"Đất nước các bạn rất hấp dẫn giới đầu tư Ý"
Tôi không phủ nhận hoàn toàn môi trường đầu tư của Việt Nam không hấp dẫn, mà ngược lại, đất nước các bạn rất hấp dẫn giới đầu tư Ý nói riêng và nhà đầu tư ngoại nói chung. Thế nhưng, với những thủ tục pháp lý còn nhiều cản trở hiện nay cùng với cơ sở hạ tầng chưa thật sự tương xứng cũng đang vô hình trung làm cản trở sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại.
Đó là nhận định của ông Loenzo Angeloni Trưởng đại diện, Đại Sứ quán Ý tại VN với phóng viên, trước thềm chuyến thăm của phái đoàn kinh tế Ý tới VN do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách kinh tế Ý dẫn đầu.
- Hiện nay có nhiều thương hiệu của Ý được nhắc tại VN hiện nay, sau chuyến thăm của phái đoàn kinh tế Ý tới VN, phía Ý có kế hoạch mở rộng thương hiệu ở Việt Nam như thế nào?
+Piaggio được coi là “huyền thoại Ý trên đất Việt”. Với vốn đầu tư ban đầu là 30 triệu USD khởi công nhà máy tại Việt Nam đến nay, Piaggio đã mở rộng nhà máy sản xuất, nâng công suất từ 100.000 sản phẩm lên 300.000 sản phẩm.
Microlys cũng là một cái tên được nhắc nhiều trong cộng đồng doanh nghiệp Ý đầu tư tại Việt Nam. Với mặt hàng là đầu máy in kim, nhiều năm trước, Microlys đến tìm hiểu thị trường và nhận thấy nhu cầu khá lớn tại Việt Nam nên đã thành lập văn phòng đại diện tại đây. Năm 2011, Microlys đã đầu tư mở nhà máy tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM). Tuy nhà máy không phải là quá lớn nhưng mang lại doanh thu gấp 4 lần nhà máy tại Ý.
Trong lĩnh vực mỹ phẩm, thời trang, rượu vang, nhiều doanh nghiệp Ý cũng đã có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hiện, các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm như Bvlgari, Giorgio Armani, Versace, Funy Moschino, Ferrari... đang rất được giới tiêu dùng trung lưu yêu thích.
-Mặc dù có nhiều thương hiệu nổi tiếng, tuy nhiên mới chỉ có 36 Cty và 40 công ty có chi nhánh và văn phòng đại diện tại Việt Nam. Con số này có phải là quá ít không thưa ông?
+Đúng là so với những tiềm lực sẵn có của giới đầu tư Ý thì con số trên hiện còn rất hạn chế. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, giới đầu tư Ý rất cẩn trọng với môi trường đầu tư, nghĩa là khi đầu tư họ phải cân nhắc lợi ích xem xét những yếu tố thuận lợi cho hoạt động kinh doanh tại nước sở tại. Mặt khác, xét về mặt khoảng cách vị trí địa lý thì các doanh nghiệp Ý không có nhiều thuận lợi như các doanh nghiệp trong khu vực khi đầu tư tại Việt Nam. Hơn nữa, mặc dù Chính phủ Ý đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư ngoài nước, nhưng những chính sách này vẫn chưa thật tạo động lực giúp giới doanh nghiệp Ý vươn ra đầu tư ngoài nước.
-Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Ý?
+Tôi không phủ nhận hoàn toàn môi trường đầu tư của Việt Nam không hấp dẫn, mà ngược lại, đất nước các bạn rất hấp dẫn giới đầu tư Ý nói riêng và nhà đầu tư ngoại nói chung. Thế nhưng, với những thủ tục pháp lý còn nhiều cản trở hiện nay cùng với cơ sở hạ tầng chưa thật sự tương xứng cũng đang vô hình trung làm cản trở sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại.
Do vậy, phía Chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp mạnh để khuyến khích phát triển kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính dễ dàng hơn và quyền sở hữu để thu hút các nhà đầu tư… Đồng thời, Việt Nam cũng nên giải quyết các thử thách về tham nhũng và khuyến khích doanh nghiệp cùng hợp tác phát hiện tham nhũng. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có cơ hội rất lớn và chính phủ đủ khả năng cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn.
-Theo ông, trong số 100 doanh nghiệp Ý đến Việt Nam lần này sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp tìm được cơ hội đầu tư vào Việt Nam?
+Theo dự báo, làn sóng đầu tư từ Ý sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, với nhiều ngành nghề mới tạo nên một làn sóng đầu tư mới và đương nhiên không chỉ dùng lại con số 100 doanh nghiệp lần này mà sẽ còn nhiều hơn nữa. Bởi lẽ, song song với hoạt động thương mại của Thương vụ Ý tại Việt Nam thì, Phòng Thương mại Ý, Thương vụ Ý (Icham) cũng sẽ luôn giới thiệu đến doanh nghiệp Ý những kiến thức cần trang bị cũng như các thủ tục hành chính, tư vấn pháp luật và cácđơn vị cần hợp tác khi làm ăn tại Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016, thông qua Icham, nhiều đoàn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ý sẽ sang Việt Nam theo từng nhóm kinh doanh chuyên ngành như mỹ phẩm, nước giải khát có gas, thực phẩm... để tìm nhà phân phối hoặc liên doanh đầu tư nhà máy sản xuất.
Tôi phải khắng định rằng, mặc dù doanh nghiệp Ý không mạnh như Nhật, Mỹ hay Trung Quốc, nhưng những năm qua đầu tư vào Việt Nam từ Ý đã tăng rõ rệt. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp Ý tại Việt Nam khiến Chính phủ Ý mới đây đã quyết định chi 2 tỷ euro để giúp doanh nghiệp mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đây thật sự là cơ hội mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Ý và Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Cột tin quảng cáo