“Đã kiểm soát được tình hình các ngân hàng yếu kém”
Trao đổi với chúng tôi khi nhìn lại hai năm qua, kể từ khi Trung ương Đảng có quyết định tái cơ cấu nền kinh tế mà hệ thống ngân hàng là một trọng tâm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã và đang được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình đặt ra, theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước
Ông Nghĩa nói:
- Trước hết là khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng được cải thiện và bảo đảm; kỷ cương, kỷ luật của ngành ngân hàng từng bước được nâng cao; nguy cơ đổ vỡ hệ thống được ngăn chặn; an toàn hệ thống, tiền gửi của nhân dân và tài sản của Nhà nước được bảo đảm.
Các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém có nguy cơ đổ vỡ ở thời điểm đầu năm 2012 đã được cơ cấu lại một bước quan trọng thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc có sự tham gia của nhà đầu tư mới nhằm khắc phục những yếu kém, sai phạm và tổn thất, đồng thời từng bước đưa các ngân hàng này đáp ứng các các tiêu chuẩn an toàn hoạt động.
Cho đến nay, các phương án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện và nguồn lực của khu vực tư nhân; Nhà nước chưa phải can thiệp bắt buộc đối với ngân hàng nào.
Cùng với tái cơ cấu, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các tổ chức tín dụng vẫn tích cực tăng vốn điều lệ để nâng cao khả năng đối phó rủi ro; năm 2012, vốn điều lệ của toàn hệ thống đã tăng 11,29%, 8 tháng đầu năm 2013 tăng 4,02%. Nợ xấu cũng đã tăng trưởng chậm lại; các tổ chức tín dụng đã xử lý được một khối lượng lớn nợ xấu bằng dự phòng rủi ro.
Các tổ chức tín dụng đang triển khai các giải pháp tái cơ cấu về quản trị, điều hành, đặc biệt là các hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ. Họ cũng đã tiến hành cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản theo hướng thu hẹp hoặc từng bước rút lui khỏi các lĩnh vực rủi ro cao như kinh doanh vàng, hạn chế đầu tư tài chính, cho vay đầu tư bất động sản.
Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng được tăng cường để hỗ trợ và giám sát quá trình thực hiện tái cơ cấu. Khuôn khổ pháp lý hoạt động ngân hàng và hệ thống quy chế an toàn được hoàn thiện một bước nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu và bảo đảm các tổ chức tín dụng phải hoạt động trên nền tảng an toàn, lành mạnh hơn.
Đến nay Ngân hàng Nhà nước cơ bản đã xử lý gần xong nhóm các ngân hàng yếu kém. Nhưng thực tế tình hình hoạt động, tình hình tài chính của những ngân hàng đó sau tái cơ cấu có chuyển biến tích cực không?
Các ngân hàng yếu kém được tái cơ cấu về cơ bản đã hoạt động tương đối ổn định và chuyển biến tích cực hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu.
Cụ thể, các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện; huy động vốn từ dân cư tăng khá thể hiện sự tin tưởng của người dân; nợ xấu mặc dù gia tăng trong giai đoạn đầu sau tái cơ cấu nhưng đã tích cực được xử lý và có lộ trình cụ thể để thu hồi các khoản nợ này; các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục, xử lý; hệ thống quản trị và tổ chức bộ máy, mạng lưới đã và đang được củng cố, chấn chỉnh...
Về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng yếu kém thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục giám sát chặt chẽ việc các ngân hàng thương mại thực hiện các phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt, đồng thời tiếp tục nhận diện các tổ chức tín dụng yếu kém qua công tác thanh tra, giám sát để có biện pháp tái cơ cấu thích hợp.
Nhìn lại, sau hai năm đầu thực hiện tái cơ cấu, ông thấy Ngân hàng Nhà nước gặp những khó khăn và thuận lợi gì?
Trước hết, về thuận lợi là có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ; sự quyết tâm, linh hoạt trong điều hành và thực thi chính sách của Ngân hàng Nhà nước; sự ủng hộ, đồng thuận của các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các UBND tỉnh, thành phố liên quan.
Thêm vào đó, nền tảng pháp lý ban đầu hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu như quy định về kiểm soát đặc biệt; sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng; xử lý ngân hàng yếu kém… bước đầu đã hình thành.
Ngoài ra, hầu hết các tổ chức tín dụng đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như cơ hội, thách thức trong quá trình tham gia công cuộc tái cơ cấu và đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tái cơ cấu dài hạn nhằm khắc phục tồn tại, yếu kém, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững.
Đặc biệt là dư luận xã hội ngày càng có sự đồng thuận, chia sẻ với việc triển khai tái cơ cấu của ngành ngân hàng.
Về khó khăn thì theo tôi, khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng nói chung chưa hoàn thiện.
Việc cơ cấu lại hệ thống và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định. Cơ chế, quy định trong lĩnh vực xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ trong trường hợp khách hàng vay không trả được nợ theo hợp đồng tín dụng hoặc vi phạm hợp đồng tín dụng... còn hết sức bất cập, tạo ra những chi phí đáng kể đối với các ngân hàng, đồng thời kéo dài thời gian thu hồi nợ, xử lý nợ xấu, làm suy giảm kỷ luật thị trường trong quan hệ vay mượn.
Ngoài ra, việc thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình tái cơ cấu. Kinh tế vĩ mô và điều kiện sản xuất - kinh doanh, thị trường tài chính trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, việc huy động các nguồn vốn và tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị để tham gia tái cơ cấu không thuận lợi.
Ông có nói nợ xấu đã tăng trưởng chậm lại, một khối lượng lớn nợ xấu đã được xử lý. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Trong 8 tháng đầu năm 2013, nợ xấu tăng hơn 20,15% so với cuối năm 2012, còn cùng kỳ năm 2012 là 59,2%. Dư nợ tín dụng tăng vẫn còn chậm dẫn đến tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ tín dụng tăng liên tục từ 4,08% cuối năm 2012 lên 4,64% vào tháng 8/2013.
Tốc độ tăng của nợ xấu đã chậm lại là kết quả của việc hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu như triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu; cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất; tích cực trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro; thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế nợ xấu phát sinh mới.
Trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, ước tính các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 95 ngàn tỷ đồng từ nguồn dự phòng rủi ro.
Về dài hạn, ông nói gì về triển vọng giảm nợ xấu về dưới 3% đến năm 2015?
Nếu các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã xác định và các giải pháp hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương được triển khai đồng bộ theo đúng tinh thần tại Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng về mức an toàn đến năm 2015 theo tôi là khả thi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)