Pháp luật

'Cát tặc' sông Hồng được chống lưng?

Một đại diện cơ quan chức năng kêu khó khi xử lý “cát tặc” trên sông Hồng, vì cho rằng các đối tượng toàn là “dân xã hội” và có người “chống lưng” (?!).

Chiếc cẩu và tàu hút cát hoành hành trên sông Hồng

“Cát tặc” cuốn trôi cả trạm bơm

Như Tiền Phong đã phản ánh trong số báo ra ngày hôm qua, tại khu vực xã Vân Hà và Vân Nam, huyện Phúc Thọ, “cát tặc” không chỉ sử dụng “vòi rồng” mà còn mang cả hệ thống cẩu, tàu cuốc cỡ lớn để băm nát lòng sông Hồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Dụ, Đội trưởng Đội Tổng hợp Kinh tế - Ma túy - Môi trường (Công an huyện Phúc Thọ) cho biết, “cát tặc” lộng hành trên sông Hồng diễn ra từ hàng chục năm nay. Có thời điểm, “cát tặc” cuốn trôi cả trạm bơm xuống dưới lòng sông. “Người dân bức xúc đã nhiều lần phản ánh, nhưng chúng tôi không thể xử lý vì không có phương tiện, không có bến để giam giữ phương tiện vi phạm” - ông Dụ nói.

Ông Dụ chia sẻ, có những lúc, khi phát hiện các phương tiện đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng chúng tôi báo cho Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68-Công an TP Hà Nội) tới xử lý thì chúng đã di chuyển sang địa bàn khác.

Ông Dụ dẫn chứng, ngày 8/9 vừa qua, khi phát hiện nhiều phương tiện có hành vi khai thác cát trái phép dưới lòng sông Hồng, Công an huyện Phúc Thọ đã thông báo cho Phòng CSGT đường thủy (PC68, Công an Hà Nội) để phối hợp. Tuy nhiên khi PC68 đưa phương tiện tiếp cận thì chỉ còn lại 1 chiếc tàu mang số hiệu PT-1832 cuốc cát trên sông Hồng. 

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện chiếc tàu trên đang cuốc cát dưới lòng sông Hồng, cách bờ sông Hồng khoảng 500m thuộc địa bàn xã Vân Nam huyện Phúc Thọ. Công an huyện Phúc Thọ đã lập biên bản đối với ông Nguyễn Văn Hiếu (chủ tàu, ở xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ). 

Tuy nhiên, sau khi xác định lại địa điểm thì tàu cuốc cát PT-1832 lại nằm trên địa bàn huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Do vậy, tổ công tác Công an huyện Phúc Thọ đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, phương tiện vi phạm cho Công an huyện Yên Lạc xử lý theo thẩm quyền.

Khó xử lý?

Trao đổi với PV, một cán bộ Công an huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho biết, những kẻ khai thác cát trái phép toàn là “dân xã hội đen”, “có máu mặt” và có người “chống lưng” nên rất khó xử lý. Khi PV hỏi lại, vị cán bộ trên giải thích: “Xã hội đen” là dân xã hội, không có học hành gì; “chống lưng” là người am hiểu pháp luật đứng đằng sau nên rất khó xử lý...

Liên quan đến chiếc tàu cuốc cát mang số hiệu PT-1832 của Cty TNHH An Viên, vị cán bộ công an trên nói: “Khi cơ quan chức năng phát hiện xử lý tàu chở cát đã chạy mất, chỉ còn lại tàu cuốc cát. Để xác định chiếc tàu trên có thực hiện hành vi cuốc cát trên sông Hồng hay không cần phải xác định là trên bờ hay dưới lòng sông mới xử lý được. Công an huyện Yên Lạc đã thông báo cho Cty TNHH An Viên đến để làm việc”.

Vị cán bộ Công an huyện Yên Lạc giải thích thêm, khó xử lý vì tàu cuốc ở dưới sông, không có cọc mốc nên không thể xác định được vị trí, vi phạm như thế nào kể cả có chụp ảnh, quay phim. Để chứng minh vi phạm cần phải hội đủ 3 yếu tố; con người, phương tiện khai thác và phương tiện vận chuyển lưu giữ. 

“Khi tàu đang cuốc cát, nhưng chúng tắt máy, tàu chở cát chúng di dời sang địa bàn khác thì không xử lý được” - ông này nói. Tuy nhiên, điều khiến dư luận nghi ngờ là vì sao một chiếc tàu chở cát ì ạch lại có thể chạy thoát, sau khi công an đã phát hiện vụ việc?

Theo Tiền phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo