Xã hội

'Chốt' phương án gọi tên cầu Nhật Tân

Tên cầu Nhật Tân và cầu Hữu nghị Việt - Nhật sẽ được để song song. Điều này vừa có ý nghĩa lưu dấu tên địa danh mà công trình được xây dựng, vừa thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tên cầu Nhật Tân sẽ không thay đổi nhưng trên bảng tên sẽ có thêm dòng chữ cầu Hữu nghị Việt - Nhật

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, sẽ không có sự thay đổi nào về tên cầu. Trên tấm biển viết tên cầu Nhật Tân sẽ có thêm dòng bên dưới là cầu Hữu nghị Việt - Nhật. Cách gọi này vừa có ý nghĩa lưu dấu tên địa danh mà công trình được xây dựng, vừa thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Liên quan đến việc đặt tên cầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có yêu cầu UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan thực hiện việc đặt tên cầu khi đưa vào khai thác sử dụng đối với công trình “Xây dựng cầu Nhật Tân và đường nối hai đầu cầu”.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý với Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội việc đặt tên cầu phải phù hợp với thông lệ đối với các công trình giao thông sử dụng vốn ODA đã hoàn thành trước đây.

Hồi cuối tháng 8 vừa qua, phía Đại sứ quán Nhật Bản đề xuất với Bộ GTVT đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật, nhằm đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hữu nghị giữa 2 nước. Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất của Nhật Bản và xin ý kiến chỉ đạo.

Đề xuất đổi tên cầu được nhiều người đồng tình ủng hộ, song cũng không ít người thể hiện sự nuối tiếc nếu cái tên của làng hoa Nhật Tân nổi tiếng không được gắn với cây cầu.

Nhật Tân là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam và là 1 trong 3 cầu trên thế giới có 5 nhịp cầu dây văng liên tục. Cầu Nhật Tân nằm trên tuyến đường vành đai 2 của Hà Nội và được khởi công vào tháng 3/2009, với tổng số vốn đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng từ nguồn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Tổng chiều dài của dự án cầu Nhật Tân là 8,95km với quy mô 8 làn xe chạy, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp dài khoảng 3,75km, đường 2 đầu cầu dài khoảng 5,2km, mặt cắt ngang rộng 33,2m.

Được biết, trên địa bàn Hà Nội, trước cầu Nhật Tân đã có công trình cầu mang tên gọi song song là Cầu Thăng Long - cầu Hữu nghị Việt - Xô (cầu sử dụng vốn của Liên Xô cũ).

Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo