Thị trường

“Kiện tướng” nuôi dê nơi thâm sơn cùng cốc

Ông Trịnh Văn Đàm ở thôn 12, xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) được bà con trong tỉnh tặng danh hiệu “kiện tướng” nuôi dê, bởi lẽ ông Đàm dám làm liều “chui” vào trong thung lũng hoang lập nghiệp, nuôi dê. Đến giờ, ông đã thành danh, sở hữu số tài sản trị giá hàng tỷ đồng.

Đàn dê núi trị giá hàng trăm triệu đồng của “vua dê” Trịnh Văn Đàm ở xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình). Ảnh: Trần Quang

 

Để vào được trang trại của “vua dê”, chúng tôi đã phải vượt qua 5 lần đường thung lũng. Nói là trang trại ở trong “thâm sơn cùng cốc” cũng không ngoa, bởi lẽ nơi đây toàn núi đá và cây cối bao quanh…

 

Lúc chúng tôi vào thăm, ông Trịnh Văn Đàm đang tất bật thả dê đi ăn. Thấy có người lạ, đàn dê bỗng giật mình ngừng ăn, vểnh tai, mắt lên, trông con nào cũng mập tròn, nom rất đã mắt.

 

Vừa thong thả chăn dê, ông Đàm bảo: “Nghề nuôi dê tưởng đơn thuần là nuôi bán lấy thịt, cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu là xong nhưng với tôi lại khác, con dê còn là bạn tri ân với mình, nhờ dê mà đến giờ gia đình tôi đã đủ đầy mọi thứ”.


Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan trong trại, ông Đàm vừa kể về gian nan đời mình. Quê ông ở vùng đồng chiêm trũng Yên Thái, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Năm 1992, ông Đàm xuất ngũ về quê, lập gia đình.

 

Có cả mẫu đất trong tay nhưng 2 vợ chồng làm mãi cũng không đủ ăn. Đúng vào lúc đó, nghe được tin bên xã Đông Sơn phát động phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới, thấy cơ hội đến ông Đàm lên xin tham gia ngay. “Vùng chọn làm kinh tế là khu vực thung lũng núi đá tai mèo, cây cối rậm rạp, không một bóng người và vẫn còn nhiều thú dữ sinh sống lắm.

 

Khi khảo sát xong tôi về kể lại với mọi người trong gia đình và hàng xóm mà ai cũng sợ, khuyên ngăn không cho tôi đi, nhưng lòng đã quyết nên tôi vẫn lên làm cho bằng được” - ông Đàm nhớ lại.

 

“Đang ở quê có nhà, có cửa không ở, vào rừng lập lán trại làm kinh tế thời gian đầu ông cũng gặp nhiều gian nan. Có thời gian muỗi rừng đốt nhiều ông bị sốt rét hàng tuần liền. Gà vịt nuôi được cũng bị thú rừng bắt hết sạch, nhiều phen trắng tay, nghĩ cũng nản nhưng được sự giúp đỡ động viên của anh em người thân, tôi gượng dạy làm lại từ đầu”- ông Đàm kể.

 

Tay không nên cơ đồ

 

Sau nhiều năm khai hoang, Ông Đàm đã có hơn 10ha đất, vừa kết hợp trồng hoa màu, ông Đàm đầu tư mạnh tay vào chăn nuôi. Ban đầu ông chỉ nuôi lợn, gà, vịt… Vào khoảng năm 1995, được bạn bè mách nước, sẵn vốn trong tay ông Đàm đi tìm mua dê về nuôi.

 

Vừa xây chuồng trại, ông vừa đi tìm đến các trang trại để học hỏi kinh nghiệm thực tế, vừa tìm mua sách, tài liệu hướng dẫn về nuôi dê để đọc.

 

“Ban đầu nuôi dê cũng tưởng khó, nhưng khi nuôi thì tôi thấy dễ hơn cả nuôi lợn, gà…vì dê chỉ ăn lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp, bệnh tật lại ít, đặc biệt là không mất công chăm sóc như các con vật khác”- ông Đàm cho hay.

 

 

“Vua dê” Trịnh Văn Đàm ở xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) đang thả đàn đê đi ăn trong trang trại của gia đình. Ảnh: Trần Quang 

 
Nhận thấy thị trường tiêu thụ thuận lợi, ông Đàm tiếp tục đầu tư tăng quy mô đàn dê lên. Càng nuôi, ông Đàm càng thắng lớn. Đến nay đàn dê của gia đình ông đã lên đến gần 200 con với đủ các giống như dê cỏ địa phương, Bách Thảo, Boer (giống dê Mỹ)… Hiện gia đình ông là một trong những hộ có đàn dê núi đá lớn nhất tỉnh.

“Nuôi dê được cái nhàn hạ, không phải tốn công chăm sóc, mất nhiều thức ăn như nuôi nhốt mà vẫn đảm bảo được sản lượng, thịt lại sạch tự nhiên, chất lượng, bán được với giá cao hơn nhiều so với dê ở các nơi khác, lại không bao giờ phải lo đầu ra” - ông Đàm chia sẻ.

 

Chuẩn bị cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi này, ông Đàm đã dự tính bán khoảng trên dưới 2 tấn thịt dê. “Nếu tính giá thị trường, hiện tại khoảng 180.000 -250.000 đồng/kg, nhưng vào thời điểm tết sốt giá có thể lên đến 400.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về cầm chắc trên dưới 800 triệu đồng, ngoài ra còn có nguồn thu bán dê giống mỗi năm cũng thu về hàng trăm triệu đồng đấy”- ông Đàm khoe.

 

Ninh Bình đang triển khai mạnh mẽ chương trình "dê hóa" tại các vùng núi đá, mở rộng quy mô chăn nuôi lên từ 1,5 đến 2 lần so với các năm trước, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn các du khách bốn phương. Với mức tăng này, lượng thịt dê cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn cũng mới chỉ đạt 40%, như vậy khả năng phát triển đàn dê, tiêu thụ thịt dê ở Ninh Bình còn rất lớn. 


Ông Nguyễn Văn Tuyên – Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NNPTNT Ninh Bình) cho biết: Sở NNPTNT Ninh Bình đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi dê, nhằm trang bị kiến thức cho các hộ chăn nuôi, mở rộng quy mô phát triển đàn dê bản địa có chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng, là thực phẩm "lành", an toàn với mọi người.
 
 
Năm 2010, lần đầu tiên Ninh Bình tổ chức “Hội thi dê" để trang bị kiến thức nuôi dê bản địa với việc du nhập các giống dê có chất lượng trên thế giới cho người chăn nuôi tại địa phương. Cũng tại hội thi này giống dê núi của Hoa Lư đã được công nhận là giống dê tốt nhất tại Ninh Bình để đưa vào nhân giống phát triển chăn nuôi trong thời gian tới”.

Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo