Thị trường

"Cần khoanh vùng điều tra sở hữu chéo ngân hàng"

Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo với sự "bắt tay" của ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm đang khiến dòng chảy đồng tiền trong hệ thống tài chính méo mó.

Hành trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã qua một quãng đường hơn 2 năm, nhưng vấn đề sở hữu chéo vẫn là một thách thức lớn vì đây là tác nhân mấu chốt làm chậm quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

 
“Mạng nhện” sở hữu chéo
 
Theo đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 thì trong hai năm 2011-2012 phải phân loại các tổ chức tín dụng và thực hiện mua bán sáp nhập ngân hàng yếu kém, đến năm 2014 hoàn thành căn bản xử lý nợ xấu, năm 2015 cơ bản tái cơ xấu xong hoạt động và quản trị.
 
Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, hoạt động sáp nhập các ngân hàng vẫn chưa được thực hiện triệt để, quá trình xử lý nợ xấu mới được bắt đầu.
 
Theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo với sự "bắt tay" của ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm đang khiến dòng chảy đồng tiền trong hệ thống tài chính méo mó. Ngoài ra, những hạn chế về tính minh bạch cung cấp thông tin và chuẩn mực kế toán... đang tạo điều kiện để sở hữu chéo, đầu tư chéo phát huy mặt tiêu cực.
 
Đơn cử hình thức sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần cũng khá phức tạp, như Eximbank hiện nắm 10,6% cổ phần tại Sacombank và 8,5% cổ phần tại Ngân hàng Việt Á...
 
Các chuyên gia cho rằng, sở hữu chéo, đầu tư chéo tiềm ẩn rủi ro hệ thống và bóp méo cạnh tranh. Khi các tổ chức tín dụng liên kết thành một “mạng nhện” sẽ nảy sinh độc quyền nhóm. Liên minh tổ chức tín dụng này có thể đủ sức mạnh để chi phối lãi suất, tỷ giá và kể cả chính sách, dẫn đến rủi ro mang tính hệ thống. Điều này có thể gây xáo trộn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.
 
Ngoài ra, sở hữu chéo, đầu tư chéo làm gia tăng nguy cơ rủi ro chéo giữa các khu vực thị trường trên thị trường tài chính quốc gia.
 
Chẳng hạn, việc các tổ chức tín dụng bơm vốn cho công ty con hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm và ngược lại công ty con thực hiện các giao dịch phục vụ lợi ích của tổ chức tín dụng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao và khả năng lan truyền  rủi ro  giữa các khu vực thị trường tài chính.
 
Các chuyên gia cho biết, thông tin thu thập từ 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và 8 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất cho thấy 11/12 ngân hàng có công ty chứng khoán là công ty con hoặc công ty liên kết; 8/12 ngân hàng có công ty quản lý quỹ, đầu tư tài chính; 9/12 ngân hàng có công ty con hoặc công ty liên kết đầu tư bất động sản và 5/12 ngân hàng có vốn góp tại các công ty bảo hiểm.
 
“Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc lựa chọn giải pháp để cấu trúc lại thị trường. Nếu cho ra đời một ngân hàng thương mại quy mô lớn tầm cỡ khu vực sẽ làm gia tăng tình trạng thị phần của 1 nhóm ngân hàng sẽ quá lớn, theo đó sẽ làm gia tăng rủi ro tiềm ẩn hệ thống,” ông Ngoạn cảnh báo.
 
Phá liên kết "ngầm"
 
Bà Trần Thị Thanh Tú, Phó trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, một trong những vướng mắc cơ bản của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là thiếu một cơ quan điều phối chung giữa các bên có liên quan trong quá trình tái cơ cấu.
 
Theo bà Tú, kinh nghiệm quốc tế cho thấy ở tất cả các nước tái cơ cấu thành công đều cần có một cơ quan điều phối quá trình tái cơ cấu. Trong điều kiện Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có lợi thế là đơn vị đứng ra tổ chức thực hiện, song cũng có những bất lợi nhất định như quá tải về nguồn nhân lực.
 
Một số chuyên gia đã chỉ ra những nguy hiểm của sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và rủi ro khi dùng chính sở hữu chéo để tái cơ cấu ngân hàng. Các chuyên gia lấy ví dụ trường hợp sáp nhập 3 ngân hàng: SBC, Tín Nghĩa và Đệ Nhất khi cả ba ngân hàng đều cùng một chủ nên việc hợp nhất này không giải quyết được tình trạng yếu kém cố hữu và nợ xấu của các ngân hàng này.
 
Theo các chuyên gia cần khoanh vùng tiến hành điều tra toàn diện về cơ cấu sở hữu ngân hàng và có lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo, sở hữu chi phối ngân hàng.
 
Bà Tú kiến nghị, việc đầu tiên là cần ban hành các quy định có liên quan đến việc công bố thông tin của các ngân hàng về quản trị công ty, trong đó có quy định chặt chẽ về công bố thông tin việc nắm giữ cổ phiếu hay các giao dịch lớn (trên 5% tổng số cổ phiếu) của những người có liên quan trong ngân hàng. Khi đó, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng sẽ có công cụ để giám sát một cách hiệu quả tình trạng này.
 
Ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ Trưởng Vụ Quản lý cấp phép thuộc Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng-Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các tổ chức tín dụng, công ty con, cổ đông; xử lý các vi phạm giới hạn sở hữu cổ phần, giới hạn cho vay cổ đông và người có liên quan. Trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan điều tra nhằm xác minh các trường hợp vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý phù hợp.
 
Ông Thọ kiên quyết, Ngân hàng Nhà nước sẽ không xem xét chấp thuận việc các cổ đông và người có liên quan tham gia các đợt tăng vốn của tổ chức tín dụng để giảm dần mức vi phạm và yêu cầu bắt buộc các cổ đông vi phạm có lộ trình thoái vốn trong phương án tái cơ cấu.
 
Tuy nhiên, ông Thọ cũng thừa nhận, sự thiếu hợp tác, thậm chí chống đối từ phía cổ đông lớn của một số tổ chức tín dụng yếu kém đối với chính sách đã gây không ít khó khăn và làm chậm quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng này.
Theo Vietnampuls
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo