Thừa Thiên Huế: 2 người mất tích, bị thương, hơn 1.000 ngôi nhà bị ngập do mưa lũ
Thừa Thiên Huế: Bão số 5 làm 24 người thương vong, huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả / Biểu dương đoàn y tế Thừa Thiên Huế hỗ trợ Đà Nẵng phòng chống dịch Covid-19
2 người mất tích, bị thương, hơn 1.000 ngôi nhà bị ngập
Chiều 8/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm một người mất tích, một người bị thương và hơn 1.000 ngôi nhà bị ngập từ 0,3-0,8m.
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế bị ngập lụt.
Trường hợp mất tích là Dương Phước Hải (SN 1989, ở TDP Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền), bị mất tích tại hồ Bàu Sen lúc 21 giờ ngày 7/10 khi đi săn bắt chim. Chính quyền địa phương đang huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích.
Trường hợp người bị thương là Nguyễn Khoa Nam (20 tuổi, xã Phong Thu, huyện Phong Điền), bị rắn cắn, đang cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Thống kê ban đầu, mưa lớn và nước lũ đổ về đã làm hơn 1.000 nhà dân bị ngập, tập trung chủ yếu ở các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu thuộc huyện Phong Điền và khu vực phường An Tây, TP. Huế.
Mữa lớn đã gây ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền; nhấn chìm hàng chục hécta hoa màu trên địa bàn huyện Phú Vang và Quảng Điền.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của triều cường, bờ biển của tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài khoảng hơn 9km, tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà). Bên cạnh đó, bờ sông Hương qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà bị sạt lở với chiều dài khoảng 50m.
Nhiều vùng trũng thấp bị cô lập, ngành chức năng phải đặt bảng cảnh báo không cho người qua lại.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 12 giờ qua, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 1h ngày 8/10 đến 13h ngày 8/10 phổ biến 100-150mm, có nơi cao hơn như Bạch Mã 192mm, Bình Thành 181mm, Tà Lương 183mm.
Mực nước trên các sông vùng núi đang xuống, vùng đồng bằng hiện nay đang lên chậm và ở mức dưới báo động (BĐ) 2. Mực nước lúc 15 ngày 8/10 tại các trạm như sau: Trên sông Hương, tại Kim Long: 1.57m, dưới BĐ 2 là 0.43m; Thượng lưu sông Tả Trạch, tại Thượng Nhật: 58.19m, dưới BĐ 1: 0.81m; Trên sông Bồ, tại Phú Ốc: 2.57m, dưới BĐ 2: 0.43m; Trên sông Truồi, tại cầu Truồi: 1.33m; Trên sông Ô Lâu, tại Phong Bình: 2.87m.
Dự báo trong 12 giờ tới, trên địa bàn tỉnh lượng mưa giảm so với hôm qua, nhưng vẫn còn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, lũ trên sông Hương dao động ở mức dưới BĐ2, sông Bồ tiếp tục lên trên mức BĐ2. Sông Ô Lâu, sông Truồi dao động ở mức cao.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, các công trình đang thi công ở các huyện: A Lưới, Nam Đông, vùng núi của Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, Hương Trà.
Nguy cơ ngập lụt diện rộng, kéo dài ngày tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị ở thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, đặc biệt ở vùng hạ lưu các sông Ô Lâu, sông Bồ.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối trước diễn biến phức tạp của mưa lũ
Chiều 8/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã đi kiểm tra công tác điều tiết xả lũ tại các hồ đập; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ tại các vùng xung yếu; thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ đang trực sẵn sàng hỗ trợ người dân phòng chống lũ lụt.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác khắc phục mưa lũ ở vùng biển của tỉnh.
Đến kiểm tra tại các địa phương, ông Thọ yêu cầu các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu lãnh đạo các địa phương cấp huyện rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét.
Chủ động thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ. Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao cần bố trí lực lượng trực canh, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ yêu cầu chủ các hồ đập chịu trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để phục vụ chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ.
Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập. Chủ các hồ đập chịu trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để phục vụ chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ.
“Cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động thu hoạch hoa màu, thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo