“Bỏ” nhà đi theo voọc chà vá chân xám
Vượt Kon Ka Kinh tìm voọc
Sáng sớm, có mặt ở Phân khu hành chính Vườn quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh, anh Nguyên Ái Tâm cùng các thành viên Kiểm lâm, Trung tâm cứu hộ động vật đã sẵn sàng ba lô, võng, thức ăn, mắm muối... đợi tôi vào rừng. Anh Tâm sinh 1982, thạc sĩ nghiên cứu, bảo tồn thú linh trưởng thuộc Hội động vật Frankfurt (CHLB Đức) - tổ chức Phi chính phủ chuyên nghiên cứu, bảo tồn thú linh trưởng, trong đó có loài voọc chà vá chân xám. Khắp các cánh rừng Việt Nam in dấu chân của anh, hôm nay ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), tuần sau thì anh đã vào VQG Chư Mom Ray (Kon Tum), lần khác điện thoại thì anh trả lời đang ở VQG Bù Gia Mập (Bình Phước).
Cùng đi với thạc sĩ Tâm và tôi, có anh Lê Thanh Tân (cán bộ Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn và Phát triển sinh vật); Trương Đức Trường (cán bộ Trung tâm Giáo dục, Môi trường và Dịch vụ môi trường rừng) và Lê Văn Ngân (cán bộ Trạm kiểm lâm số 1). Tất cả là cán bộ trực thuộc VQG Kon Ka Kinh. Mỗi tháng, đoàn ở trong rừng 7 ngày để nghiên cứu voọc, kết hợp tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, tháo gỡ các loại bẫy cũng như bắt giữ các đối tượng xâm phạm rừng. Để vào khu vực lán trại nơi đoàn trú ngụ, chúng tôi phải đi bộ hàng chục cây số. Dọc đường, anh Tâm kể về cuộc sống, tập tính của loài voọc chà vá chân xám. Chúng là loài đặc hữu của Việt Nam, chỉ phân bố ở 5 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai và Bình Định. Loài này phân bố hẹp, số lượng ít và chỉ có ở Việt Nam. Chúng nằm trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất của thế giới cần bảo vệ, anh Tâm nói.
Tận thấy voọc... ở vực sâu
Đêm. Cái lạnh của sương núi giữa rừng Kon Ka Kinh thấm vào từng thớ thịt, các thành viên cứ lăn qua lăn lại trên võng. Sáng, mặt trời bắt đầu những tia nắng xuyên đỉnh núi, chúng tôi luồn rừng ngay. Theo anh Tâm, tại rừng Kon Ka Kinh, hiện chưa thể thống kê có bao nhiêu đàn, cá thể voọc chà vá chân xám, mà chỉ ước lượng khoảng trên 200 cá thể. Anh cho hay, khu vực đỉnh Đá Trắng, thác Hà Ngoi, thác Ba Tầng là nơi trú ngụ của gần 100 cá thể, đến những nơi này, thường dễ phát hiện và thấy chúng nhất. Dọc đường đi, thi thoảng anh Tâm nhặt những chiếc lá non bị voọc ăn dở. Mùi nước đái của chúng đọng trên lá rất khai. Nhìn vào đó, anh biết được chúng vừa di chuyển cách đó bao lâu, sẽ đi hướng nào. Chúng thường ăn lá non, lá già, quả xanh và một ít quả chín... với hơn 200 loài thực vật khác nhau. Voọc sống bầy đàn, mỗi đàn ít nhất từ 3 - 5 con, nhiều lên đến 100 cá thể với tiếng kêu đặc trưng cộc, cộc, cộc ba lần liên tục. Trong vòng đời 20 năm mỗi con voọc cái chỉ sinh được 2 cá thể. Phải mất 3 - 4 năm, chúng mới trưởng thành, nặng từ 12 - 15kg.
Lên đến đỉnh Đá Trắng, chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng voọc đâu cả. Nghỉ chốc lát, đoàn loại vượt dốc Dờ Mút. Dọc đường đi, thi thoảng chúng tôi gặp những thân cây gắn các số thứ tự, theo anh Tâm đó là những cây phát hiện voọc ở trên đó, và ở VQG Kon Ka Kinh đã có hơn 400 cây có số như thế. Qua dốc Dờ Mút, voọc vẫn bặt vô âm tín. Xế chiều, đến đỉnh thác Hà Ngoi, chân chúng tôi khuỵu xuống, thở không ra hơi, mồ hôi ướt đẫm áo. Tựa lưng vào vách núi, anh Tâm lia ống nhòm Bush nell quan sát, ra hiệu tất cả im lặng. Hơn 20 phút, bỗng anh hét lớn: Một con, hai con, ba con đang lắt lẻo trên cành cao. Anh Tân chồm người lấy chiếc ống nhòm, vỗ đùi: Hơn 6 tháng, giờ mình mới thấy chúng. Từ khoảng cách 700m, chiếc máy ảnh của anh Tâm giơ cao bấm tách tách không nghỉ. Đàn voọc chúng tôi thấy có tám con. Chúng đang chuyền cành ăn lá non ở khu vực sát vách núi. Độ cao nơi này so với mực nước biển là 1.411m. Chúng tôi ở đó thêm 1 tiếng đồng hồ để anh Tâm ghi chép, chụp hình...
Nan giải việc bảo tồn.
Cơ duyên đến với loài voọc này đối với anh Tâm như số phận sắp đặt. Năm 2007, đang là sinh viên năm cuối Khoa Sinh - Môi Trường (Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng), anh được tham gia lớp tập huấn về Bảo tồn thú linh trưởng do Đại học Sư Phạm Đà Nẵng kết hợp với Hội động vật Frankfurt tổ chức. Hai tháng sau, anh được Frankfurt nhận vào làm việc với nhiệm vụ nghiên cứu sinh thái, tập tính và bảo tồn loài Voọc chà vá chân xám, chân đen, chân nâu, mông trắng, vượn má hung... cùng các loài linh trưởng khác. Tháng 1.2011, anh Tâm tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Sinh thái học (Đại học Đà Nẵng) để trang bị kiến thức sâu hơn cho quá trình nghiên cứu. Năm 2012, công trình "Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái học của Voọc chà vá chân đen tại bán đảo Hòn Hèo, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà" được nhận học bổng Giáo sư Võ Quý đã tiếp thêm nghị lực cho anh.
Một cán bộ trong đoàn rỉ tai tôi nói, từ năm 2007 đến nay, Hội động vật Frankfurt tổ chức 8 khoá tập huấn với gần 160 sinh viên về công tác bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam. Thế nhưng, công việc "ở rừng" đã khiến các bạn trẻ... từ bỏ niềm đam mê và đàn voọc chà vá quý hiếm này. Chỉ có sót lại mỗi thạc sĩ Tâm là người dành hết tuổi trẻ, trí tuệ của mình cho đàn voọc. Vợ và con trai gần 1 tuổi đang ở Đà Nẵng, còn anh thì suốt ngày đi hết cánh rừng này, đến cánh rừng khác. Anh nói, nhiều lúc nhớ nhà nhớ vợ con lắm... nhưng vì đàn voọc đang giảm dần số lượng, tụi nó đang cần mình.
Hơn 7 năm làm công tác bảo tồn voọc chà vá châm xá ở VQG Kon Ka Kinh, anh không thể khẳng định số lượng loài này tăng hay giảm. Chỉ thấy số lượng cá thể trong đàn giảm theo thời gian và việc phát hiện chúng ngày càng không thường xuyên hơn trước. Nạn săn bắn, bẫy thú ở Kon Ka Kinh được ngăn chặn khá hiệu quả bởi 8 đội kiểm lâm nhưng thi thoảng, mình vẫn bắt gặp những người lén lút vào rừng đặt bẫy để nấu cao, thuộc da, nhồi bồng, làm thức ăn đặc sản..., anh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo