“Chúng tôi đặt niềm tin vào cách giải quyết của Nhà nước”
Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Bình Dương, Đồng Nai nêu những khó khăn họ gặp phải sau các vụ gây rối ngày 13-14/5 vừa qua.
“Chúng tôi xin khẳng định không phân biệt doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn, không phân biệt doanh nghiệp thuộc quốc gia nào, không để xảy ra nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp, dù là việc rất nhỏ”.
Đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam tại buổi gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài khu vực phía Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 30/5 tại TP.HCM. Tại đây, đại diện các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn họ gặp phải sau các vụ gây rối ngày 13-14/5 vừa qua.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam cho biết, nơi mà các doanh nghiệp Đài Loan chịu nhiều tổn thất nhất từ các vụ gây rối là Bình Dương.
Nhiều doanh nghiệp chưa thể lập tức xây dựng lại nhà xưởng mới vì bảo hiểm chưa giải quyết, trong khi việc bổ sung nhân sự mới cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cho biết tài liệu và thông tin của khách hàng lưu trong máy tính mất hết do bị lấy cắp.
“Mong các ban ngành hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, cụ thể. Mong có cách làm chi tiết hơn để các công ty có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất”, một đại diện doanh nghiệp nói.
Điều đáng mừng là hiện các doanh nghiệp với chính quyền Bình Dương có sự trao đổi thuận lợi. Bình Dương đã thành lập một đơn vị chuyên giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
“Dù chúng tôi còn gặp khó khăn nhưng nếu hai bên làm việc tốt với nhau thì chúng tôi vẫn tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam”, một đại diện doanh nghiệp khác bày tỏ.
Tiếp lời, bà Liu Mei Teh, Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam nhấn mạnh: “Giữa doanh nghiệp và chính quyền thì sự trao đổi với nhau là điều quan trọng. Doanh nghiệp sẽ cảm nhận được nhà nước quan tâm đến họ, tiếp thêm niềm tin cho họ”.
Cũng theo bà Liu, tiền lương cũng là một vấn đề cần giải quyết gấp rút, trong bối cảnh một số doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn đặt hàng, sản xuất, giao hàng. “Chúng tôi rất quan tâm chăm lo đời sống công nhân, vì có nhiều công nhân vô tội bị vạ lây. Nhưng yêu cầu doanh nghiệp phải chi trả toàn bộ tiền lương trong các ngày đình công là không công bằng”, bà nói.
Theo bà Liu, cần phải có giải pháp để cả doanh nghiệp và người lao động đồng ý với giải pháp đó, chẳng hạn kiến nghị nhà nước có phương án cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất theo lãi suất USD.
Còn đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam thì hy vọng các ban ngành tại Bình Dương, Đồng Nai hối thúc các công ty bảo hiểm để họ nhanh chóng bồi thường cho các công ty bị thiệt hại. “Mong rằng các cơ quan nhà nước tăng cường an ninh, đảm bảo an toàn để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư tại Việt Nam”, vị này nói.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam cho rằng, vấn đề tiền lương hết sức khó khăn trong thời điểm này và kiến nghị xin được vay trả chậm. Riêng về bảo hiểm, vị này đề nghị ngay sau khi có hồ sơ thiệt hại, các công ty bảo hiểm chi trả ngay 50% giá trị bảo hiểm, số tiền còn lại có thể trả chậm để doanh nghiệp quay lại sản xuất.
Ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng lo lắng về vấn đề tiền lương.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam cho biết các nhà đầu tư đặt niềm tin vào cách giải quyết của Nhà nước Việt Nam. “Thiệt hại về tài chính, tài sản chỉ là ngắn hạn mà thôi, điều mà chúng tôi quan ngại là phản ứng dây chuyền có tác động lâu dài như vấn đề giấy phép lao động”, vị này chia sẻ.
Về vấn đề chi trả lương, ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ LĐTB&XH cho biết, đối với doanh nghiệp ngưng sản xuất từ ngày 12 - 25/5, người lao động và doanh nghiệp thương lượng với nhau về tiền lương, sẽ được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp theo Công văn 3758 của Chính phủ.
Có mặt tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp nước ngoài khu vực phía Nam sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho rằng, tổn thương lớn nhất của nhà đầu tư cũng như của Việt Nam là vấn đề niềm tin và ổn định.
“Chúng tôi thay mặt chính quyền TP.HCM cam kết không bao giờ để lặp lại tình trạng tương tự. Điều này, chúng tôi chắc chắn. Chúng tôi đã đảm bảo an toàn từ sau ngày 15/5 đến nay. Về đảm bảo an toàn lâu dài, nguyên nhân sâu xa nhất là chúng tôi bị vi phạm chủ quyền, chúng tôi mong các nhà đầu tư thông cảm và đồng hành cùng Việt Nam bảo vệ chủ quyền”, ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Về vấn đề tiền lương, vị Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết cũng nhận thức rõ điều này.
“Việc này nếu không giải quyết tốt sẽ nảy sinh vướng mắc, bất đồng. Chúng tôi sẽ phối hợp các cơ quan giải quyết hài hòa lợi ích, không để bức xúc cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp thiệt hại nặng, chưa đi vào sản xuất, theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ có hướng giải quyết riêng cho từng doanh nghiệp”, ông Lê Mạnh Hà cho hay.
Đại diện chính quyền tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói công tác ứng phó của Bình Dương cũng như các cơ quan Trung ương là rất kịp thời. Đến thời điểm này, Bình Dương đã triển khai rất nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương.
Hiện Bình Dương cũng đã kiến nghị Thủ tướng, các Bộ ngành về chi trả mức lương tối thiểu vùng trong những ngày doanh nghiệp ngưng hoạt động, đồng thời hạch toán lỗ trong thời gian tới.
Tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan bảo hiểm khẩn trương giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Bizlive
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Cột tin quảng cáo