Quốc tế

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ: Sẽ có đối đầu trên Biển Đông

(DNVN)-Theo Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai, phán quyết của tòa PCA phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông sẽ "tăng cường xung đột và thậm chí là đối đầu".

Hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai hôm 12/7 cho hay, phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế (PCA) phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông sẽ "tăng cường xung đột và thậm chí là đối đầu".

Đại sứ Cui Tiankai cũng phát biểu tại một diễn đàn quốc tế ở Washington rằng, Bắc Kinh vẫn cam kết đàm phán với các bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông - khu vực dồi dào nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và hải sản. 

 Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai (Ảnh: BBC)

Ông Tiankai phát biểu tại một diễn đàn quốc tế tại Washington rằng Bắc Kinh vẫn cam kết đàm phán với các bên trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.

Quan chức này cũng không quên đổ lỗi cho Mỹ trong việc gia tăng căng thẳng trên biển Đông khi Mỹ xoay trục về châu Á trong những năm qua. Theo ông, phán quyết của PCA "có thể sẽ mở cửa cho việc lạm dụng các thủ tục trọng tài".

"Chắc chắn nó sẽ làm xói mòn và làm suy yếu động lực của các quốc gia tham gia đàm phán và tham vấn về giải quyết tranh chấp. Nó chắc chắn sẽ tăng cường xung đột và thậm chí là đối đầu", ông Cui Tiankai nhận định. 

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền bao gồm vùng biển của gần hết các nước láng giềng trong khu vực dựa trên một định nghĩa mơ hồ về "đường chín đoạn" được tìm thấy trên một bản đồ của Trung Quốc năm 1940.

Trung Quốc đã nói rằng ngư dân của mình đã đến khu vực này trong nhiều thế kỷ nhưng tòa PCA khẳng định theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) thì không chỉ riêng Bắc Kinh có quyền kiểm soát khu vực này.

 

PCA đã ra phán quyết ủng hộ Phillipines, cụ thể bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với những vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). 

Phán quyết của PCA đưa ra hôm 12/7 cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Hoàng Nham (Scarborough) trên Biển Đông. 

Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.

Trung Quốc đã tẩy chay phán quyết của tòa và tiếp tục miêu tả phán quyết này là "trò hề". Các chuyên gia pháp lý và các chuyên gia về chính sách châu Á nhận định, Trung Quốc có nguy cơ vi phạm luật pháp quốc tế nếu họ tiếp tục tỏ thái độ thách thức và phớt lờ phán quyết của PCA. 

Mỹ - quốc gia mà Trung Quốc cáo buộc kích thích căng thẳng và quân sự hóa khu vực thông qua các cuộc tuần tra và tập trận - cho biết, phán quyết của PCA đưa ra hôm qua cần phải được tôn trọng như một phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc. 

 

"Chúng tôi chắc chắn sẽ thúc giục tất cả các bên không sử dụng điều này như cơ hội để tiến hành các hành động leo thang hoặc khiêu khích", phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest phát biểu với báo giới tại một cuộc họp báo. 

Phán quyết này có ý nghãi quan trọng vì đây là lần đầu tiên một thách thức pháp lý đã được đưa vào trong vụ tranh chấp lãnh thổ. Tòa án không có quyền lực thực thi, nhưng chiến thắng của Philippines có thể thúc đẩy các quốc gia khác đệ các đơn kiện tương tự lên PCA.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho hay, trong những tuần gần đây Washington đã chứng kiến các hoạt động quân sự hóa tiếp tục của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Ngay sau khi PCA công bố phán quyết, cả Chính phủ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần lượt ra Tuyên bố phản đối, trong khi Người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này còn đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp “cần thiết” để bảo vệ “lợi ích” của nước này ở Biển Đông.

Đại sứ Cui phát biểu tại diễn đàn CSIS rằng, Trung Quốc "sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ dòng chảy thương mại không bị ngăn chặn và chấm dứt bất cứ nỗ lực nào gây bất ổn khu vực".

Nên đọc

 

NM (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo