Pháp luật

“Giả” thất nghiệp để nhận tiền bảo hiểm

Gần 100 ngàn lao động làm thủ tục lĩnh tiền bảo hiểm thất nghiệp trong 4 tháng qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tăng gấp đôi so với năm 2011. Đó thực chất chỉ là những người thất nghiệp “giả tạo”.

Thông tin trên vừa được Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết.

 

Theo ghi nhận, hiện mỗi ngày ở Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương - địa điểm làm thủ tục giải quyết bảo hiểm thất nghiệp - thu hút hàng trăm công nhân lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ đăng ký thủ tục hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp.
 
 

Ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, tính từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 100 ngàn lao động dịch chuyển việc làm, trong đó có rất nhiều công ty như may mặc, giày da có số lao động chuyển dịch lớn. Số lao động “nhảy việc” ngày càng gia tăng nhưng chưa hẳn mất việc làm hoặc thất nghiệp.

 

Có hiện tượng thất nghiệp “giả tạo” là bởi phần đông số người thất nghiệp ở đây không phải không có việc làm mà là thất nghiệp tự nguyện.

 

Trong khi đó, nhiều trường hợp có chủ ý sau một năm làm việc (đóng đủ 12 tháng) cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tìm cách nghỉ việc tạm thời, sau đó đi đăng ký thất nghiệp để được hưởng trợ cấp 3 tháng thất nghiệp (bằng 60% lương).

 

Luật Bảo hiểm thất nghiệp không ràng buộc đối với lao động bị đuổi việc hoặc xin nghỉ việc chuyển về quê vẫn được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Chính “ kẽ hở” thông thoáng này đã giúp người lao động có động cơ “nhảy việc” tràn lan ở Bình Dương.

 

Qua khảo sát mới đây, các ngành chức năng ở Bình Dương xác minh nguyên nhân chuyển dịch lao động lớn là có hiện tượng một bộ phận công nhân lao động “nhảy việc” chạy quanh các khu công nghiệp để chọn việc làm mới có mức lương cao hơn.

 

Hiện tượng “nhảy việc” còn có một phần cố ý của người lao động là để được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp “chữa cháy” trong giai đoạn xin việc làm mới. Lý do trên khiến tỷ lệ chuyển dịch lao động ở Bình Dương luôn ở mức rất cao.

 

Tuy nhiên, qua khảo sát, mặc dù có biến động lao động, chuyển dịch lớn nhưng không hề có chuyện khan hiếm lao động cung ứng cho các doanh nghiệp.

 

Cũng liên quan đến vấn đề trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, một số doanh nghiệp kiến nghị nên giảm bớt quy định trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp từ 60% xuống còn 40-50% để hạn chế nạn “nhảy việc” của công nhân lao động.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phùng Trung, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 60% trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là phù hợp, bởi hiện nay mức lương tối thiểu được các doanh nghiệp áp dụng chi trả cho người lao động bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Ý kiến này được đa số các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đồng tình ủng hộ cao.

 

Có thể thấy, Luật bảo hiểm thất nghiệp ra đời đã tác động tích cực, giúp người lao động ổn định cuộc sống sau khi thất nghiệp. Thế nhưng, luật vẫn còn “kẽ hỡ” trợ cấp không có ràng buộc khiến hàng trăm ngàn lao động lợi dụng “làm liều”.

 

Theo SKĐS

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo