'Lương 2 triệu/tháng chắc chắn có chuyện'
Từ đánh giá “chế độ đãi ngộ cán bộ y tế hiện rất bất cập”, ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức nhận định: “Lương điều dưỡng 2 triệu/tháng thì chắc chắn có chuyện ngay”.
Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội là cơ sở y tế hàng đầu cả nước về lĩnh vực ghép tạng, ngoại khoa. Theo ông Quyết, giá mỗi ca ghép thận từ 200-300 triệu đồng, ghép gan, tim đắt hơn (khoảng 1,5 tỉ đồng), nhưng chỉ vừa đủ chi phí những thứ cần thiết cho ca ghép tạng, còn chế độ bồi dưỡng cho bác sỹ bệnh viện vẫn phải tìm cơ chế thích hợp.
“Đứng ghép tạng cả đêm nhưng đúng cơ chế chỉ được mấy trăm bạc thì không có nghĩa lý gì. Chữa bệnh là trách nhiệm của người thầy thuốc nhưng đi liền với trách nhiệm phải là quyền lợi tương xứng để thầy thuốc yên tâm làm việc, cống hiến”, Giám đốc BV Việt Đức nói.
Cho rằng chế độ đãi ngộ còn “quá bất cập” nên dù bệnh viện đã làm rất tốt các chính sách rồi mà tiêu cực vẫn nảy sinh.
“Lương điều dưỡng 2 triệu/tháng chắc chắn có chuyện ngay. Chúng tôi phải cố gắng tập trung tối đa, vận dụng những quy định trong khuôn khổ được pháp luật cho phép mới có thể tăng thu nhập cho anh em, lương được 6-7 triệu/tháng mới tạm đủ sống, yên tâm mà làm việc”, ông Quyết cho hay.
Một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện khó khăn trong việc tìm nguồn tiền trả công cho cán bộ y tế là do ngân sách hạn hẹp, giá dịch vụ y tế thấp hơn giá thực tế nên bệnh viện không có nguồn thu, hầu như trông chờ vào khu vực dịch vụ.
Tại BV Việt Đức, ông Quyết cho biết 6-7 năm nay mỗi năm cần khoảng trên 1.000 tỉ đồng để duy trì và triển khai hoạt động bình thường (con số theo kết quả kiểm toán năm 2012) song thực tế, mỗi năm ngân sách chỉ “đổ” về 2% tổng số này. “Số còn lại phải tự xoay sở theo các cơ chế mà Nhà nước cho, rất chật vật”, ông Quyết nói.
“Chảy máu" bác sỹ
Ở địa phương, các lãnh đạo bệnh viện và cán bộ y tế còn “kêu” nhiều hơn. Thậm chí, ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình phải thốt lên: “Bệnh viện chúng tôi đang tự ăn thịt mình”.
Ông phân tích: Ngân sách mỗi năm cấp cho bệnh viện đảm bảo được 15% nhu cầu, còn lại phải dựa vào nguồn thu của đơn vị, nhưng nguồn thu về giá trị và cơ cấu cũng có rất nhiều bất cập.
Lý do là phần khám dịch vụ rất ít bởi nhân dân kinh tế khó khăn, có dịch vụ tốt hơn thì người dân cũng không có khả năng chi trả, những bệnh nhân có điều kiện đều tìm về các bệnh viện tuyến Trung ương.
Ngoài ra, thủ tục để triển khai các dịch vụ cũng rất khó vì qua rất nhiều khâu.
“Thu nhập của cán bộ y tế vùng núi thấp hơn nhiều vì ngoài lương, các khoản thu nhập khác hầu như không có thêm nữa. Có một số tỉnh nguồn cấp từ ngân sách rất thấp, dẫn tới phần thu được từ viện phí chỉ đủ bù đắp thiếu hụt để trả lương, các chi phí khác dùng để làm lương tăng thêm rất ít.
Từ sự chênh lệch về thu nhập cộng thêm một số yếu tố xã hội khác nên luôn luôn có xu hướng “chảy máu” chất xám ở các vùng có điều kiện khó khăn”, ông Dương nói.
Điều ông Dương lo ngại cũng đã xảy ra trên thực tế, khi mà bệnh viện ông đảm nhận trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho gần 90 vạn dân trong tỉnh và vùng lân cận như Phú Thọ, Sơn La nhưng tổng cộng chỉ có 123 bác sỹ, 309 điều dưỡng và kỹ thuật viên, luôn trong tình trạng quá tải song thu nhập lại không có.
Các nước trên thế giới đãi ngộ bác sỹ thế nào?
Bác sỹ ở các nước trên thế giới luôn có thu nhập cao hơn hẳn so với các ngành nghề khác. Tại Mỹ, thu nhập của bác sỹ phẫu thuật mỗi năm là 219.770 USD (106 USD cho mỗi giờ lao động), cao nhất trong số các ngành nghề. Tại Anh, thu nhập của bác sỹ cao nhất với 45.600 bảng (khoảng 73.400 USD)/năm (song thu nhập của y tá, hộ lý lại thuộc nhóm thấp nhất).
Tại Nga, thu nhập trung bình hàng tháng của bác sỹ khoảng hơn 2.000 USD (cao hơn mức sống trung bình 1,5 lần), tại Hàn Quốc là 6.000 USD/tháng. Còn tại một nước thuộc khối ASEAN như Singapore, thu nhập hàng tháng của bác sỹ khoảng 2.500 USD, cao trong các ngành nghề.
Còn với các nước lân cận Việt Nam, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết họ cũng gặp những vấn đề về đãi ngộ cán bộ y tế như Việt Nam, nhưng nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp về tài chính y tế nên vấn đề này đã được tháo gỡ tốt hơn.
So sánh thu nhập của bác sỹ Việt Nam với bác sỹ thế giới (như bác sỹ ở Anh, Pháp, Mỹ, …) là điều “không tưởng”, song có thể thấy một điều là người làm ngành y ở nước ngoài thường có thu nhập cao nhất.
Tuy nhiên, GS Phạm Mạnh Hùng lưu ý: Cần phân biệt và làm rõ vấn đề lương và thu nhập của bác sỹ. Ở nước ngoài, số tiền đó là thu nhập của bác sỹ, được công khai và phải đóng thuế. Còn tại Việt Nam, nếu nói về lương thì ngành nào cũng thấp như nhau, không riêng gì ngành Y.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo