Quốc tế

"Mẹ Merkel" thị sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria giải quyết thỏa thuận di dân

(DNVN) - Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có chuyến “thị sát” khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- Syria để tìm lối ra cho thỏa thuận di dân gây tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các tổ chức nhân quyền chất vấn rằng thỏa thuận di dân này liệu có hợp pháp hay không khi cho phép trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ những di dân tìm đường tị nạn đến các nước EU nếu họ không đủ điều kiện để xin tị nạn tại Hy Lạp. Các nhóm vận động nhân quyền cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nơi an toàn để tiếp nhận những người tị nạn bị trục xuất.

Thủ tướng Đức Merkel  sẽ có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy thỏa thuận di dân.

Trong khi đó, chính quyền Ankara “ra giá” với EU rằng thỏa thuận di dân lần này có thể bị đổ vỡ nếu yêu cầu EU thực hiện chính sách miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến du lịch tại các nước thành viên trong khối không được đáp ứng.

EU cho biết Thổ Nhĩ Kỳ phải đạt được 72 điều kiện vào thời hạn 4/5 để khối này xem xét chính sách miễn thị thực. Tuy nhiên các nhà ngoại giao cho biết đến nay họ chỉ mới đáp ứng được phân nửa các điều kiện này.

BBC đưa tin bà Merkel được dự báo sẽ viếng thăm một trại tị nạn ở thành phố Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ), gần biên giới với Syria. 

Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ lần này, bà Merkel đi cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans.

Hiện tại, bà Merkel đang vấp phải nhiều phản đối về chính sách di cư của mình. Bà cũng phải bảo vệ chính sách tiếp nhận người di cư trước các nước EU khác. Đã một tháng từ khi thỏa thuận di dân Thổ Nhĩ Kỳ - EU được ký nhưng vẫn còn nhiều nghi ngờ rằng thỏa thuận này sẽ được thực thi trơn tru.

 

Mục tiêu của thỏa thuận là ngăn dòng người di cư, chủ yếu là từ Syria và Iraq đến các nước EU thông qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ đi đến Hy Lạp. Thỏa thuận đã làm giảm mạnh số người di cư qua ngả này từ 56.000 người vào tháng 2 xuống còn 7.800 người.

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo