“Lợi dụng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để trục lợi, phải xử lý nghiêm”
Đây là chia sẻ của ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bên lề kỳ họp QH sáng nay.
Theo ông Hùng, nhu cầu tìm liệt sĩ, tìm người thân là rất chính đáng của người dân. Nhiều gia đình thậm chí bức xúc khi chưa tìm thấy con em của mình. Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm và cũng có rất nhiều giải pháp thỏa mãn nhu cầu chính đáng này.
“Trong pháp lệnh người có công, có quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Nghị quyết 494, quy định xây dựng triển khai hai đề án: Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và liệt sĩ có mộ trong nghĩa trang. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện chưa được như mong muốn vì còn rất nhiều khó khăn nên nhiều gia đình xuất phát từ tình cảm và mong muốn của mình đã chủ động tìm kiếm thông qua các nhà ngoại cảm.
Thực tế đúng là có những người lợi dụng tình cảm đó để có những hoạt động trái pháp luật. Tôi cho rằng các cơ quan hữu trách phải xử lý nghiêm theo pháp luật”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng thông tin, trong lĩnh vực này, ngành được giao quản lý nhà nước về chính sách người có công là Lao động-Thương binh và xã hội đã có những văn bản xác định chưa thừa nhận tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm, nhưng ở địa phương, ở các ngành khác, vẫn thiếu sự phối hợp. Co sức ép của gia đình người thân liệt sĩ, nhưng cũng có thể là do sự thiếu phối hợp trong quản lý, cần xác minh làm rõ trách nhiệm của các địa phương, bộ ngành để có cách quản lý phù hợp.
Trước câu hỏi: Phải chăng các gia đình phải nhờ tới ngoại cảm là do ngành LĐ-TB và XH đang chưa làm tốt, đang “nợ” người dân việc đưa người thân “trở về” dù chiến tranh đã chấm dứt từ mấy chục năm nay? Ông Đỗ Mạnh Hùng bày tỏ: “Việc còn gần 500 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác minh được danh tính mộ phần là mối quan tâm chung của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, cả xã hội và các gia đình. Việc xác minh tìm kiếm rất khó khăn, nên chưa hẳn là ngành LĐ-TB và XH chưa làm tốt, dù chiến tranh đã kết thúc nhiều năm”.
Cũng theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, nguyện vọng tìm kiếm người dân là chính đáng, nhiều gia đình tự mình tìm kiếm hài cốt con em, vì thế ngoài tuyên truyền thì còn phải tìm ra những giải pháp để đáp ứng nhu cầu chính đáng này. Ông Hùng nêu 5 điểm cần lưu ý:
Thứ nhất tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng, ngoài trách nhiệm cần có cái tâm, cần sự nhiệt tình, chia sẻ.
Thứ hai cần mở rộng diện tra cứu, tìm kiếm thông tin bằng các con đường, biện pháp. Theo tôi, Bộ Quốc phòng cần sớm hoàn thành chương trình xác định phiên hiệu các đơn vị trong chiến tranh.
Thứ 3 là phải dựa vào dân. Chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, vùng nào cũng có dân, và người dân có thông tin về sự hy sinh mất mát.
Thứ 4 là tăng cường tiến bộ khoa học, đặc biệt các công nghệ mới, trong đó có việc xây dựng các ngân hàng dữ liệu thông tin để cung cấp cho người dân.
Thứ 5 là cần tăng cường hợp tác quốc tế. Có trường hợp tổ chức Cựu chiến binh Úc đã cung cấp những thông tin khá chính xác về những trận giao chiến, về những hy sinh mất mát của cả 2 bên, ở những địa điểm cụ thể.
Chia sẻ quan điểm trước báo chí, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định: “Tìm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm, nếu kiểm chứng ADN được thì tốt, còn nếu không kiểm chứng được thì không thể chấp nhận được. Giống như bài học đau xót trong việc tìm hài cốt tướng Phùng Chí Kiên chỉ thu về một chiếc răng động vật, vài mảnh sành cũ. Nhiều người dân tin vào ngoại cảm nhưng không có chứng cứ khoa học. Ủy ban chúng tôi cũng đã từng có đợt giám sát về việc này, cho thấy tỷ lệ chính xác trong tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là rất thấp. Sau giám sát, quan điểm của chúng tôi là tìm kiếm hài cốt liệt sĩ xong phải thử ADN thì mới công nhận đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Nhà nước cũng có chính sách miễn phí thử ADN cho hài cốt liệt sĩ”. Còn ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì nhấn mạnh: “Hành vi trục lợi anh linh liệt sĩ là không thể chấp nhận được. Người dân đã rất tốn tiền, tốn sức, thời gian để kiếm tìm hài cốt người thân bằng ngoại cảm. Một số gia đình đi tìm bằng cách này và ngẫu nhiên chính xác. Nhưng qua báo cáo của một số cơ quan chức năng, phần lớn các trường hợp đều không tìm được, mà đã không tìm được thì rõ ràng rất tốn công của, thời gian, từ chỗ hy vọng thành thất vọng, gây nên một áp lực nặng nề về tâm lý cho gia đình các liệt sĩ vốn rất đã khổ tâm trong tìm kiếm con em mình. Phải xử lý nghiêm nhà ngoại cảm đã đành, phải xử lý nghiêm những những người tiếp tay. Vì chính sự tiếp tay đó đã giúp cho nhà ngoại cảm dấn sâu hơn vào tội lỗi của mình”. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo