“Chảo lửa” Trung Đông - Bắc Phi
Trong tuần qua, cuộc bầu cử Quốc hội Libya lần đầu tiên kể từ khi Quốc vương Idris bị Đại tá Muammar Gaddafi lật đổ năm 1969 và những diễn tiến nhanh chóng tại Syria có nguy cơ hình thành một cuộc chiến khốc liệt cho thấy khu vực Trung Đông - Bắc Phi vẫn là chảo lửa của chính trường thế giới.
Theo Ủy ban bầu cử Libya, 1,6 triệu cử tri Libya đã thực hiện quyền công dân của mình nhằm lựa chọn 200 ghế Quốc hội từ 3.700 ứng cử viên, trong đó có hơn 600 ứng cử viên nữ.
Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử mà Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon nhận định là "bước ngoặt" trên con đường tiến tới dân chủ thực sự của Libya chỉ thu hút được khoảng 60% cử tri đi bỏ phiếu do lo sợ bạo lực sẽ bùng phát tại các điểm bầu cử.
Trên thực tế, khoảng 100 điểm bỏ phiếu, chủ yếu là ở phía Đông đã không thể mở cửa đúng giờ "vì các lý do an ninh", buộc Ủy ban bầu cử Libya phải lùi thời gian đóng cửa. Trước đó, các văn phòng bầu cử ở phía Đông Libya - khu vực vốn tập trung các bộ lạc ủng hộ quyền tự trị và đã nhiều lần kêu gọi tẩy chay bầu cử đã bị tấn công, thậm chí 5 nhà máy lọc dầu trong vùng đã phải ngừng hoạt động vì các cuộc biểu tình có vũ trang nhằm đòi tăng thêm đại diện trong Quốc hội mới.
Bất chấp việc Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp cam kết sẽ giải tán sau khi kết quả bầu cử Quốc hội được công bố, giai đoạn chuyển giao hướng tới tái thiết của Libya vẫn đầy sóng gió. Mâu thuẫn giữa các phe phái, sắc tộc tại khu vực giàu có dầu mỏ ở phía Đông, các bộ lạc bị cô lập trong Sa mạc Sahara,… đã tồn tại từ nhiều năm qua, đang phủ bóng đen lên tiến trình hòa giải dân tộc tại quốc gia Bắc Phi này.
Ngoài ra, việc phân chia quyền lực trong lòng Quốc hội mới, với cơ cấu 100 ghế cho phía Tây, 60 cho phía Đông và 40 cho phía Nam chắc chắn sẽ tạo ra những căng thẳng mới, châm ngòi cho một cuộc đấu tranh trên chính trường vốn đã nhiều sóng gió của Liyba.
Tại Syria, chưa đầy 3 tháng sau kế hoạch hòa bình 6 điểm của Đặc phái viên quốc tế Kofi Annan, bạo lực ngày càng gia tăng và lan sang cả nước láng giềng Lebanon khi đạn pháo bắn qua biên giới hai nước ngày 7/7 làm hai bé gái và một phụ nữ thiệt mạng, 9 người khác bị thương.
Trước đó, tại Hội nghị quốc tế "Những người bạn của Syria" lần thứ 3 tại Pháp, các đối tác ủng hộ phe đối lập Syria đã thống nhất sẽ gia tăng các biện pháp nhằm buộc Tổng thống al-Assad phải ra đi. Động thái này cho thấy, nhiều khả năng phương Tây sẽ thực hiện những bước đi quyết liệt trong kế hoạch đầy tham vọng là thay đổi chế độ tại Syria.
Trước sức ép từ phe đối lập trong nước và cộng động quốc tế, Hải quân Syria đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang trong tình huống chiến tranh thực sự.
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo