền là không sai, Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả tiền là không có cơ sở. Lý do, tại thời điểm ký chủ trương ủy thác gửi tiền vào Vietinbank là lúc Luật các Tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực.
 
Trên cơ sở đánh giá tài liệu và lời khai tại tòa, HĐXX khẳng định việc VKSND truy tố Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm về các tội danh Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái là hoàn toàn có cơ sở.
 
Về vai trò, nhân thân của bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong các hành vi bị truy tố, bị cáo giữ vai trò chủ mưu. Xét tình tiết giảm nhẹ bị cáo chưa có tiền án tiền sự, tuy nhiên xét tính chất vai trò trong vụ án cần cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian dài mới đủ điều kiện cải tạo, giáo dục bị cáo.
 
Đối với bị cáo Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến giữ vai trò giúp sức tích cực với Kiên trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ đồng. Bản thân các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, là người làm công, không được hưởng lợi do đó có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt mức thấp nhất.
Báo Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo