Pháp luật

“Gian lận” đăng ký hộ tịch

Do những quy định khá thông thoáng của Nghị định 158/CP, nhiều trường hợp “lách luật” để gian lận xảy ra khiến cơ quan nhà nước khó kiểm soát.

 

Có thể “lách luật” khi đăng ký lại

Theo quy định của Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi đã được đăng ký, nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại. Với quy định này, thực tế hiện nay rất nhiều người thực hiện việc đăng ký lại (nhất là với những người sinh ra những năm thập niên từ 80 trở về trước, đến nay hầu như không còn lưu sổ hộ tịch gốc tại cơ quan có thẩm quyền).

Trong khi đó, nếu muốn chủ đích đăng ký khai sinh lại, dù không mất giấy khai sinh bản gốc thì họ cũng dễ dàng đăng ký lại việc sinh vì không ai buộc họ phải chứng minh bản gốc giấy tờ đã mất. Điều này tạo ra một hệ quả là dữ liệu khai sinh lại có thể sẽ khác so với bản gốc. Như vậy, nếu như muốn gian lận tuổi, hoặc muốn khai lại các dữ liệu khác như họ, tên chữ đệm, dân tộc, quê quán… thì sẽ rất đơn giản.

Cũng về vấn đề này, quá trình thực hiện Nghị định 158, Sở Tư pháp Quảng Bình thừa nhận: Việc quy định UBND cấp huyện cấp lại Giấy khai sinh, đã làm phát sinh vấn đề là có nhiều trường hợp vừa mới đăng ký lại việc sinh ở UBND cấp xã nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên có trường hợp “lách luật” bằng cách khai báo đã làm mất giấy khai sinh để có lý do cấp lại.

Với những trường hợp này, theo Sở Tư pháp Quảng Bình sau khi được cấp lại bản chính Giấy khai sinh, thì đương nhiên cùng một lúc sẽ có 2 bản chính, một do xã cấp và 1 do huyện cấp. Do đó, Sở này đề nghị chuyển thẩm quyền cấp lại giấy khai sinh cho UBND cấp xã.

Ngoài ra, Nghị định 158 cũng chỉ mới quy định cho phép cấp lại bản chính Giấy khai sinh, chưa quy định cấp lại các giấy tờ hộ tịch khác. Vì vậy trong trường hợp bị mất hoặc bị hư hỏng không sử dụng được thì chỉ được sử dụng bản sao, không có căn cứ để cấp lại bản chính.

Lưu số gốc: làm sao xác minh?

Theo Thông tư 01 hướng dẫn Nghị định 158 của Bộ Tư pháp thì trong trường hợp người đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi xuất trình được bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây, thì không cần phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi đã đăng ký hộ tịch. Như vậy, UBND cấp xã nơi cư trú thực hiện việc đăng ký lại các sự kiện hộ tịch không thể biết được nơi đăng ký hộ tịch trước đây có còn lưu sổ gốc hay không và muốn biết thì phải xác minh. Điều này rất khó bởi vấn đề thời gian và kinh phí.

Cũng theo Thông tư 01 thì trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không có căn cứ để xác định được đương sự đã đăng ký hộ tịch, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ xác nhận về việc sổ đăng ký hộ tịch của năm đó không còn lưu trữ; trong trường hợp việc hộ tịch trước đây được đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, thì do Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận. Xác nhận về việc sổ hộ tịch không còn lưu trữ được thay cho xác nhận đương sự đã đăng ký hộ tịch.

Tuy nhiên, Nghị định 158 lại không quy định đương sự phải xuất trình giấy tờ gì để chứng minh việc đã được đăng ký hộ tịch khi yêu cầu xác nhận Tờ khai đăng ký lại. Trường hợp UBND không có căn cứ để xác định được đương sự đã đăng ký hộ tịch mà vẫn xác nhận vào Tờ khai đăng ký lại và việc xác nhận này thay cho việc xác nhận đương sự đã đăng ký hộ tịch là chưa phù hợp.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định 158, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp: theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó… Theo nhiều địa phương quy định này còn chung chung nên trong quá trình thực hiện còn nhiều cách hiểu khác nhau nên áp dụng không thống nhất.

Theo Pháp luật Việt Nam

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo