Pháp luật

“Gọng kìm” siết tạm nhập tái xuất

Bất cập về tạm nhập tái xuất đã được ngành hải quan tìm nhiều biện pháp để “gác cổng” triệt để đối với loại hàng này.

Sắp tới, hải quan chỉ cho phép doanh nghiệp tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu đã đăng ký khi tạm nhập, trường hợp muốn thay đổi cửa khẩu tái xuất phải được Hải quan cửa khẩu tạm nhập chấp thuận.

Đóng seal điện tử cho container


Đây là giải pháp ngành Hải quan đưa ra nhằm bít lỗ hổng trong công tác quản lý hàng tạm nhập
tái xuất. Thực tế hiện nay, việc quản lý hàng tạm nhập tái xuất đang được áp dụng theo nội dung chỉ đạo của Nghị định số 12/2006/NĐ-CP, theo đó cho phép các mặt hàng tạm nhập tái xuất không cần phải giữ nguyên trạng mà các doanh nghiệp có thể chia nhỏ lô hàng để dễ vận chuyển và được cất giữ tại kho của doanh nghiệp. Tình trạng này đã dẫn tới doanh nghiệp lợi dụng tạm nhập để nhập về một lượng hàng lớn rồi chuyển tiêu thụ nội địa, sau đó doanh nghiệp phá sản, hoặc bỏ trốn khỏi địa chỉ đã đăng ký hoặc mất tích… mà cơ quan quản lý không xử lý được.

Việc gắn seal cho container chở hàng
tạm nhập tái xuất sẽ hạn chế được tình trạng trên. Theo lãnh đạo của ngành Hải quan, nếu đề án gắn seal điện tử lên các container hàng tạm nhập tái xuất được triển khai (dự kiến triển khai thí điểm vào năm 2013) thì các container này sẽ được theo dõi sát từ khi tạm nhập vào Việt Nam đến khi tái xuất khỏi Việt Nam cũng như quá trình di chuyển của hàng hóa trong quá trình tạm nhập tại Việt Nam. Cụ thể, tất cả hàng tạm nhập tái xuất sau khi làm thủ tục tạm nhập vào Việt Nam sẽ được niêm phong hải quan và gắn seal điện tử. Các seal này sẽ cho phép ngành hải quan có thể theo dõi sát hành trình của lô hàng thông qua trung tâm giám sát. Nếu hàng dừng quá lâu hoặc lệch tuyến đường, không đúng lộ trình, thời gian thì trung tâm sẽ cảnh báo cơ quan Hải quan, đơn vị kiểm soát phối hợp theo dõi lô hàng.

Kiểm tra trọng điểm

Là đơn vị có lưu lượng hàng
tạm nhập tái xuất lớn, cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp quyết liệt. Đối với các mặt hàng có độ rủi ro cao, trị giá lớn, có khả năng gian lận thuế như gạch lát sàn, gạch ốp tường… Cục tiến hành rà soát, đánh giá rủi ro để theo dõi, quản lí. Đặc biệt, tại chi cục Hải quan cảng Sài Gòn KV3, Chi cục đã phân công công chức thực hiện giám sát cổng cảng 24/24 giờ, tránh hiện tượng tẩu tán hàng hóa chưa làm thủ tục hải quan, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để thực hiện tốt công tác quản lí hàng hóa trên địa bàn.

Tại các cục Hải quan thực hiện công tác giám sát
tái xuất như Vĩnh Long, Cao Bằng…, công tác giám sát hàng tạm nhập tái xuất luôn được quan tâm sát sao. Khi nhận được thông tin từ Chi cục hải quan làm thủ tục, các đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra doanh nghiệp đã đưa hàng đến khu vực cửa khẩu để tái xuất chưa. Trường hợp quá thời hạn quy định doanh nghiệp không đưa hàng đến cửa khẩu tái xuất, đơn vị sẽ hồi báo cho chi cục nơi doanh nghiệp mở tờ khai kiểm tra, đồng thời thông báo cho Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp cùng xác minh về hành trình của lô hàng. Trường hợp hàng hoá được đưa đến cửa khẩu sẽ được yêu cầu đưa vào địa điểm để kiểm tra số container, số kẹp chì niêm phong hải quan, chụp ảnh lô hàng… và giám sát cho đến khi doanh nghiệp tái xuất hết toàn bộ lô hàng. Sau khi doanh nghiệp tái xuất, đơn vị sẽ hồi báo về cho chi cục hải quan nơi doanh nghiệp mở tờ khai.

Kiến nghị sửa đổi

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định, quy trình thủ tục liên quan đến kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá kinh doanh
tạm nhập tái xuất. Dựa trên một số nội dung nêu tại Chỉ thị 23, Tổng cục Hải quan cũng tiến hành xây dựng các quy định để kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất như: Thời hạn hàng được lưu giữ tại Việt Nam; không cho phép chuyển loại hình kinh doanh tạm tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa đối với nhóm mặt hàng có thuế Tiêu thụ đặc biệt cao và hàng phải có giấy phép của Bộ Công Thương…

Tổng cục Hải quan cũng đề xuất với Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật hiện hành đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động tạm nhập tái xuất, trong đó đáng lưu ý là nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư 194/2010/TT-BTC. Cụ thể, đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có thuế tiêu thụ đặc biệt và hàng hóa theo giấy phép của Bộ Công Thương chỉ được lưu giữ tại Việt Nam 45 ngày và chỉ được gia hạn 1 lần không quá 15 ngày; hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất phải chị sự giám sát 100% của cơ quan Hải quan; hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất theo giấy phép của Bộ Công Thương và hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất là hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt phải lưu giữ trong khu vực cửa khẩu hoặc khu vực cảng nội địa, ICD hoặc kho ngoại quan.

Đây được cho là những sửa đổi mấu chốt để đảm bảo hàng
tạm nhập tái xuất được quản lý chuẩn mực theo quy định của quốc tế.

 

 

Thảo Nguyên (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo