“Cử tri băn khoăn thu hồi đất cho phát triển kinh tế”
Trình bày tập hợp từ 1.129 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu, tân Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nhiều ý kiến chưa thật đồng tình với quy định thu hồi đất tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cử tri và nhân dân tán thành cao quy định về thu hồi đất với trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên đối với mục đích phát triển kinh tế - xã hội thì còn nhiều ý kiến băn khoăn và chưa thật sự đồng tình, ông Nhân cho biết.
Kiến nghị của cử tri là Quốc hội, Chính phủ cần có quy định chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư khi thu hồi đất, báo cáo nêu rõ.
Với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhân dân bày tỏ mong muốn Quốc hội chân thành lắng nghe, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp cần được kế thừa.
Theo ý kiến cử tri, những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta cần tiếp tục khẳng định như: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Đi vào các lĩnh vực cụ thể, báo cáo phản ánh lo lắng của cử tri khi thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo một số bệnh viện và sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng ngành y tế dẫn đến một số vi phạm nghiêm trọng, điển hình như: vụ “nhân bản” xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, thành phố Hà Nội; việc sử dụng Vaccine viêm gan B dẫn đến chết người tại Quảng Trị và một số địa phương; việc quản lý và sử dụng không đúng vật tư y tế, tài chính của một số cơ sở y tế.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và chính quyền các địa phương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những vi phạm của từng cơ quan, cá nhân trong từng cấp quản lý và công bố công khai người vi phạm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Báo cáo cũng thể hiện lo ngại của nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi diễn ra ngày càng trầm trọng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Ô nhiễm môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, điển hình như vụ chôn lấp hóa chất bị cấm và thuốc bảo vệ thực vật hết hạn không đúng quy trình, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; vụ vận chuyển, xử lý phân, rác thải từ máy bay ở sân bay Nội Bài và nhiều vụ việc khác mà báo chí đã nêu và công luận đang rất bức xúc hiện nay.
Theo kiến nghị của cử tri, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc buông lỏng quản lý về môi trường tăng mức xử phạt và xử lý nghiêm các cá nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp có hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường.
Vneconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo