“Hàng nóng” vẫn phải ngóng!
Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) có bề dày kinh doanh 37 năm kể từ khi thành lập và từng đóng vai trò là mũi nhọn chế biến và xuất khẩu thủy sản của cả nước. Hiện nay, tỷ lệ đóng góp tốt nhất vào doanh thu của Seaprodex vẫn là thủy sản (mặc dù doanh nghiệp đã chuyển hướng sang kinh doanh đa ngành và không còn là ông lớn trong ngành thủy sản), kế đến là thương mại nhập khẩu.
“Hàng nóng”
Năm 2011, doanh thu thủy sản và thương mại nhập khẩu của Seaprodex lần lượt chiếm tỷ trọng doanh thu là 47,3% và 40,4%. Năm 2012 là 41% và 45,4%, đến năm 2013 là 43,1% và 46,5%. Seaprodex có các khoản đầu tư khá tốt tại sáu công ty con với tỷ lệ sở hữu từ 51-100%, đóng góp trên 80% doanh thu. Trong đó có hai công ty con là Công ty Thủy sản miền Trung (SPD) - Seaprodex đang nắm tỷ lệ sở hữu 54,68% và Công ty Thủy sản Năm Căn (SNC) với tỷ lệ sở hữu 50,78% - đã đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận hợp nhất cho Seaprodex lần lượt là 66% và 51%, tính riêng cho năm 2013. Hai doanh nghiệp này chuyên chế biến, xuất khẩu tôm và đang hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng của thị trường.
Một trong những khoản đầu tư dài hạn đáng chú ý của Seaprodex là tại Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc Proconco với tỷ lệ sở hữu là 17,47%, tương đương 34,94 triệu cổ phiếu. Theo Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, trị giá của khoản đầu tư này hiện nay tương đương 800 tỷ đồng, nếu căn cứ theo khoản chi 96 triệu USD mà Masan đã bỏ ra để mua lại 40% cổ phần Proconco từ Prudential. Các con số chỉ tiêu tài chính khác cũng khá nổi trội, chẳng hạn, doanh thu qua các năm khá ổn định trên 3.000 tỷ đồng, có tổng tài sản và vốn điều lệ trên mốc 1.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính tính đến tháng 6/2014, Seaprodex không có một khoản vay ngân hàng nào, chưa kể các khoản tiền mặt tại quỹ và gửi tại ngân hàng gần 380 tỷ đồng.
Ngoài ra, Seaprodex đang quản lý 87,8 ha đất tại các vị trí trung tâm có khả năng sinh lợi lớn nếu biết cách khai thác.
Nhiều mũi nhọn nhưng không sắc
Chiến lược phát triển sau cổ phần hóa được Seaprodex tập trung vào hai mũi nhọn là thủy sản và bất động sản. Dựa trên nguồn tiền nhàn rỗi, đối với thủy sản, Seaprodex sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thủy sản kinh doanh tốt, như SNC, SPD, Công ty Đồ hộp Hạ Long và Công ty Thủy sản 4... Với bất động sản, từ năm 2015, Seaprodex sẽ triển khai sáu dự án tập trung vào phân khúc trung tâm thương mại và khách sạn với tổng giá trị đầu tư cho các dự án lên đến 700 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có. Với tiềm năng đó, cộng với giá khởi điểm chào bán IPO sát với mệnh giá là 10.100 đồng/cổ phần, ban lãnh đạo Seaprodex cho rằng, doanh nghiệp sẽ là món hời trong mắt nhà đầu tư. Thế nhưng, trái ngược với kỳ vọng, đợt chào bán đầu tiên vào tháng 12/2104 với hơn 60,8 triệu cổ phiếu chỉ bán được 45 triệu cổ phiếu, tương đương 456 tỷ đồng do Tập đoàn Geleximco mua, chiếm tỷ lệ sở hữu 35% tại Seaprodex. Đây là một tập đoàn kinh doanh đa ngành ở các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính ngân hàng và giáo dục.
Đầu năm 2015, Seaprodex tiến hành chào bán số cổ phần còn lại, nhưng lần này còn tệ hơn khi chỉ có 414.200 cổ phần được bán thành công với giá bình quân 10.100 đồng/cổ phần, tương đương tỷ lệ 2,6% số cổ phần trong số lượng 15,8 triệu cổ phần chào bán.
Những trở ngại
Mặc dù chọn đầu tư bất động sản là mũi nhọn chính trong chiến lược phát triển, nhưng phần lớn 87,8 ha đất do Seaprodex quản lý đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định, điều này sẽ tạo áp lực lớn về chi phí cho Seaprodex khi tiến hành các thủ tục để chính thức có được quyền sử dụng đất.
Mặt khác, sáu dự án phát triển bất động sản mà Seaprodex dự kiến tiến hành đều đang trong quá trình chờ triển khai xây dựng chứ chưa có dự án nào đi vào hoạt động. Nói cách khác, chiến lược đầu tư bất động sản của Seaprodex chưa có lối đi rõ ràng và còn quá nhiều rào cản.
Một đặc điểm khác của Seaprodex có thể lợi thế nhưng cũng có thể lại là bất lợi, tùy thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, là tính chất sở hữu. Ngoài bốn chi nhánh trực thuộc và sáu công ty con, Seaprodex còn đầu tư vào 11 công ty liên doanh liên kết nhưng trong số này không phải công ty nào cũng ăn nên làm ra, ngay cả một số chi nhánh nguồn thu cũng khá thấp. Tính đến tháng 6/2014, tổng giá trị đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, liên doanh liên kết và đầu tư dài hạn khác là 583 tỷ đồng và Seaprodex phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn lên đến 86 tỷ đồng. Do đó, từ đây cho đến năm 2016, Seaprodex đã lên kế hoạch thoái vốn ra khỏi 11 công ty liên doanh liên kết.
Mặc dù có doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận của Seaprodex lại khá khiêm tốn. Tính trong ba năm từ 2011-2013, lợi nhuận sau thuế của Seaprodex lần lượt đạt 110 tỷ đồng, 35 tỷ đồng và 95 tỷ đồng. Lợi nhuận thấp một mặt do giá vốn bán hàng luôn chiếm gần 80% doanh thu thuần, mặt khác Seaprodex cũng nhận gia công chế biến xuất khẩu thủy sản nên phần lợi nhuận biên đóng góp vào rất thấp.
Ngoài ra, khi chào bán cổ phiếu với nhà đầu tư thì mọi thứ cần phải “sạch”, nhưng Seaprodex đang đối mặt với nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Chẳng hạn, khoản chiết khấu 560 triệu đồng do mua số lượng lớn cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (CLG) không thấy hạch toán vào khoản mục báo cáo tài chính nào và hiện nay không rõ khoản tiền này đang nằm ở đâu. Hay một vấn đề rắc rối khác của Seaprodex là việc thanh lý khoản vốn góp 40 tỷ đồng, tương ứng với 50% tỷ lệ sở hữu vào Công ty liên doanh Thủy sản Việt Nga (Seaprimfico) khi đã hết hạn hợp đồng vào năm 2007. Hiện Seaprodex đang tiến hành các thủ tục thanh lý tài sản và di dời nhà máy để bàn giao mặt bằng cho dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm của TP.HCM. Tuy nhiên, phía đối tác Nga không đồng ý giải thể.
Bình luận về chuyện tại sao việc bán cổ phần của Seaprodex không khả quan, ông Trần Anh Dũng, Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán Beta (BSI) cho biết: “Nhìn vào mục tiêu chiến lược của Seaprodex là thủy sản và bất động sản thì nhà đầu tư chưa mặn mà, bởi vẫn có nhiều món hàng khác hấp dẫn hơn để lựa chọn”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo