Nhiều người ở xã Ia Chim và Đăk Năng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum bỗng trở thành tâm điểm của báo chí khi đồng loạt bị một số báo đưa tin nơi đây có bệnh lạ. Thông tin này khiến người dân đã khổ vì bệnh nay lại càng hoang mang.
(suckhoedoisong) Tính đến ngày 15/7/2013, tại xã Ia Chim và Đăk Năng (TP. Kon Tum) đã ghi nhận 87 trường hợp mắc bệnh, không có trường hợp nào tử vong. Trong đó, xã Ia Chim có 11 thôn (2.631 hộ, 9.456 khẩu) thì có 7/11 thôn và 59 trường hợp mắc; xã Đăk Năng có 5 thôn (717 hộ, 3.611 khẩu) thì có 3/5 thôn có 28 trường hợp mắc.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ y tế cơ sở, Trung tâm y tế TP. Kon Tum đã triệu tập cuộc họp khẩn và ban hành Kế hoạch số 123/KH-YTTP của Trung tâm y tế TP. Kon Tum. Đồng thời nhận được sự hỗ trợ của Sở Y tế tỉnh, y tế thành phố đã huy động khoảng 100 cán bộ từ các bộ phận chức năng phối hợp với chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương triển khai tổng dọn vệ sinh môi trường, trong nhà, xung quanh nhà đảm bảo khô ráo, thông thoáng và sạch sẽ... cho 1.008 hộ gia đình tại các thôn xã Ia Chim và xã Đăk Năng (TP. Kon Tum). Xử lý tiêu trùng, khử độc bằng vôi bột và hướng dẫn nhân dân vệ sinh chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thông cống rãnh… (giếng nước được xử lý 783/828, hố xí chưa hợp vệ sinh được xử lý 352/358, chuồng trại chăn nuôi gia xúc gia cầm được xử lý 462/496).
Qua điều tra dịch tễ, Trung tâm y tế TP. Kon Tum đã nhận định đây là bệnh viêm gan cấp, tác nhân gây bệnh là virut viêm gan A, E; đường lây là qua đường ăn uống; nguồn lây có thể từ phân người, phân gia súc, nguồn nước xử lý không hợp vệ sinh. Ngay khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh, lãnh đạo y tế đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho 878 hộ gia đình về một số kiến thức bệnh viêm gan virut A (triệu chứng bệnh, nguyên nhân, đường lây truyền, phương pháp phát hiện, các biện pháp phòng chống bệnh viêm gan cấp) tại các thôn xã Ia Chim, xã Đăk Năng của thành phố Kon Tum.
Chi cục ATTP đã thành lập đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm và tiến hành kiểm tra 19 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ gia đình thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, không ăn thức ăn sống, không tập trung đông người ăn uống. Cùng với sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên,
Trung tâm YTDP tỉnh Kon Tum chủ trì phối hợp với Trung tâm y tế TP. Kon Tum khám sàng lọc cho người có tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp, tổng số người được lấy máu xét nghiệm nhanh bằng test chẩn đoán nhanh bệnh viêm gan virut A.
Được biết, trường hợp đầu tiên mắc căn bệnh này là ông Nguyễn Chiến Tranh ở thôn Nghĩa An, xã Ia Chim vào tháng 2 năm nay, nhưng từ cuối tháng 6 đến nay, căn bệnh đã lây lan đến 6 thôn của 2 xã Ia Chim và Đăk Năng (TP. Kon Tum). Hiện nay, Trung tâm y tế TP. Kon Tum khuyến cáo người dân ở khu vực này cần ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh; tránh ăn uống theo tập thể vì bệnh viêm gan cấp rất dễ lây theo đường tiêu hóa.
Theo BS. Đào Duy Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế Kon Tum, Trung tâm YTDP tỉnh đang kết hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống bệnh viêm gan cấp tại các thôn trọng điểm thuộc các xã của TP. Kon Tum. “Các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư, phòng cách ly... để thu dung, điều trị kịp thời cho người bệnh bị viêm gan cấp. BVĐK tỉnh Kon Tum tổ chức khóa tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và xử trí đối với bệnh viêm gan cấp do virut viêm gan A cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở của Trung tâm y tế thành phố.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống; cung cấp kịp thời thông tin, kiến thức về bệnh viêm gan cấp cho người dân biết, phòng tránh, khuyến cáo người dân trong vùng đang có dịch bệnh viêm gan cấp tiêm vaccin phòng viêm gan A”, BS. Khánh cho biết.
Kim Em