"Đạo báo": Hội nhập rồi, phải tử tế thôi
Theo Từ điển tiếng Việt, “đạo” có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là “phường trộm cắp”.
Chính vì vậy mới có từ đạo chích, đạo văn, đạo báo... Đạo văn đã nghe rất thường và có từ rất lâu. Còn đạo báo có lẽ chỉ mới gần đây, kể từ khi Internet bùng nổ.
Phàm đã là trộm cắp thì đương nhiên vi phạm luật pháp. Có điều kiểu trộm cắp chữ nghĩa, ý tưởng đối với người Việt chúng ta có vẻ chưa được đánh giá một cách đúng mức sự tệ hại của nó.
Mất gà mất chó có thể dẫn đến án mạng; chứ mất chữ, mất ý tưởng mấy ai để ý! Thậm chí còn xem ý tưởng là của chung, sao chép đúng như sách giáo khoa mới được điểm cao.
Mới đây, một người bạn có con học cấp II kể rằng cô giáo ra đề bài tập làm văn cho con bạn ấy như sau: Các em hãy kể lại hai ngày nghỉ cuối tuần cùng gia đình. Không ít em viết kể lại hai ngày cuối tuần là học thêm và học thêm - một chuyện hoàn toàn có thật và phổ biến.
Thế nhưng cô không chịu, cho 4 điểm! Vì yêu cầu phải viết như sách là hai ngày cuối tuần phải nghỉ ngơi, ba mẹ đưa con đi công viên, sở thú, gia đình quây quần...
Quen thế rồi, nên lúc trưởng thành, khi mua một cuốn sách, không ít người sẵn sàng ra lề đường mua một cuốn sách giá chỉ bằng nửa so với trong nhà sách.
Ngay cả những vị học hàm học vị đầy mình cũng dịch lại sách của thiên hạ rồi photo bán cho sinh viên và tự hào: Tôi giúp các em sinh viên được tiếp cận với tài liệu mới, hiện đại bằng một cái giá rất rẻ!
Trong một lần gặp gỡ với các cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần tại Hà Nội, TS Giáp Văn Dương tâm sự với chúng tôi rằng ông cùng GS Ngô Bảo Châu ấp ủ một dự án là dịch và in sách khoa học phục vụ việc giảng dạy sinh viên tại các trường đại học.
Họ đã làm việc với Oxford và được đồng ý về mặt bản quyền - dĩ nhiên là phải mua, nhưng với giá ưu đãi. Tuy nhiên, TS Dương đi gõ cửa nhiều nơi song chẳng nhận được cái gật đầu nào. Bởi cho dù Oxford có nhượng quyền với giá rẻ đi nữa cũng chẳng “lợi” bằng việc lẳng lặng lấy sách dịch ra rồi photo bán cho sinh viên!
Chuyện trong trường đại học còn thế, mong gì đến việc báo mạng không chôm chỉa. Đề cập chuyện này, có người bảo: Ở VN có báo nào chẳng chôm chỉa, cứ xem trang quốc tế thì biết. Không đồng ý, bảo rằng bây giờ không ít báo đã mua tin bài, hình ảnh của các hãng AFP, Reteurs... đàng hoàng thì họ lại “giáo sư xoay”: bây giờ thì đỡ chứ ngày xưa thì đầy.
Đúng là có thời chúng ta chưa chơi với ai, cả nước còn phải ngóng truyền hình ăn cắp sóng để xem World Cup. Nhưng bây giờ hội nhập rồi, phải thay đổi thôi. Chứ truyền hình bây giờ mà tiếp tục chôm sóng xem World Cup cho đỡ tốn hàng chục triệu USD, hậu quả thế nào sẽ biết liền.
Hội nhập rồi, chơi với thiên hạ thì phải tử tế thôi!
Theo Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo