Xã hội

“Ma trận” đào tạo nghề trong lĩnh vực làm đẹp: “Mượn” danh Bộ LĐ-TB&XH (Kỳ 1)

(DNVN) - Học viện thẩm mỹ Khánh Hương, Học viện thẩm mỹ Bôm Beauty Academy, Học Viện Tóc Seoul, Học Viện Nail & Phun Xăm Thẩm Mỹ Seoul,… kể cả cơ sở đào tạo ngoài giấy phép như Trung tâm dạy nghề thẩm mỹ & Spa Placencare (thuộc Công ty TNHH Placencare) liên tục dùng các lời lẽ ngon ngọt thậm chí mượn cả danh của Tổng cục Dạy nghề để dụ dỗ, lôi kéo người học.

Các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp như Học viện thẩm mỹ Khánh Hương, Học viện thẩm mỹ Bôm Beauty Academy, Học Viện Tóc Seoul, Học Viện Nail & Phun Xăm Thẩm Mỹ Seoul,… kể cả cơ sở đào tạo ngoài giấy phép như Trung tâm dạy nghề thẩm mỹ & Spa Placencare (thuộc Công ty TNHH Placencare) liên tục dùng các lời lẽ ngon ngọt thậm chí mượn cả danh của Tổng cục Dạy nghề để dụ dỗ, lôi kéo người học.

Học viên của Học viện tóc Seoul nhận chứng nhận "hoành tráng"

Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, nếu doanh nghiệp muốn tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ, chứng nhận cho học viên thì phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp chỉ được cấp giấy chứng nhận khi có đủ điều kiện về có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với nghề, quy mô, trình độ đào tạo, diện tích phòng học lý thuyết, phòng, xưởng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 04 m2/chỗ học; phải có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng nghề đăng ký hoạt động và phải được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật…. Và: “Chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp”.

Học viện Khánh Hương ra thông báo tuyển sinh khi chưa được phép

Tuy nhiên, bằng lời lẽ ngon ngọt, mời chào, Học viện thẩm mỹ - Bôm Beauty Academy (địa chỉ tại số 35 đường Trần Bình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tung ra chiêu quảng cáo như: “phun xăm truyền nghề - đốt cháy đam mê”, “tặng 10 suất học ưu đãi còn 9.999.000đ cho 10 bạn đăng ký sớm nhất”, rồi “nối mi chuyên nghiệp trực tiếp chuyên gia Hàn Quốc giảng dạy”, “cấp bằng quốc tế chuyên nghành thẩm mỹ, cấp chứng chỉ phun xăm thẩm mỹ đào tạo nghề”,…

Học viện Khánh Hương cấp chứng nhận cho học viên khi chưa được phép đào tạo.

Ngang nhiên và công khai hơn là Học Viện Nail & Phun Xăm Thẩm Mỹ Seoul,  Học viện Seoul (địa chỉ tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) còn quảng cáo khai giảng khóa mới vào ngày 30/6 này với đủ các loại ngành nghề. Cụ thể như, khóa học nghề làm móng – nail, khai giảng vào 05/07/2017”, thậm chí còn “tung chiêu” giảm giá từ 17.000.000đ xuống chỉ còn 8.000.000đ.

Còn tại Học Viện Thẩm Mỹ Khánh Hương (địa chỉ tại 35, đường Lê Văn Lương) cũng “nổ” không kém cạnh: “Lớp học nhấn mí do chuyên gia Trang Hoàng trực tiếp giảng dạy”, “với bề dầy hơn 10 năm kinh nghiệm là trung tâm đào tạo dạy nghề spa và tư vấn setup spa chuyên nghiệp nhất được sự bảo trợ của hiệp hội spa thế giới”, “là nơi uy tín nhất tại Việt Nam chuyển giao công nghệ và setup hệ thống spa, Beauty thẩm mỹ viện chuyên nghiệp trên toàn quốc”.

 

Nhìn bằng mắt thường có thể nhận thấy lớp học tại Học viện Khánh Hương không đúng với quy định của pháp luật.

Thẩm chí, Học viện này còn “đánh” vào tâm lý học viên: “Bạn đang có ý định mở spa? Bạn đã biết nghề và đang kinh doanh spa nhưng chưa có bằng cấp để hành nghề? Bạn là học viên tại các trung tâm đào tạo chỉ nhận được chứng nhận do công ty đó cấp mà không có tính pháp lý? Bạn cần bằng nghề để đi xuất khẩu lao động?… Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để lấy 1 tấm bằng spa chuyên nghiệp chính quy chuyên ngành: Da, Tóc, Móng,  Phun xăm… Bằng chính quy của nhà nước do Bộ LĐ-TB&XH cấp…”

Theo tìm hiểu thì các Học viện này đào tạo các ngành như: Quản lý spa;  Giảm béo tạo form; Lớp tắm trắng, lột trắng mặt và toàn thân; Phun săm thẩm mỹ phương pháp mới; Lớp dạy Nail chuyên nghiệp; Lớp chăm sóc da cá nhân;....

Chiêu trò của các cơ sở này là lập nên các fanpage trên mạng xã hội cùng với lập các trang website rồi đăng tin tuyển sinh. Người có nhu cầu có thể để lại số điện thoại hoặc có thể trao đổi trực tiếp với quản lý của các Học viện. Học viên học xong sẽ được các cơ sở này cấp chứng nhận nghề đã học.

Học viện thẩm mỹ - Bôm Beauty Academy thông báo tuyển sinh

 

Trong vai một người có nhu cầu đi học, phóng viên đã mục sở thị các Học viện này. Chị Hương, người tự xưng là chủ Học viện thẩm mỹ Khánh Hương đã gọi điện mời đi học nghề phun xăm tại cơ sở mình với giá 15.000.000đ. Chị ta giới thiệu đang là giảng viên một trường trên địa bàn Hà Nội, có đầy đủ chứng chỉ sư phạm. Đồng thời chị Hương cũng cho biết thêm: “Học viện sẽ cấp chứng chỉ cho bạn khi bạn hoàn thành khóa học. Ngoài ra bạn có thể lấy thêm bằng quốc tế. Còn muốn lấy chứng chỉ của Bộ LĐ-TB&XH thì mất thêm phí với giá là 2.500.000đ/1 chứng chỉ”.

Còn người đại diện Học viện thẩm mỹ - Bôm Beauty Academy cũng cho biết, sau khi học xong, nếu muốn lấy chứng chỉ của Bộ LĐ-TB&XH thì phải mất thêm 3.500.000đ/1 cái bằng” và “đây là chi phí cố định của bên Sở (tức Sở LĐ-TB&XH”.

Có thể nói, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm Học viện thẩm mỹ, Trung tâm làm đẹp đang tổ chức đào tạo nghề một cách trái phép. Từ việc tuyển sinh, mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm các quy định của pháp luật. Mặt khác, việc các Học viện cho rằng “chỉ cần đóng tiền là sẽ nhận được chứng chỉ của Bộ LĐ-TB&XH” là không đúng. Bộ LĐ-TB&XH không cấp chứng chỉ cho hoạt động đào tạo ngắn hạn này mà do các cơ sở đào tạo đã được cấp phép cấp. Do đó, đây là hành vi mạo nhận, mạo danh và cần phải lên án, thậm chí có thể đề nghị Cơ quan An ninh điều tra vào cuộc làm rõ.

(Còn nữa)

Điều 5 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định: Phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp đối với hành vi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cùng với đó, buộc cơ sở đào tạo hoàn trả cho tổ chức, cá nhân các khoản tiền đã thu, trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm; Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được người học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đối với hành vi vi phạm quy; Buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận kiểm định đã cấp đối với hành vi vi phạm.

 

Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm quy định về tuyển sinh đào tạo, Điều 8 Nghị định này cũng quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thông báo tuyển sinh bằng bất cứ hình thức nào khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thu nhận hồ sơ, tổ chức thi hoặc xét tuyển khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp.



Nhóm PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo