Xã hội

'Góp ý bảo tồn thương xá Tax là rất tốt'

Giám đốc Sở QH&KT cho rằng lãnh đạo TP.HCM sẽ xem xét kỹ các kiến nghị bảo tồn một phần thương xá Tax.
Đó là ý kiến của ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) TP.HCM kiêm Chủ tịch Hội đồng KT-QH TP, về việc dư luận phản ứng dự án xây dựng mới thương xá Tax.
 
Góp ý của dư luận giúp TP cân nhắc kỹ
 
. Phóng viên: Sở QH&KT có nhận được kiến nghị bảo tồn thương xá Tax của Tổng lãnh sự Phần Lan?
 
+ Ông Trần Chí Dũng: Đến giờ thì Sở chưa nhận được, tôi chỉ biết thông tin qua báo chí. Sở cũng chưa nhận được chỉ đạo gì của TP.
 
Theo tôi, sự quan tâm, đóng góp ý kiến, phản biện của người dân đối với một việc làm của Nhà nước là rất tốt. Những tiếng nói đó sẽ giúp cơ quan nhà nước thận trọng hơn trước khi quyết định một sự việc quan trọng. Tôi nghĩ sau những kiến nghị vừa qua, chắc hẳn TP sẽ có sự xem xét kỹ lưỡng.
 
. Đã có nhiều công trình có giá trị lịch sử của TP bị phá dỡ để xây mới thay vì tìm cách bảo tồn. Không ít người băn khoăn, với cách làm đó thì đô thị của chúng ta sẽ ngày một vô hồn, các thế hệ sau này không còn biết Sài Gòn từng ra sao. Tuy nhiên, dường như lâu nay Sở QH&KT luôn đồng tình với chủ trương xây mới các công trình này?
 
+ Bảo tồn phải đi đôi với phát triển. Một đô thị đẹp, cổ nhưng không phát triển thì cũng không ổn. Phải hài hòa cả hai. Như đốn hạ những cây cổ thụ để làm tuyến metro là điều buộc phải làm.
 
 Thương xá Tax trong những ngày chuẩn bị đóng cửa. Ảnh: HTD
 
Có ý kiến nói rằng khu đô thị mới Thủ Thiêm đất trống còn nhiều, cứ tha hồ xây công trình mới ở đó nhưng phải giữ lại khu đô thị hiện hữu của TP.HCM. Theo tôi, đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm là việc phải làm nhưng khu trung tâm TP hiện hữu cũng vẫn cần được chỉnh trang để phục vụ người dân.
 
Đối với dự án tại những vị trí đặc biệt, Sở QH&KT cũng rất chú trọng đến khía cạnh bảo tồn, hài hòa cảnh quan. Chẳng hạn trước đây khu vực quanh nhà thờ Đức Bà được giữ gìn rất kỹ khi xem xét cho phép xây cao ốc Diamond Plaza, cao ốc Metropolitan. Mới đây, Sở cũng không đồng ý với quận 6 về việc xây mới chợ Bình Tây mà chỉ đồng ý làm bãi đậu xe ngầm phía trước chợ.
 
. Vậy với trường hợp thương xá Tax, quan điểm của Sở QH&KT trong quá trình phê duyệt dự án ra sao?
 
+ Dự án này đã được duyệt từ rất lâu và tôi không tham gia nên tôi không nắm rõ.
 
. Không chỉ thương xá Tax mà còn nhiều dự án khác chỉ khi phê duyệt xong thì người dân mới hay biết. Vậy vai trò tham vấn ý kiến người dân như thế nào khi TP quyết định số phận những công trình quan trọng của đô thị?
 
+ Theo quy định hiện hành thì phải hỏi ý kiến người dân trong vùng bị ảnh hưởng quy hoạch. Đối với những dự án đã lâu, lẽ ra cũng cần lấy ý kiến lại của người dân. Chẳng hạn như dự án chợ Tân Bình vừa qua. Lấy ý kiến của người dân là điều cần thiết.
 
Hội đồng chỉ tham mưu
 
. Một khi dự án “đụng chạm” đến những công trình cần được bảo tồn thì bắt buộc phải thông qua Hội đồng KT-QH TP. Nếu các thành viên trong hội đồng có ý kiến khác biệt thì ai đóng vai trò quyết định? Tiếng nói của hội đồng với lãnh đạo TP như thế nào?
 
+ Danh mục các công trình cần bảo tồn hiện chưa được pháp lý hóa mà mới chỉ là một công trình nghiên cứu (do KTS Lê Quang Ninh chủ trì năm 1998 - PV). Khi đụng tới các công trình này, TP đều rất thận trọng và đều lấy ý kiến Hội đồng KT-QH.
 
Hội đồng KT-QH gồm đại diện các sở, ban, ngành chuyên môn, về mặt văn hóa lịch sử có chị Hậu (TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - PV), anh Hòa (TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học ĐHQG TP.HCM - PV)… Hội đồng hoạt động theo cơ chế từng thành viên có ý kiến, chủ tịch hội đồng (là giám đốc Sở QH&KT - PV) kết luận theo số đông và báo cáo TP. Đi kèm báo cáo của Hội đồng KT-QH là ý kiến của cơ quan chuyên môn, tức Sở QH&KT.
 
Có khi ý kiến của Hội đồng KT-QH không tương đồng với Sở QH&KT hay chỉ giống nhau một phần. Người có vai trò quyết định sau cùng là UBND TP. Hội đồng KT-QH chỉ đóng vai trò tham mưu.
 
. Giả sử UBND TP quyết định khác hẳn ý kiến đề xuất của cơ quan tham mưu thì sao?
 
+ Thực tế cũng có. Lúc đó TP giao hội đồng họp lại. Lần này sẽ hài hòa vì có thêm những vấn đề khác để bàn.
 
. Ông cho rằng Hội đồng KT-QH đã làm hết trách nhiệm của mình trong câu chuyện phải bảo tồn những công trình lịch sử, những giá trị biểu tượng của đô thị chưa?
 
+ Hội đồng KT-QH không phải là một cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động mang tính tham mưu nên tôi nghĩ các thành viên hội đồng rất thoải mái trong việc nhận định, góp ý.
 
. Xin cảm ơn ông.
 
 

 . Giả sử bây giờ dự án thương xá Tax mới bắt đầu xét duyệt thì ý kiến của ông sẽ như thế nào? Bảo tồn hay xây dựng mới?

 
+ Bây giờ khu trung tâm TP đã có quy chế quản lý kiến trúc, đâu phải muốn làm gì thì làm. Lúc lập quy chế cũng như lập quy hoạch cho khu trung tâm đã tính đến các yếu tố về kiến trúc cảnh quan. Khi lập quy hoạch, nhiệm vụ bảo tồn lúc nào cũng được đặt ra chứ không phải chỉ có yếu tố phát triển. Nhưng bảo tồn cũng không có nghĩa là giữ lại những công trình lụp xụp mà phải hài hòa giữa công trình mới và cũ.
 
Với dự án thương xá Tax, tôi nghĩ với chiều cao 40 tầng thì ắt hẳn phải có khoảng lùi để không nhấn chìm những công trình quan trọng khác.
Theo Pháp luật TP.HCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo