Cuộc “đại phẫu” nhằm tái cơ cấu, tăng cường khả năng cạnh tranh của VNPT đã thực sự bắt đầu, với điểm nhấn chính trước mắt là giải quyết vấn đề đồng thời sở hữu 2 mạng di động VinaPhone và MobiFone.
Tháng 4/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2011. Theo đó, các cá nhân, tổ chức đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ TT&TT quy định.
Như vậy, ngoài việc sở hữu riêng một mạng di động, VNPT sẽ không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của mạng di động thứ 2 (là 1 trong 2 mạng di động VinaPhone hoặc MobiFone). Quy định này sẽ buộc VNPT phải tính toán tìm mô hình nào phù hợp cho mình. Nhưng sau 2 năm kể từ khi có Nghị định 25/2011/NĐ-CP, tình hình kinh doanh của VNPT ngày càng xuống dốc, đánh mất vị trí dẫn đầu thị trường viễn thông vào tay tập đoàn Viettel.
VNPT đang “tuột dốc không phanh”
Báo cáo năm 2013 của Bộ TT-TT cho thấy năm thứ 2 liên tiếp, “người anh cả” của ngành viễn thông Việt Nam - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - bị Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vượt qua cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Theo đó, tổng lợi nhuận toàn VNPT năm 2013 đạt 9.265 tỉ đồng, trong khi của Viettel là 35.086 tỉ đồng - gấp gần 4 lần. Tổng lợi nhuận của VNPT năm 2013 chỉ bằng khoảng 25% của Viettel.
Tổng doanh thu của VNPT năm 2013 ước đạt 119.000 tỉ đồng, nộp ngân sách đạt 7.894 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh thu của Viettel ước đạt 162.886 tỉ đồng, nộp ngân sách 17.500 tỉ đồng, thu nhập bình quân đạt 23,7 triệu đồng/người/tháng... Thực tế, doanh thu Viettel đã vượt qua VNPT từ năm 2012 khi doanh nghiệp này đạt 140.000 tỉ đồng, còn VNPT chỉ 130.500 tỉ đồng.
Có được kết quả năm 2013 không đến nỗi bết bát về lợi nhuận là nhờ VNPT đã kịp thời thay tổng giám đốc. Năm tháng sau, doanh thu VNPT tăng 1%, lợi nhuận tăng 76% so với năm 2012. Sự bứt phá này, theo lý giải của Tổng Giám đốc Trần Mạnh Hùng, là do VNPT đã tiết kiệm chi phí được 1.000 tỉ đồng.
“Tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng tâm”
Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015” đã đặt ra mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ và giải pháp cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015.
Triển khai Quyết định trên, Bộ TT&TT đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2013-2015.
Tại các cuộc họp Chính phủ thường kỳ và họp chuyên đề, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần yêu cầu VNPT sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu tập đoàn. Trong đó, điểm nhấn là sở hữu đối với 2 mạng di động MobiFone và Vinaphone.
Tại Hội nghị Tổng kết năm 2013 và Triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ngày 10/1/2014, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đã nhấn mạnh: “Tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các DNNN, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo của Chính phủ.”
Không còn là việc riêng của Tập đoàn VNPT
“Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam không còn là việc riêng của tập đoàn bởi đây là một doanh nghiệp lớn, thuộc loại trụ cột của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu trên tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ TT&TT ngày 26/12/2013.
“Việc tái cơ cấu giúp bản thân VNPT có động lực để phát triển, hoạt động hiệu quả hơn và nhằm phục vụ lợi ích cả thị trường, giúp thị trường phát triển mạnh hơn nữa” - ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Nguyên Tổng Giám đốc VNPT, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực nhận định: “VNPT trong hơn 10 năm gần đây đã có rất nhiều trì trệ, yếu kém từ chiến lược kinh doanh cho tới quản trị doanh nghiệp. Điều này đã làm cho thế mạnh của VNPT trước đó không còn là điểm mạnh nữa. Trong khi đó những điểm yếu lại không được khắc phục.”
“Vì những yếu kém như vậy, việc tái cấu trúc VNPT là việc cần phải làm khẩn trương. Bởi vì, thực tế là việc tái cơ cấu VNPT đã hơi chậm vì tình trạng hiện nay của VNPT xuống đến mức khó khăn.”
“Tuy nhiên, việc tái cấu trúc của một doanh nghiệp trước hết phải do bản thân doanh nghiệp tự làm. Các doanh nghiệp phải tự xây dựng chiến lược thị trường, chiến lược sản phẩm, cơ chế lao động, bố trí nhân sự của mình. Doanh nghiệp đã có Đề án Tái cơ cấu theo hướng dẫn của Bộ và trình Chính phủ. Tôi hy vọng Đề án sớm được thông qua.”
“Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu chính là vấn đề cơ chế quản trị doanh nghiệp. Đó là tái cấu trúc tổ chức, tái cấu trúc sản phẩm, tái cấu trúc cơ chế hoạt động, tái cấu trúc cơ chế điều hành nghiệp vụ…”, ông Mai Liêm Trực chia sẻ quan điểm.
Nên tách VinaPhone hay MobiFone?
Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra hiện nay là nên tách VinaPhone hay MobiFone ra khỏi VNPT? Việc cổ phần hóa mạng di động nào sẽ mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích hơn cho doanh nghiệp và đất nước?
Hiện tại, MobiFone đã triển khai hạch toán độc lập với VNPT và chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình cổ phần hóa, trong khi VinaPhone vẫn hạch toán phụ thuộc. Có thể thấy nếu tách VinaPhone ra khỏi VNPT, quá trình cổ phần hóa mạng di động này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc định giá doanh nghiệp, bởi đây vốn là doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc, tài sản vốn có nhiều đan xen cùng hệ thống VNPT các địa phương.
Thêm nữa, VinaPhone chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm hoạt động kinh doanh độc lập, chưa từng quản lý một mạng thông tin di động hoàn chỉnh, toàn bộ hệ thống bán hàng, cung cấp dịch vụ cũng dựa vào lực lượng và cơ sở vật chất của các đơn vị VNPT tỉnh, thành phố là chủ yếu.
Trong thực tế thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, MobiFone đã có thời gian được xem xét định giá để cổ phần hoá. Việc điều chuyển một số bộ phận kinh doanh chưa hiệu quả của VNPT sang Tổng công ty Viễn thông MobiFone sau khi tái cơ cấu cũng sẽ làm cho bức tranh tài chính của VNPT thêm rõ ràng và minh bạch.
Đồng thời khi phải hoạt động dưới sức ép cạnh tranh với hai “ông lớn” là MobiFone và Viettel, VNPT buộc phải tiến hành nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh, tất yếu dẫn đến nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ thông tin di động và các dịch vụ viễn thông khác.
Ông Mai Liêm Trực cho rằng, việc tách MobiFone ra khỏi VNPT thì trong một vài năm trước mắt, VNPT sẽ có nhiều khó khăn về mặt tài chính hơn là tách Vinaphone. Tuy nhiên, về lâu dài thì nếu tổ chức tốt, những khó khăn này sẽ được giải quyết. Do vậy, VNPT không cần quá “hốt hoảng” khi tách MobiFone ra.
“Những lợi thế của MobiFone so với VinaPhone khi tách ra thì đã rõ. Tuy nhiên, một khi tách ra mà tổ chức không tốt thì về lâu dài, MobiFone chưa chắc đã mạnh được như VinaPhone. Do vậy, vấn đề là không cần đặt quá nặng vào vấn đề tách doanh nghiệp nào. Vấn đề căn bản trong tái cấu trúc là vấn đề cơ chế quản trị doanh nghiệp”, ông Trực nhận định.
Tất cả những vấn đề trên đã được đặt ra và xem xét cẩn trọng, thấu tình, đạt lý. Nội dung dự thảo lần cuối Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT đã đề xuất phương án tách MobiFone ra khỏi VNPT, thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Thị trường viễn thông đang “nín thở” chờ sự thay đổi bởi sự tái cơ cấu thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào Đề án tái cơ cấu VNPT, đang được VNPT và Bộ TT&TT trình Chính phủ.
VietnamNet