Pháp luật

"Dính líu" tới vụ án Phạm Công Danh: Con gái Dr Thanh nói gì?

(DNVN) - Nhóm nhà Trần Quý Thanh (gồm Bích, Phương, Trần Quý Thanh…, tổng cộng có 17 người gửi sổ tiết kiệm) là khách hàng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) từ năm 2012, với tên lúc đó là Ngân hàng Đại Tín...

Như tin tức đã đưa, ngày 19/7, TAND TP. HCM đã bắt đầu mở phiên sơ thẩm xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). 

Với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 158 cá nhân được tòa triệu tập. Trong danh sách đơn vị được triệu tập có công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Quốc Cường (tức Cường đôla) là Chủ tịch HĐTV...

Bên cạnh đó, hàng loạt pháp nhân, đơn vị cũng được triệu tập đến tòa để tham gia tố tụng như: đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số ngân hàng, đại diện Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự thành phố Đà Nẵng, đại diện Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; đại diện Tập đoàn Thiên Thanh...

Đáng chú ý, trong danh sách các công ty được triệu tập đến tòa có bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát) và cha bà Bích là ông Trần Quý Thanh (Dr. Thanh). Bà Bích và một số người thân có mời luật sư tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ án.

Đặc biệt, trong ngày xét xử thứ 3 vào ngày 21/7, lời khai trước tòa của Phan Thành Mai – nguyên Tổng giám đốc VNCB, về khoản tiền gửi 5.490 tỷ đồng của Trần Ngọc Bích đã khiến nhiều người không khỏi giật mình. Mai nói chỉ ký giấy tờ để hợp thức hóa hồ sơ, còn toàn bộ số tiền đã được giải ngân trước đó.

Trao đổi với báo Tri Thức Trẻ về khoản tiền gửi 5.490 tỷ đồng đang mắc kẹt tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), bà Trần Uyên Phương (con gái ông Trần Quý Thanh) cho biết: “Đây là vụ việc cá nhân của Trần Ngọc Bích và nhiều cá nhân khác nữa”. Bà Bích là em gái của Uyên Phương.

Bà Trần Uyên Phương, con gái ông Trần Quý Thanh - Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Ảnh: Tri Thức Trẻ.

Theo bà Phương, nhóm nhà Trần Quý Thanh (gồm Bích, Phương, Trần Quý Thanh…, tổng cộng có 17 người gửi sổ tiết kiệm) là khách hàng tại VNCB từ năm 2012, với tên lúc đó là Ngân hàng Đại Tín. Đầu năm 2013, nhóm nhà ông Trần Quý Thanh thế chấp các sổ tiết kiệm gửi dài hạn dể vay ngắn hạn. “Chúng tôi luôn thực hiện việc trả lãi và trả gốc đầy đủ đúng hạn với ngân hàng”, bà Uyên Phương khẳng định.
Tuy nhiên, bà Uyên Phương cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang đề nghị ngân hàng dùng tiền gửi của trên tài khoản của Trần Ngọc Bích để tất toán các khoản vay tại ngân hàng, nhưng ngân hàng không thực hiện được do tiền đã bị tự ý chuyển ra khỏi tài khoản”.

Theo bà Uyên Phương, những sai phạm này cần sự trả lời của VNCB vì VNCB chịu sự giám sát đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn rút được số tiền lớn từ tài khoản khách hàng mà không có chữ ký của khách hàng.

Trong khi đó, khi được tòa hỏi, Phan Thành Mai – nguyên Tổng giám đốc VNCB cho biết, tội danh cáo trạng truy tố với mình không sai, nhưng riêng việc ký biên bản đối với số tiền 5.490 tỷ đồng của Trần Ngọc Bích thì Mai chỉ ký để hợp thức hóa hồ sơ. Toàn bộ số tiền đã được giải ngân trước đó.

Về mối quan hệ với Trần Ngọc Bích và nhóm gửi tiền nhà ông Trần Quý Thanh, Phạm Công Danh khai trước đó, phải trả lãi thêm 2-4%/tháng tùy từng thời điểm và đã chi tới 2.500 tỷ đồng lãi ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra chỉ thu thập được từ Tập đoàn Thiên Thanh một số chứng từ trả tiền cho nhóm Trần Ngọc Bích trên 730,56 tỷ đồng. Các chứng cứ này không thể hiện rõ ràng việc thỏa thuận chi lãi ngoài mà chỉ là chứng từ chuyển tiền hoặc giấy viết tay nhận tiền nên không có cơ sở kết luận việc chi lãi ngoài của Phạm Công Danh cho nhóm Trần Ngọc Bích là bao nhiêu.

Trong khi đó, bà Trần Uyên Phương khẳng định, mức lãi suất gửi tiền của nhóm Trần Ngọc Bích tại VNCB không cao hơn mặt bằng thị trường nhiều. “Tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu nhưng chỉ cao hơn mặt bằng chung một chút thôi”, bà Phương nói. Về việc gửi tiền, rồi vay qua lại của VNCB với tần suất khá dày, bà Phương cho biết, khi có nhu cầu sử dụng cho sản xuất kinh doanh thì thế chấp các sổ tiết kiệm để vay ngân hàng.

 

Còn về lời khai của Phan Thành Mai liên quan đến khoản tiền 5.490 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích "chỉ ký để hợp thức hóa hồ sơ. Toàn bộ số tiền đã được giải ngân trước đó", bà Uyên Phương nói: "Chúng tôi vay theo đúng thủ tục và quy định của ngân hàng, còn phải thế chấp bằng sổ tiết kiệm".

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo