Thị trường

“Cá mập” làm nóng đất Phú Quốc, giá tăng đột biến

Giới đầu tư, đầu cơ ồ ạt săn lùng đất Phú Quốc trước thông tin đảo Ngọc sắp trở thành đặc khu khiến giá chuyển nhượng không ngừng tăng nóng những tháng qua, đến nay nhiều nơi bị “thổi giá” tăng gấp nhiều lần.

Theo giới kinh doanh bất động sản nơi đây, có vẻ lần này nhiều khả năng Phú Quốc sẽ chính thức trở thành đặc khu và sớm nhất có thể là đầu năm 2019. Trước đó thì dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng đã được Quốc hội bàn thảo, hiện đang được xây dựng.

Vì thế, hoạt động môi giới, chuyển nhượng và giao dịch nhà đất ở Phú Quốc những tháng gần đây diễn ra tấp nập. Một "cò đất" lâu năm trên đường Trần Hưng Đạo (Dương Đông), cho biết giá đất ở Phú Quốc từ đất công, đất thổ cư và nhà phố cũng như các sản phẩm biệt thự biển, shophouse ở các dự án đều tăng chóng mặt so với hồi cuối năm ngoái. Có thể nói đây là "cơn sốt" đất thứ 3 đang diễn ra ở Phú Quốc.


 

Trước đó, năm 2015 cũng trước thông tin Phú Quốc sẽ là đặc khu kinh tế, cùng với việc các "ông lớn" địa ốc liên tục rót hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào các dự án đã biến huyện đảo này từ viên ngọc thô trở thành điểm đến đầu tư đầy tiềm năng. Vì thế, từ vùng đất còn hoang sơ, thị trần Dương Đông còn rất ít người, thông thoáng đã không ngừng được đầu tư hạ tầng, giá đất nhảy vọt lên mặt bằng mới. Nhưng, mặt bằng trung bình cũng chỉ từ hơn 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi m2 tại Dương Đông.

Đến nay, sau vài năm Phú Quốc như một đại công trường đến nay đã thay da đổi thịt. Dương Đông tập nập, đông đúc hơn nhiều với các tuyến phố rộng rãi mọc lên hàng trăm nhà hàng, khách sạn mini…Từ đó, giá đất cũng không ngừng tăng chóng mặt.

Theo như một "cò" đất lâu năm tên Phú thì hầu hết các xã, thị trấn ở Phú Quốc, giá đất đã tăng gấp 3-4 lần so với hồi cuối năm ngoái. Giá đất mặt tiền đường Trần Hưng Đạo giờ đây có giá 70-80 triệu đồng/m2 là không hiếm, thậm chí có nơi cả trăm triệu mỗi m2.

Hay như giá đất ở một khu vực khác như xã Cửa Dương, đất mặt tiền đường vào suối Đá Bàn được chào bán lên tới 6 tỉ đồng/công (1.000m2). Giá đất công ở thị trấn Dương Đông hồi năm 2016 (đợt sốt lần 1) khoảng 3,5 tỉ/công thì này đã tăng lên gấp 3 lần khoảng 9 tỉ đồng/công. Nhiều nơi khác đất công cũng đang được sẻ ra bán dao động từ 2,5-4 tỉ đồng/công.

Tình trạng sốt đất diễn ra ở tất cả các xã, thị trấn của Phú Quốc, từ Dương Đông, An Thới, Cửa Dương, Dương Tơ, Cửa Cạn, Hàm Ninh, Bãi Thơm tới xã đảo gần đảo Phú Quốc là Hòn Thơm. Bà L. - "cò" đất ở Hòn Thơm - cho biết kể từ khi có dự án cáp treo từ An Thới ra xã này, giá đất ở đây tăng gấp 5-6 lần.

Giá giao dịch các nền nhà tái định cư từ dự án cáp treo hồi đầu năm nay chỉ khoảng 350 triệu đồng/nền, hiện tăng lên dao động ở mức 1,6-1,8 tỉ đồng/nền.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cù Xuân Toản, Tổng Giám đốc Hà Phương Land, một đơn vị phân phối biệt thự ở Phú Quốc, cho biết đất công đang được chuyển nhượng khá nhiều ở Phú Quốc, đây là loại đất đang đem lại khả năng sinh lời lớn nhất nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.

"So với hồi đầu năm, giá đất gần như tăng trung bình mỗi tháng khoảng 10-15% (đối với đất công). Từ cuối năm 2017 đến nay tăng đến 50%, có khu vực tăng đến 100% do có một số nhà đầu tư "cá mập" rót hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đổ vào đây, sau đó họ rút ra bằng cách tách nhỏ các công đất rồi bán lại cho nhà đầu tư nhỏ lẽ dao động từ 1-2 triệu đồng/m2, mỗi lô từ vài trăm đến vài nghìn m2, khiến giá loại đất này bị đẩy lên tăng nhanh hơn bình thường 20-30%." ông Toản cho biết thêm.

Cũng theo ông Toản thì những nhà đầu tư này thường là các đại gia từ Hà Nội, TP.HCM hoặc các tỉnh , thành phố lớn khác…thậm chí có cả các Việt kiều từ Nga, châu Âu.

Tuy vậy, theo ông Toản thì việc giao dịch những loại đất này cũng đem lại không ít rủi ro. Thực tế phần lớn đất ở Phú Quốc là đất dự án, chỉ có một số vị trí không dính dự án.

Thông thường những vị trí đó sẽ ăn theo các tuyến đường như sát sân bay, trục đường chính ở khu bến cảng hay một số tuyến đường kết nối những trục đường mới đi lên Vinpearl.  Loại đất này sẽ không chuyển đổi được sang mục đích khác và thường là đất được cấp đến năm 2043 hoặc hơn. Đất này vẫn là đất có sổ và Nhà nước cho phép chuyển nhượng. Đất này chỉ mang tính đầu cơ chứ không làm gì được. Theo tôi được biết, hiện đang có khoảng vài nghìn nền như vậy đang chờ để tách.

Đối với đất, nhà phố tại Dương Đông cũng tăng chóng mặt, một số phố có giá đắt nhất như khu đường Bạch Đằng, khu chợ đêm mới, tiếp là đến trục đường 30/04 và đoạn đường đôi Trần Hưng Đạo với mức giá giao động khoảng hơn 100 triệu/1m2.

"Có thể thấy, giá đất ở Phú Quốc tăng rất nhiều lần trong thời gian ngắn là khoảng vài năm gần đây nhưng tốc độ tăng trưởng của nó theo tôi thấy là tăng thực do sự phát triển rất nhanh của đô thị hóa và người dân ở các nơi cũng đổ về đây nhiều hơn, cả các nhà đầu tư địa ốc", ông Toản chia sẻ.

Trước thực trạng "sốt" đất này, trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Đinh Khoa Toàn – chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho rằng, hâu hết các giao dịch đều hợp pháp nên địa phương không cấm, chỉ khuyến cao người dân nên thận trọng. Tuy vậy, giá đất tăng cao đột biến cũng đã gây khó cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo