Chân dung

“Đồng thuận, cùng nhìn về một hướng mới tạo nên cá tính văn hóa cho thương hiệu ”

(DNHN) Thân thiện, luôn nở nụ cười... nhưng lại là người mạnh mẽ, ông luôn có những quyết định táo bạo vào những thời điểm cam go. Ông cũng không bao giờ chờ cơ hội mà luôn tìm cách tạo ra nó để dẫn dắt cộng sự của mình vào guồng quay của những đơn hàng – Ông là doanh nhân Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu – APROCIMEX.

Doanh nhân  Đoàn Trọng Lý  hiện là UVTV Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, UV BCH TW Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu – APROCIMEX. Từ bờ vực phá sản cách đây hơn 10 năm, đến nay APROCIMEX đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu chuyên cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho hơn 400 đơn vị, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc. Trong lúc nhiều doanh nghiệp khốn đốn vì khủng hoảng kinh tế thì Aprocimex  vẫn là doanh nghiệp hàng đầu ở ngành hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với doanh thu năm 2012 đạt trên 900 tỷ đồng, chia lợi cổ tức lên đến 15%.

 

 

 



Thước đo trong kinh doanh là lợi nhuận. Lợi nhuận càng nhiều chứng tỏ doanh nghiệp ăn ra, làm nên. Chính vì thế, không ít doanh nghiệp, doanh nhân bất chấp tất cả để kiếm được nhiều tiền cho bản thân, cho doanh nghiệp của mình. Và cũng không ít doanh nhân, doanh nghiệp phải trả giá... Tranh luận về vấn đề này, Doanh nhân  Đoàn Trọng Lý nghĩ khác hơn. “Để thể hiện được là một nhà quản lý tài ba thì kinh doanh phải đạt tới lợi nhuận, doanh thu...” Ông nói. “Tuy nhiên trong kinh doanh cũng có những lúc phạm phải sai lầm nhưng lợi nhuận không phải là tất cả... Thương hiệu còn thì Công ty còn, thương hiệu của mỗi doanh nghiệp được  xây dựng bắt đầu từ chính hoài bão của người lãnh đạo doanh nghiệp. Nên dù vai trò, trách nhiệm khác nhau, tất cả phải đồng thuận, cùng nhìn về một hướng trong việc tạo nên cá tính văn hóa cho thương hiệu của mình...”

Ông Lý bộc bạch: Aprocimex hướng tới mục tiêu “Đồng hành cùng sự phát triển của bạn hàng”, “tất cả cùng phát triển”. Chúng tôi không cho phép cạnh tranh với động cơ loại trừ, tiêu diệt lẫn nhau. Hơn thế, theo tôi, cạnh tranh trong thời kinh tế hội nhập phải hiểu như một triết lý mềm dẻo, lấy sự kết nối làm sức mạnh; sự nhân ái dựa trên nền tảng đạo đức của cộng đồng. Đối với tôi, một doanh nghiệp thành công là làm ra nhiều lợi nhuận từ hoạt động hợp pháp, giữ được chữ tín, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, tạo cho người lao động có môi trường làm việc phù hợp, có cơ hội phát  huy tài năng và có nhiều khẳ năng tự làm giàu cho chính mình... và đặc biệt, chia sẻ lợi nhuận dựa trên khả năng cống hiến, hay hoạt động từ thiện cũng phải đúng nghĩa. Chính vì thế trong suốt hơn 10 năm qua tôi luôn canh cánh, làm sao “tạo, giữ nếp nhà” trong một môi trường đồng thuận cùng phát triển, tất cả cho một thương hiệu.

 

 



Ông đã điều hành và dẫn dắt Aprocimex hơn một thập kỷ. Vậy ông có thể chia sẻ những trải nghiệm của mình?

Doanh nhân Đoàn Trọng Lý:  Theo tôi, không thể lãnh đạo, điều hành tốt một doanh nghiệp nếu không tường tận ngõ ngách... có như thế mới giúp cho mình có thêm kinh nghiệm, quyết định đúng, những quan hệ đúng trong điều hành. Hơn nữa sự thành công của bất cứ doanh nghiệp nào, cũng không thể là sự thành công đơn lẻ, mà bởi sự thành công của đối tác, bạn bè, duy trì và phát triển những quan hệ đối tác, nhất là đối tác chiến lược. Dòng chảy nào cũng mạnh lên khi nó được kết nối thông thương với những dòng chảy khác. Aprocimex cũng không nằm ngoài quy luật đó.


Nhưng thành công của bất cứ doanh nghiệp nào cũng không thể không nói đến người đứng đầu, thưa ông?

Doanh nhân Đoàn Trọng Lý:  Tinh thần Aprocimex chính là keo gắn kết để tạo nên một thương hiệu đồng nhất, tôi chỉ may mắn được là  một trong những đại sứ đi tiên phong trong cuộc hành trình xây dựng và phát triển Aprocimex thành một thương hiệu mạnh. Tôi luôn tự hào về một tập thể “làm hết sức, chơi hết mình”.

Tôi chỉ đơn cử, trong mấy năm  vừa qua các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn do khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngân hàng thắt chặt tín dụng... trong lúc đó các đơn hàng mà Aprocimex đã nhận thì lại rất cần vốn. Tôi đã huy động tất cả các nguồn lục; quỹ trong công ty, vốn cá nhân, khách hàng... có nhiều góp nhiều, có ít góp ít... để cùng công ty “vượt cạn”... tất cả đã đồng hành cùng tôi. Qua đó mới thấy được giá trị công sức và tâm huyết của mỗi nhân viên, trước hết là vì cái chung. Tôi nghĩ, để làm được điều này, trước hết phải tôi phải gương mẫu, trong sạch. Nếu tôi không minh bạch, thì những lúc khó khăn như thế này nhân viên, khách hàng sẽ quay lưng lại với tôi.

Là một doanh nhân thành đạt và là người  “có duyên” với giới truyền thông, trên cương vị là UVTV Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, UV BCH Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông có nhận định gì về tình hình phát triển các doanh nghiệp ngành nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nói riêng?

Doanh nhân Đoàn Trọng Lý:  Rất nhiều công ty, DN sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa đã phá sản. Nguyên nhân là các công ty đó không trụ được trước tình hình khó khăn hiện nay: tỷ giá tăng, lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng lại không tiếp cận được nguồn vốn, các chi phí đầu vào như xăng, dầu, điện, nước, cước vận tải, tiền lương, tiền công… đều tăng chóng mặt. Thị trường thức ăn và chăn nuôi bây giờ gần như đã để cho các DN nước ngoài lấn át hết rồi, các DN trong nước đang ngày một yếu, không thể cạnh tranh nổi. Hầu hết các DN chăn nuôi và sản xuất thức ăn hiện nay rất khó vay được vốn phục vụ sản xuất nên đành hoạt động cầm chừng. Các ngân hàng công bố lãi suất thấp nhất là 12-13% nhưng cộng mọi chi phí vào thì lãi suất vay cũng lên tới 14-15%.


Chưa kể, nhiều DN thậm chí không vay được do là đối tượng rủi ro cao. Kể cả các công ty nước ngoài chỉ vay với lãi suất 2-3%/năm nhưng cũng phải “bỏ của chạy lấy người”, bỏ lại vị trí, bỏ lại trang thiết bị và đội ngũ công nhân để về nước. Nhiều công ty TACN trong nước đóng cửa, chuyển sang buôn nguyên liệu. Với lĩnh vực sản xuất TACN thủy sản, đã có hơn 30% DN chế biến thức ăn cho cá, tôm đã đóng cửa trong năm 2012. Trong khi chi phí đầu vào tăng cao thì giá sản phẩm của DN và nông dân lại giảm. Các DN trong nước khi nhập khẩu nguyên liệu, do không nắm vững luật thương mại quốc tế, nên cũng đang gặp nhiều khó khăn, bị “xù” hợp đồng rất nhiều mà không kiện được. Đang có một sự tái cấu trúc lại ngành này TACN theo hướng các DN nhỏ lẻ “chết” dần, chỉ còn lại các “đại gia” hoạt động theo quy mô công nghiệp là sản xuất thức ăn gia súc kết hợp chăn nuôi và giết mổ, chế biến… Để có thể làm được như thế, việc liên kết các DN trong nước lại với nhau để cùng tồn tại và phát triển là yêu cầu bắt buộc hiện nay. Sắp xếp lại DN, giảm thiểu tối đa các chi phí, xây dựng chiến lược phát triển hợp lý, bền vững… là những điều các DN cần chú trọng thời gian tới.

Năm 2013 tiếp tục sẽ là một khó khăn cho các doanh nghiệp, vậy ông định hướng gì để Aprocimex tiếp tục có những bước phát triển bền vững?

 Doanh nhân Đoàn Trọng Lý:  Ban giám đốc đã xác định năm 2013 tiếp tục sẽ gặp nhiều khó khăn,  tuy nhiên chúng tôi quyết tâm phấn đấu làm sao doanh thu năm 2013 đạt 1000 tỷ mà năm 2012 doanh thu đạt 905 tỷ thì 1000 tỷ chẳng là có gì là khó nhưng đó chỉ là trên lý thuyết còn trong thực tế sẽ rất là khó, làm được 1000 tỷ nhưng an toàn thì rất là khó, tiền ở đâu để quay vòng ra 1000 tỷ là cả vấn đề.

Hiên tại trong tay tài sản và tiền mặt không phải là nhiều, buộc chúng tôi phải hết sức thận trọng, làm hết sức bài bản, chỉ cần làm mất một cú nào lớn thì chắc chắn ngân hàng sẽ không cho vay và sẽ không trả được nợ, cho nên phải giữ được mối quan hệ uy tín vay mượn và trả, giữ được đồng vốn cho nó tốt, đấy là quan điểm định hướng phát triển của Aprocimex trong thời gian tới. Và đồng thời làm phải thận trọng, phải phát triển nhưng phát triển bền vững, một điều cốt lỗi là phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh và quản trị, bố trí nhân lực một cách hợp lý, tiết kiệm tối đa các chi phí trong sản xuất kinh doanh, không được lãng phí. Đặc biệt là phải làm thế nào để đảm bảo được thu nhập, đảm bảo đời sống của cán bộ công nhân viên trong công ty để anh chị em yên tâm làm việc. Mà để đảm bảo thu nhập cho cán bộ công nhân viên thì hoạt động sản xuất kinh doanh dứt khoát phải có hiệu quả.

 

 

 



Tôi chợt thấy, Aprocimex và cá nhân doanh nhân Đoàn Trọng lý đã làm nên kỳ tích.  Năm 1997 - 2000 là một giai đoạn đầy khó khăn, kinh doanh đang bị thua lỗ hơn 4 tỷ đồng, nợ ngân hàng gần 3 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán. Công ty còn bị ngân hàng phong tỏa, không vay được vốn, đang mấp mé trên bờ vực phá sản. Thế mà chi mất 2 năm, Công ty đã bù đắp được toàn bộ số lỗ tồn đọng, cân bằng năng lực tài chính, doanh thu hàng năm có mức tăng trưởng cao, đời sống việc làm của CBCNV được ổn định và cải thiện, thực hiện tốt các chế độ nộp ngân sách  nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn… Công ty hàng năm đều được đánh giá “tài chính doanh nghiệp trong sạch”.

Cuối năm 2004, Công ty chính thức cổ phần hóa, vốn điều lệ 10 tỷ đồng trong đó phần vốn của nhà nước chỉ chiếm 17,12%, còn lại là vốn huy động từ CBCNV và các nguồn khác để đảm bảo kinh doanh. Trong năm 2012, Ban giám đốc Công ty đã tăng vốn điều lệ 40 tỷ đồng, đây là yếu tố quan trọng để giúp Aprocimex  tạo được sức bật mới, nhanh chóng mở rộng thị phần nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của bạn hàng. Đem thắc mắc này hỏi, thì ông cười “tôi là người “say” công việc, vì thế tôi chẳng ước mơ gì cao sang. Xong việc này, lại đi tìm việc khác cho ngày mai, có công việc gối đầu... để anh em Aprocimex lúc nào cũng có việc làm, có thu nhập. Những gì Aprocimex đã tạo dựng đã góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày một giàu đẹp.

 Tự đáy lòng mình, tôi thầm chúc những khát vọng của ông sẽ sớm thành hiện thực!

 

 

Phạm Hà

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo