"Lỗi kỹ thuật" của bộ giáo dục là do bị khớp
Thưa QH, thưa các đồng chí lãnh đạo, Đảng, nhà nước thông cảm cho, anh em dự một cuộc họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên anh em bị khớp nên đã đọc con số đó, chứ con số đó bộ chưa có bàn bạc gì cả” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trần tình trong phiên chất vấn quốc hội ngày 11/6.
Anh em bị khớp nên đưa ra con số 34.000 tỉ đồng
Dù Bộ trưởng đã trả lời chất vấn bằng văn bản nhưng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 11/6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Minh Huệ (Bình Thuận) vẫn chưa đồng tình và tiếp tục “truy” về trách nhiệm của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong việc trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và con số 34.000 tỉ đồng mà một Thứ trưởng của Bộ đã nêu trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Theo đại biểu Huệ, dù đây là một con số khái toán nhưng do một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền phát ngôn mà đây là một đề án của Bộ thì chắc chắn Bộ trưởng phải biết và có chỉ đạo cụ thể trước khi trình ra UBTVQH, trong khi Bộ trưởng lại nói đây không phải quan điểm của Bộ GĐ-ĐT.
Trả lời ĐB Hà Minh Huệ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng trong hồ sơ mà bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và trong đề án trình sang UBTVQH không có vấn đề kinh phí.
Con số 34.000 tỉ đồng xuất hiện khi ông đang đi công tác, chủ trì một cuộc họp quan trọng của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á ở nước ngoài với vai trò là chủ tịch và do một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền đi họp tại UBTVQH. Trong tờ trình của Chính phủ mà vị thứ trưởng này trình bày cũng không hề có con số 34.000 tỉ đồng.
“Con số này là do một đồng chí lãnh đạo cấp vụ của bộ ngồi phía sau trao lên cho đồng chí Thứ trưởng trong 1 tờ giấy. Thưa QH, thưa các đồng chí lãnh đạo, Đảng, nhà nước thông cảm cho, anh em dự một cuộc họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên anh em bị khớp nên đã đọc con số đó, chứ con số đó bộ chưa có bàn bạc gì cả” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trần tình.
Bên cạnh đó, ông giải thích là con số 34.000 tỉ là để làm nhiều việc khác, nhưng báo chí lại nói rút gọn lại là 34.000 tỉ để làm SGK. Bộ nói để giải thích ý đó nhưng cũng lại chưa giải thích đầy đủ, chưa gãy góc nên nhân dân nghĩ rằng con số 34.000 tỉ đó là đúng.
"Ở đây có cái lỗi kỹ thuật, sai sót” - Bộ trưởng Luận tiếp tục giãi bày.
Bộ VHTT&DL: Chưa tính kỹ nguồn vốn, nên rút đăng cai ASIAD
Cũng giống như câu chuyện, mặc dù hiện nay, VN đã xin rút lui không đăng cai tổ chức Asiad 18, nhưng độc giả chưa hết bàng hoàng về đề án tổng thể của Bộ VHTTDL trước đó.
Đặc biệt là con số tổng chi phí Bộ dự trù là 150 triệu USD (khoảng 3.000 tỉ đồng). Thế nhưng, đây được coi là con số ảo, hoàn toàn không thể đủ để tổ chức.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, ông Lê Như Tiến cũng đã từng đặt câu hỏi hoài nghi: "Hàn Quốc dự kiến tổng chi phí của Asiad Incheon 2014 tới 1,62 tỉ USD. Vậy Bộ trưởng có thể chắc chắn Asiad 18 chỉ 150 triệu USD. Nếu phát sinh gấp nhiều lần thì lấy nguồn đâu bù và ai chịu trách nhiệm?”.
Trong khi đó, Hong Kong, Trung Quốc cũng đang thăm dò ý kiến người dân để xin đăng cai ASIAD 2023 - và con số mà họ ước tính cho một ASIAD tiết kiệm với các nhà thi đấu dưới 2000 chỗ cũng tiêu tốn 1,8 tỷ USD.
Có lẽ cũng chính vì vậy, mà ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra quyết định Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18 và sẽ xin tổ chức vào một thời điểm khác thích hợp hơn.
Theo Thủ tướng, Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD, việc chuẩn bị đăng cai cũng chưa chặt chẽ và khi vận động đăng cai chưa có đề án để bảo đảm tổ chức thành công khi được chấp nhận.
Thủ tướng cũng cho rằng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam còn có nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác.
Việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phải có để phục vụ cho ASIAD 18 theo hình thức xã hội hóa như sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp cũng như dự kiến nguồn thu từ ASIAD để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắc và rất khó đảm bảo. Quan trọng hơn là chính Bộ VHTTDL cũng không biết được con số 150 triệu USD có đủ tổ chức và cũng chưa trả lời được câu hỏi "chi cái gì, cái nào được làm, cái nào không"?
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo