“Cò” lừa đảo đi Hàn Quốc bắt đầu sôi động
Nguyễn Đức Nhân tại Đô Lương, Nghệ An rụt rè nói với phóng viên: “Lần trước em đã đưa hai ngàn (2.000 USD) cho họ, họ cam kết là em thi đỗ nhưng do không mang được điện thoại vào phòng thi nên em trượt. Lần này họ lại nói em đưa thêm tiền để họ lo tiếp cho kỳ thi tới”. Nhân không nói rõ “họ” là ai bởi Nhân vẫn hy vọng mối quan hệ này sẽ có thể giúp Nhân được sang Hàn Quốc làm việc. Theo Nhân, tại Nghệ An nhiều người cậu biết đều phải nhờ qua người “dẫn mối” như vậy. Thông thường, nhờ qua các mối quan hệ, những lao động như Nhân phải đưa tiền hai – ba lần, lần đầu tiên là khi bắt đầu đi học tiếng Hàn và sau đó là chuẩn bị thi và nếu thi đỗ cũng phải đưa thêm tiền.
Năm 2011, Nghệ An là tỉnh có số người đăng ký thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc nhiều nhất cả nước. Trong tổng số hơn 66.000 lao động đăng ký thi tiếng Hàn thì Nghệ An có hơn 13.000 người. Tuy nhiên số người trúng tuyển chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ đã khiến nhiều lao động thêm tin là phải “nhờ vả” mới có thể trúng tuyển.
Theo ông Đào Công Hải, phó cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội, hàng năm có khoảng 70.000 lao động Việt Nam có nguyện vọng sang Hàn Quốc làm việc nhưng phía Hàn Quốc chỉ tiếp nhận khoảng 10.000 lao động. “Cầu nhiều cung ít khiến cho cò mồi có kẽ hở để lợi dụng”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận có thực tế cán bộ tại địa phương lợi dụng chức vụ quyền hạn để lừa đảo người lao động. Những cán bộ này làm việc trong các cơ quan đầu mối phối hợp với trung tâm lao động ngoài nước để thực hiện các thủ tục đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc. “Lợi dụng chức vụ của mình, chúng tôi đã phát hiện ra một số cán bộ hứa giúp người lao động được sang Hàn Quốc làm việc và sau đó thu tiền của người lao động. Những lời hứa này chỉ là lừa đảo”, ông Hải khẳng định.
Ông Hải cho biết, theo quy trình đang được thực hiện, người lao động tự do đăng ký thi và điểm thi sẽ được chấm trên hệ thống máy tính của phía Hàn Quốc. Trong trường hợp đủ tiêu chuẩn tiếng Hàn, người lao động được đưa hồ sơ lên hệ thống mạng cùng với lao động của 13 nước khác để chủ Hàn Quốc chọn lựa. Nếu được chủ sử dụng chọn, lúc đó người lao động mới hoàn thành các thủ tục để sang Hàn Quốc làm việc. Chi phí cho toàn bộ quá trình này là 630 USD/người. Với quy trình này, không một tổ chức, cá nhân nào có thể tác động được vào đó.
Ông Hải cho biết thêm, bắt đầu từ ngày 20/2, cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tổ chức một chương trình toạ đàm tại 11 tỉnh miền Bắc và miền Trung để giải thích rõ hơn với người lao động về quy trình này, tránh việc lao động bị lừa đảo, mất tiền cho cò mồi.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo