“Điểm yếu” trong vụ khám tiệm vàng chấn động
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích rõ hơn tính pháp lý của vụ khám xét tiệm vàng Hoàng Mai gây chấn động mà chúng tôi thông tin.
Khám xét lẫn lập biên bản quả tang đều… không đúng
PV: Mới đây, UBND TP.HCM ra quyết định phạt 400 triệu đồng với ông Dương Công Kiên vụ tiệm vàng Hoàng Mai, được xác định dựa trên quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, số 2446 ngày 23/4/2014 của Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh. Ông nhận xét gì về quyết định 2446?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Có thể khẳng định, quyết định 2446 của Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh là chưa đúng quy định pháp luật.
Theo khoản 1 điều 129 luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ, ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”. Rõ ràng khi khám xét tiệm vàng Hoàng Mai, trước đó chưa hề có biên bản vi phạm hành chính nào được lập, nhằm xác định hành vi vi phạm hành chính để ra quyết định khám xét.
Cũng tại khoản 2 điều luật này, thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp quận, huyện chỉ là cho phép khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở. Còn việc khám xét này là tiệm vàng Hoàng Mai thuộc công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai.
Quyết định khám xét ghi ngày 23/4/2014, trước 1 ngày khám xét, cũng không đúng.
PV: Quyết định xử phạt 400 triệu đồng với ông Kiên cũng căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính số 26 do CA Q.Bình Thạnh lập ngày 19/5. Trước đó, CA Q.Bình Thạnh lập biên bản vi phạm hành chính ngày 24/4 với ông Kiên về hành vi mua bán ngoại tệ trái phép? Theo giải thích của đại diện CA TP.HCM, biên bản lập ngày 19/5 là để lập lại cho đúng với lỗi hoạt động ngoại hối trái phép của ông Kiên?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Luật xử lý vi phạm hành chính không có quy định nào về việc người có thẩm quyền có quyền lập lại biên bản vi phạm hành chính cho phù hợp với lỗi vi phạm.
Theo khoản 1 điều 58 luật xử lý vi phạm hành chính, “khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản…”. Còn theo khoản 3 điều 6 nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, “một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần…”
Dù CA Q.Bình Thạnh lập biên bản vi phạm hành chính ngày 24/4 hay lập lại biên bản vi phạm hành chính ngày 19/5 thì cũng đảm bảo quy định pháp luật. Nếu đúng như ông Kiên nói, CA lập biên bản vi phạm hành chính không giao cho ông 1 bản nào thì cũng không đúng quy định.
Như vậy, việc lập biên bản vi phạm hành chính ngày 24/4 (nếu có) và biên bản số 26 ngày 19/5 của CA Q.Bình Thạnh là chưa đúng quy định pháp luật.
PV: Ông Dương Công Kiên nói, mình không phải là nhân viên tiệm vàng Hoàng Mai. Trong khi quyết định xử phạt ông 400 triệu đồng của UBND TP.HCM lại khẳng định điều này?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Nếu cho rằng ông Kiên là nhân viên của công ty Hoàng Mai thì phải có thỏa thuận thử việc hoặc hợp đồng lao động giữa ông Kiên (người lao động) với công ty Hoàng Mai (người sử dụng lao động). Nếu không có căn cứ như trên và ông Kiên, công ty Hoàng Mai không thừa nhận thì không thể khẳng định như vậy được.
Mua bán ngoại tệ hay hoạt động ngoại hối?
PV: Ông Kiên cho rằng số tiền 100 USD mà CA Q.Bình Thạnh thu giữ không phải là tiền thu đổi ngoại tệ trái phép mà là tiền trong két sắt của giám đốc công ty Hoàng Mai. Ông ý kiến gì?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Về nguyên tắc việc chứng minh thuộc về cơ quan hoặc người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính.
PV: Có luồng dư luận cho rằng, hành vi vi phạm (nếu có) của ông Kiên là hành vi mua, bán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật. Còn luồng quan điểm khác cho rằng hành vi vi phạm (nếu có) của ông Kiên là hoạt động ngoại hối không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép. Ông nhận định như thế nào?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Hiện nay trong điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) về giải thích từ ngữ thì không có một giải thích nào về thế nào là mua, bán ngoại tệ.
Nếu căn cứ vào Pháp lệnh ngoại hối thì khó có thể xác định được hành vi thu đổi ngoại tệ là mua, bán ngoại tệ hay đó là hoạt động ngoại hối. Vì vậy, việc này cần phải có sự giải thích từ ngữ trong Pháp lệnh và thẩm quyền giải thích pháp lệnh là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
PV: Nhưng thưa luật sư, thực tiễn thì rất ít khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật hay pháp lệnh. Vậy giải quyết việc này, có cách nào khác không?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Căn cứ ra quyết định xử phạt hành chính là Nghị định 202/2004/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 95/2011/NĐ-CP). Vì vậy, trong quá trình giải quyết tại vụ kiện hành chính (nếu có) thì tòa án thụ lý giải quyết có thể đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản nêu ý kiến. Trên cơ sở này tòa án sẽ tham khảo để ra phán quyết. Hiện nay chỉ có thể giải quyết như nói trên.
Thực tế cần có sự giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định 202/2004/NĐ-CP, Nghị định 95/2011/NĐ-CP để thống nhất hình thức xử lý vi phạm hành chính.
PV: Theo phía ông Kiên cung cấp thì quyết định 327 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký ngày 5/6 về việc xử phạt hành chính ông số tiền 400 triệu đồng, có đóng dấu “tối mật”. Vậy có đúng không?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Theo quy định từ khoản 1 đến khoản 7 của điều 6 Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước thì quyết định 327 này không thuộc đối tượng nào. Đồng thời, tôi cũng không tìm thấy quy định việc một quyết định xử phạt hành chính thuộc “tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ tối mật.” Theo tôi việc đóng dấu “tối mật” với văn bản cá biệt như quyết định xử phạt hành chính là chưa đúng.
Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính thì, “việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;”. Thậm chí một số trường hợp còn được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính theo điều 72, Luật xử lý vi phạm hành chính.
PV: Hiện ông Kiên đang khiếu nại quyết định do Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký, xử phạt ông 400 triệu đồng; trong trường hợp UBND TP.HCM bác đơn khiếu nại thì ông Kiên có thể làm gì trong trường hợp này?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Trong trường hợp ông Kiên bị bác đơn khiếu nại thì ông hoàn toàn có quyền khởi kiện quyết định nói trên tại TAND TP.HCM theo quy định của luật tố tụng hành chính.
Xin cám ơn luật sư
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo