Xã hội

"Khoác áo giáp" cho tàu cá: Chủ tàu cần, nhà quản lý lúng túng

Ngày 10/7, tàu cá ĐNa 90235TS của ông Trương Văn Hay (Thanh Khê, Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm va sập cabin, chính thức được một doanh nghiệp phun phủ miễn phí lớp vật liệu cao Polyurea. Chủ tàu mong muốn thí điểm nhưng cơ quan chức năng lại “tuýt còi” vì cho rằng vật liệu này quá mới, chưa từng áp dụng với tàu gỗ ở Việt Nam.

Chuẩn bị vật liệu phun Polyurea. ảnh: Nguyễn Huy

Đâm vỡ vẫn khó chìm 

Tại triền đà Cty Sơn Hải (Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng), hàng chục công nhân Cty TNHH TM& Xây dựng Quốc Thắng (Đà Nẵng) tất bật phủ lót, phun lớp vật liệu cao. Từng phần thân gỗ, thành mạn phút chốc phủ lớp vật liệu màu xám, bóng, tạo thành lớp áo liên kết kín, độ dày 2mm. 
 
Trước đó, tàu ĐNa 90235 lên đà, làm sạch, đánh nhám, hong khô toàn bộ vỏ thân tàu. Giám đốc Cty này, ông Phạm Quyết Thắng cho hay: Toàn bộ trang thiết bị, quy trình phun phủ Polyurea tuần hoàn khép kín hiện đại, đảm bảo đúng chuẩn quốc tế. Tổng diện tích phun phủ lên đến 400m2, với giá trị 300 triệu đồng được Cty miễn phí hoàn toàn cho ngư dân.
 
Đến quan sát phương pháp mới, nhiều ngư dân ngạc nhiên vì trước nay mới chỉ biết đến cách bọc composite cho tàu cá. Theo ông Hay, thực tế tàu gỗ ngư dân thường bị thấm nước, các khoang chứa cá bị hở hơi, gây tốn đá, hư hại sản phẩm. 
 
Gần năm trước, kỹ thuật bọc vật liệu composite ở một số vị trí thân tàu được triển khai. Nhưng đến nay, lớp bọc này đã có dấu hiệu bong tróc, vỏ tàu thấm nước. Đáng nói, bọc composite cần ghim rất nhiều đinh lên vỏ gỗ, tạo lỗ hở, hư hại gỗ khi tháo gỡ lớp phủ. “Tôi hi vọng, vật liệu Polyurea sẽ khắc phục hạn chế này, giúp ngư dân vươn khơi an toàn, hiệu quả hơn”, ông Hay nói. 
 
Ông Thắng khẳng định: Polyurea có tính năng vượt trội về khả năng chịu nhiệt, chống nứt linh hoạt, chịu mài mòn cơ học cao; đặc biệt độ bám dính trên bề mặt rất lớn, với nhiều vật liệu khác: kim loại, gạch, bê tông và cả gỗ. Với tàu ông Hay, Cty Quốc Thắng trực tiếp lấy mẫu gỗ tàu về thử với hơn 40 mẫu phun Polyurea khác nhau, để chọn lớp phun phủ phù hợp với độ bám dính, ổn định cao nhất. 
 
Ông Thắng phân tích: Nếu phun lớp Polyurea này, tàu cá có bị đâm gãy, thủng vỡ phần thân gỗ nhưng lớp vật liệu này vẫn không hề hấn gì. Lớp phủ có tác dụng phân tán lực tác động từ bên ngoài lên thân gỗ, tạo lớp vỏ bọc kín chắn nước, chống chìm tàu. Ngoài ra, nó ưu điểm chống thấm nước, giữ kín khoang chứa cá. 

Lúng túng vì vật liệu “quá mới”
 
Theo ông Thắng, tháng trước ông tình cờ xem bản tin thời sự đề cập tàu ĐNa 90235 bị tàu cá Trung Quốc đâm hư hại, sập cabin, đâm thủng đuôi tàu nên nảy ý định hỗ trợ ngư dân phun phủ Polyurea miễn phí để bảo vệ tàu cá. Ông nhờ Trung tâm Khuyến ngư Nông lâm Đà Nẵng liên hệ chủ tàu. Cả ba bên thỏa thuận phủ lớp Polyurea và báo cáo Chi cục thủy sản Đà Nẵng. Tuy nhiên, ngày 1/7, Chi cục này phát văn bản yêu cầu chủ tàu và Trung tâm ngưng phun vật liệu Polyurea cho tàu ĐNa 90235 vì “sẽ làm thay đổi tính năng cũng như an toàn hoạt động của tàu cá”. 
 
Theo ông Trương Duy Khôi, cán bộ Trung tâm Khuyến ngư Nông Lâm: Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vật liệu mới nên đơn vị báo cáo cơ quan chức năng, kiểm định để có ý kiến chỉ đạo. Theo ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Đà Nẵng, ngày 24/6, chi cục có văn bản gửi Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để xin ý kiến việc này. Cục có văn bản “hỏa tốc” gửi Viện khoa học vật liệu - Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, đánh giá đặc tính lý hóa, độ bền, tương thích của vật liệu Polyurea với tàu gỗ và đang chờ ý kiến phản hồi. “Vật liệu này quá mới, chưa từng áp dụng với tàu cá vỏ gỗ nên cần phải có nghiên cứu cụ thể, đảm bảo an toàn. Nếu chỉ phủ Polyurea từ mé nước trở lên thì không lo nhưng đây là phủ toàn bộ thân tàu, có cả phần tiếp xúc trực tiếp với nước”, ông Khánh nói. 
 
Theo ông Hà, Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản), việc ứng dụng composite vì đã có nghiên cứu quốc tế trên vật liệu gỗ. Nhưng Polyurea lại không có cùng kết cấu với composite và chưa nghiên cứu, ứng dụng trên vật liệu gỗ, tàu cá. 
 
Việc ngư dân phản ánh bọc composite không hiệu quả do quy trình phun, độ ẩm gỗ, yêu cầu kỹ thuật không đảm bảo. Ông Nguyễn Chánh Tín - Phó GĐ Cty TNHH Composite Thuận Phú (TP HCM) nhận định: Thực chất vật liệu Polyurea đã áp dụng phổ biến vật liệu kim loại, bê tông nhưng với gỗ, tàu cá thì rất mới. Phun vật liệu này tạo độ bền, chống thấm cho tàu cá nhưng vấn đề là phải đảm bảo độ kết dính, đảm bảo phù hợp độ giãn nở giữa 2 vật liệu này. Muốn bám dính, gỗ phải có độ ẩm 10%, nhưng gỗ tàu đã qua sử dụng, ngâm nước thì rất khó và khả năng bong tróc có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo ông Thắng, vấn đề hệ số giãn nở giữa hai vật liệu không quá lo, do Polyurea có độ giãn nở lên đến 150% (hơn composite) nên dễ tương thích với vỏ gỗ. Độ bám dính được đơn vị khắc phục tối ưu qua lớp lót sau 40 lần thử nghiệm.
Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo