"Doanh nhân giang hồ" Dũng “mặt sắt” và chiêu buôn lậu xe hơi siêu đẳng
Mới đây, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án buôn lậu hàng trăm xe hơi do Dũng “mặt sắt” cầm đầu và đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 22 bị can về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Trong tài liệu của cơ quan điều tra đã chỉ ra rõ con đường phạm tội tinh vi của Dũng "mặt sắt" khi một kẻ giang hồ khét tiếng núp dưới lớp vỏ giám đốc của một công ty.
Hà Tuấn Dũng (40 tuổi, ở Móng Cái, Quảng Ninh) thường được giới giang hồ gọi với cái tên Dũng “mặt sắt”. Cầm tinh con hổ, tính tình dứt khoát, quyết liệt sau nhiều năm lăn lộn Dũng đã tạo dựng được uy thế riêng cho mình, những kẻ có máu mặt ở đất Quảng Ninh chẳng ai không biết và kiêng nể.
Về con đường bước lên vị thế “ông trùm” của Hà Tuấn Dũng bắt đầu từ khi giang hồ cộm cán Phương "ninh hột" (Nguyễn Tiến Phương, SN 1957, quê Móng Cái, Quảng Ninh) bị sa lưới pháp luật.
Năm 2004 Dũng vẫn chỉ là một doanh nghiệp buôn bán nhỏ, chưa có thế lực hay số má gì ở Móng Cái. Ít lâu sau, Dũng (và nhiều doanh nghiệp khác) đều nhận thấy miếng mồi béo bở khi tham gia thị trường tạm nhập tái xuất ở đây. Vậy là Dũng mon men xin làm "chân sai vặt" cho ông trùm Phương "ninh hột".
Bằng tài luồn lách của mình, Dũng dần dà được "lên số". Đến thời điểm tháng 6/2009 (khi mà Phương "ninh hột" chưa bị bắt), Dũng được giới giang hồ xếp hàng số 3 (sau Phương và một ông trùm khác là C. "ngô"). Muốn vươn lên địa vị thống trị vùng biên, Dũng cùng với em rể là Nguyễn Hữu Vinh (tức Vinh "trắng" - Phó Giám đốc Công ty Hồng Kông) tương kế tựu kế để tiêu diệt anh em Phương "ninh hột", Chung "ninh hột". Đó chính là vụ án "Lục Chắn" từng một thời khiến đất mỏ dậy sóng năm 2009.
Sau khi lên vị trí số 1, dưới danh nghĩa của một doanh nhân điều hành công ty TNHH Tuấn Đông, Hà Tuấn Dũng đã móc nối với một số cán bộ hải quan thực hiện hàng loạt vụ buôn lậu xe hơi kiếm lời hàng trăm tỉ đồng.
Cho đến thời điểm đêm 5/5, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục VI, hàng trăm CBCS của tổ công tác đặc biệt của Tổng cục VI, lực lượng Cảnh sát cơ động - Bộ Công an và lực lượng đặc nhiệm phòng chống ma túy - Bộ Tư lệnh Biên phòng đã phối hợp triệt phá đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh do Hà Tuấn Dũng, tức Dũng “mặt sắt” cầm đầu.
Tại thời điểm bắt giữ, cơ quan CSĐT kiểm tra thực tế tại khu vực cửa khẩu, phát hiện và thu giữ 36 xe ôtô hạng sang, hạng “siêu xe” gồm: 1 xe Maybach 62S; 2 xe Ferrari; 1 xe Maserati; 3 xe Porsche Cayenne; 4 xe BMW 750; 5 xe Audi (A6, A8, Q7,S8); 12 xe Range Rover và Land Rover; 7 xe Mercedes (GL450, GL550, S550, S600); 1 xe Toyota FJ Cruser đang để trong chợ và sân trong khu vực cửa khẩu. Trong số này, có nhiều chiếc xe đã gắn biển kiểm soát nước ngoài.
Tiếp đó, vào những ngày sau đó, cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã thu giữ được 19 xe ôtô nữa liên quan đến vụ án, nâng tổng số xe tang vật thu giữ đợt đầu là 55 chiếc. Kiểm tra tất cả 55 xe bị tạm giữ nói trên, cơ quan Công an đều phát hiện số Vin thực tế của các xe không đúng số Vin mà các doanh nghiệp kê khai trong hồ sơ tạm nhập, tái xuất với cơ quan Hải quan (sai các ký tự, năm sản xuất của xe trong dãy số Vin).
Tất cả các xe trên đều không có tài liệu chứng minh xuất xứ của xe, chỉ có vận đơn của các hãng tàu chuyển cho doanh nghiệp Việt Nam nơi nhận hàng. Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an cũng cho thấy, toàn bộ 55 xe ôtô bị tạm giữ đều là xe đã qua sử dụng.
Theo lời khai của các đối tượng, đặc biệt là lời khai của các đối tượng thuộc các doanh nghiệp đã có các tờ khai tạm nhập, tái xuất các lô hàng “siêu xe” ôtô bị thu giữ nói trên thì tất cả các hợp đồng kinh tế mua bán xe với các pháp nhân nước ngoài (nơi mua và bán) trong hồ sơ kê khai với Hải quan chỉ là hình thức, do họ tự tạo dựng ra để nhập khẩu, xuất khẩu xe ôtô theo hình thức tạm nhập, tái xuất xe mới (chưa qua sử dụng). Nhưng thực tế, việc nhập, xuất này đều thực hiện theo sự điều hành của một số đối tượng người Trung Quốc từ cuối năm 2012.
Tất cả những xe này đều là xe cũ, đã qua sử dụng và các đối tượng đã phải bỏ ra khá nhiều tiền để sửa chữa xe. Và để phù phép cho các xe ôtô này trở thành ôtô mới, được thông quan (nhập khẩu) và vận chuyển sang Trung Quốc (tái xuất) một cách dễ dàng, các doanh nghiệp trên đã phải viện đến Dũng “mặt sắt” để đối tượng này “bao biên” giúp, hoặc móc ngoặc với một số cán bộ hải quan thoái hóa biến chất…
Cho đến thời điểm này, cơ quan điều tra xác định, riêng qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh, các đối tượng đã vận chuyển trái phép hơn 1 nghìn xe ôtô các loại, liên quan đến 7 doanh nghiệp đứng ra làm thủ tục mở tờ khai tạm nhập, tái xuất.
Đồng thời, khi phát hiện thủ đoạn phạm tội của các đối tượng trong việc lợi dụng chính sách “tạm nhập, tái xuất” của Nhà nước ta, cơ quan CSĐT đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan, yêu cầu kiểm tra, rà soát lại tất cả các cửa khẩu ở Hải Phòng và Quảng Ninh để phát hiện những xe ôtô thuộc diện vi phạm nói trên.
Qua đó, Tổng cục Hải quan đã phát hiện 144 xe ôtô đã được thông quan tại một số cửa khẩu đang chờ tái xuất liên quan đến các đối tượng trong vụ án để chuyển cho cơ quan CSĐT- Bộ Công an xử lý (như phần đầu bài viết đã đề cập đến). Qua giám định, Tổng cục Hải quan đã có kết luận, toàn bộ 144 xe nói trên đều là xe ôtô đã qua sử dụng.
Điều đáng nói rằng, trong vụ án này, để các đối tượng có thể lộng hành, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng nghìn xe ôtô qua biên giới trong một thời gian dài thì không thể không nói đến trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng.
Tất cả các xe ôtô do bọn Dũng “mặt sắt” và các doanh nghiệp liên quan nhập khẩu, tái xuất tại Chi cục Hải quan Cái Lân. Thế nhưng, không hiểu kiểm tra, giám sát kiểu gì mà các cán bộ hải quan ở đây vẫn cho rằng các xe ôtô đã qua sử dụng kia là xe mới, lại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn cho thông quan.
Sau khi làm các thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cảng Cái Lân, Chi cục Hải quan nơi này đã làm thủ tục chuyển cho Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh để giám sát xuất.
Ở cửa khẩu này, đáng nhẽ các hàng hóa tái xuất phải được đưa qua một cửa chính thống (có các cơ quan chức năng giám sát xuất làm việc), thì hơn 1 nghìn chiếc xe ôtô do 7 doanh nghiệp liên quan trong vụ án mở tờ khai đã lần lượt được đi theo đường riêng (qua lòng cống, theo đường mòn) sang Trung Quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo