'Hai lúa' đưa chôm chôm vào siêu thị Anh, Mỹ
Qua cầu Rạch Miễu đến Bến Tre, phải đi thêm nhiều đường lớn nhỏ qua hàng chục cây cầu đủ loại, lại vòng vèo trong những vườn chôm chôm mới tới được cơ sở của anh Phùng Văn Hiền (45 tuổi) ở xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre.
Và mới thoạt nhìn qua, chẳng ai nghĩ anh Phùng Văn Hiền lại đang là giám đốc của công ty đó, Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây nhiệt đới.
Thay đổi cách làm
Với kỹ thuật dùng vải bạt che gốc chôm chôm đồng thời hút cạn nước ở các mương xung quanh gốc cây, người nông dân ở ĐBSCL có khả năng bắt cây phải ra trái theo ý muốn, bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Đó chính là cách làm mà anh Phùng Văn Hiền đã triển khai từ hơn chục năm nay để tránh cảnh được mùa mất giá. Anh Hiền kể trước năm 1996, vùng này là ruộng lúa nhưng thấy thu nhập không hiệu quả, anh cùng một số người lập vườn và đưa cây chôm chôm về.
Mới học hết lớp 10 thì nghỉ để phụ cha mẹ làm ruộng nuôi em đi học, nên anh Hiền cho rằng phải luôn học hỏi. Trong một lần đi Vĩnh Long mua máy xịt thuốc cho cây, anh nghe người ta nói chuyện trên chiếc ghe bên cạnh rằng gần đó có người cho cây chôm chôm ra trái theo ý muốn bằng cách phủ bạt trúng lắm. Vậy là anh bắt đầu mày mò làm thử và ngay vụ đầu tiên đã thành công.
Với diện tích vườn của gia đình là 4,5ha, ban đầu anh Hiền trồng chôm chôm để bán cho thương lái. Khi có uy tín rồi thì một số công ty ở TP.HCM tìm đến đặt mua hàng để xuất khẩu. Năm 2011, một trong những công ty như vậy đã kết hợp với anh sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu sang Mỹ. Vườn chôm chôm của anh Hiền là một trong những vườn đầu tiên được Mỹ cấp cho mã số này.
Để được chứng nhận như vậy là một quá trình phức tạp vì ngày trước làm theo kinh nghiệm, phân, thuốc gì do đại lý bán hoặc anh em bạn bè làm rồi giới thiệu, phun với liều lượng bao nhiêu là do cảm tính. Làm VietGAP rồi đến GlobalGAP nên phân, thuốc phải trong danh mục được dùng, liều lượng bao nhiêu có quy định, phun đúng cách, còn phải ghi chép đầy đủ ngày phun, liều phun để kiểm soát nữa.
Cạnh tranh với nông dân thế giới
Không chỉ lo cạnh tranh với chôm chôm trong nước khi vào vụ, anh Hiền còn phải tính đến chuyện cạnh tranh với nông dân ở các nước khác. Ví dụ trái chôm chôm ở VN thu hoạch rộ từ tháng 6-8 hằng năm nhưng đồng thời các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Mexico, Chile cũng có chôm chôm vào thời điểm tương tự.
Với lợi thế ở gần hoặc được trợ giá cước vận chuyển, trái chôm chôm của các nước nói trên cạnh tranh hơn hẳn chôm chôm VN về giá khi xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như châu Âu và Mỹ. Do đó khi chăm sóc vườn cây, anh Hiền phải né thời điểm thu hoạch rộ ở nước ngoài.
“Mỗi khi có khách hàng mới của một nước nào đó, tôi đều hỏi các loại trái cây mà nước đó sản xuất theo từng tháng cũng như các nước xuất khẩu vào họ để chuẩn bị cho cây ra trái đúng thời điểm” - anh Hiền nói.
Việc chuyển từ làm nông dân sang doanh nhân của anh Hiền cũng khá tình cờ. Năm 2012, một lần nghe nói công ty xuất khẩu đang lấy chôm chôm ở một vùng khác có chứng nhận GlobalGAP để xuất khẩu sang châu Âu, anh Hiền nghĩ sao mình không làm theo tiêu chuẩn này để mở rộng thị trường. Vậy là anh nhờ người tư vấn và tiến hành làm theo tiêu chuẩn Global GAP và xây kho với số tiền đầu tư là 270 triệu đồng.
Sau khi lấy chứng nhận Global GAP được ba tháng, những người của công ty làm chứng nhận giới thiệu anh với một nhà nhập khẩu của Anh, đơn vị chuyên tìm mua trái cây tươi để phân phối cho các tập đoàn siêu thị lớn nước Anh.
Nhà nhập khẩu thăm cơ sở của anh đã xem xét kỹ lưỡng lại toàn bộ quy trình sản xuất chôm chôm, lấy mẫu đem đi phân tích. Kết quả cho thấy mọi chỉ tiêu sản phẩm đều đạt, khách hàng xúc tiến ký hợp đồng mua bán.
Đơn hàng đầu tiên mà khách hàng người Anh đặt chỉ có 300kg, nhưng đích thân anh Hiền phải tự mình đi chọn vườn hái trái và kiểm soát khâu sơ chế, đóng gói rồi thuê hẳn một chiếc xe lạnh để chở chôm chôm từ Bến Tre lên sân bay giao cho khách.
Dần dần khách hàng đặt tuần hai đơn hàng, rồi tăng khối lượng mỗi chuyến hàng lên 500kg, 700kg rồi lại tuần lên ba chuyến hàng và không ngừng tăng lên theo thời gian.
Cùng nông dân làm giàu
Để đáp ứng đơn hàng của khách, anh Hiền đã mở rộng hình thức liên kết với bà con xung quanh. Nếu gia đình nào có lao động, anh sẽ hướng dẫn kỹ thuật để họ làm, đồng thời cử đội ngũ khuyến nông tư nhân của công ty (hiện có khoảng 30 người) đến tận vườn để hỗ trợ tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa, siết nước…
Nếu gia đình nào có đất nhưng không có lao động, anh Hiền thuê luôn đất với giá từ 100-150 triệu đồng/ha/năm (cao hơn thu nhập nếu người dân trồng chôm chôm theo cách thông thường). Những mảnh đất này anh chia cổ phần rồi giao cho các công nhân hoặc người trong xóm có khả năng và nhiệt huyết để họ chăm sóc quản lý.
Ngoài tiền công theo tháng, đến cuối năm khi hạch toán chi phí, người công nhân còn được chia lời theo cổ phần. Đa số các gia đình hợp tác cùng Công ty Xuất khẩu trái cây nhiệt đới có thu nhập khá, có những gia đình đã thoát nghèo, xây được nhà to chỉ sau vài ba năm hợp tác.
Mới đây, khi nghe tin trái nhãn của VN được thị trường Mỹ chấp nhận, đã có hai khách hàng liên hệ với anh để nhập khẩu nhãn đưa vào Mỹ. Hiện anh Hiền đang hợp tác với vùng trồng nhãn tại Đồng Tháp để xuất khẩu lô nhãn đầu tiên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo