“Một mình một chợ”, giá cà phê Việt vẫn rớt thảm
Hàng loạt vấn đề “nóng” liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê của nước ta đã được đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn “Triển vọng và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam 2015” do Ban điều phối nghành hàng cà phê Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn) tổ chức tại TP.HCM Theo ông Trần Công Thắng - Phó Viện Trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong 11 tháng đầu năm 2015, cả nước xuất khẩu 1,13 triệu tấn cà phê, đạt 2,3 tỷ USD, giảm 28% về lượng, 30% về giá trị.
Hiện nay, giá cà phê hạt của Việt Nam ở mức 33.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong 2 năm nay. Việc giá cà phê xuống thấp dưới 35.000 đồng/kg từ nửa năm nay khiến người nông dân không có lãi. Thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trong năm 2015, đã có khoảng 30.000 ha cà phê, chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã bị bà con nông dân chuyển sang trồng hồ tiêu và các loại cây ăn quả.
Theo thông tin từ phía các nhà quản lý và các doanh nghiệp, hiện nay các nước có sản phẩm cà phê cạnh tranh lớn nhất với Việt Nam như Brazil, Colombia, Indonesia, đã hầu như bán hết hàng. Sản phẩm cà phê của Việt Nam trên sàn giao dịch London và trên thị trường thế giới hiện nay được ví như “một mình một chợ”. Tuy vậy, không những giá cà phê của nước ta không tăng mà còn bị “rớt giá thê thảm”.
Ông Đỗ Hà Nam; Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, nguyên nhân do thị trường nước ngoài đưa tin đồn Việt Nam còn lượng tồn kho quá lớn, thậm chí được mùa trong niên vụ năm nay. Mặc dù Vicofa đã cảnh báo thông tin đó không chính xác nhưng trên thị trường thế giới vẫn đang đi theo xu hướng này.
Bên cạnh đó, việc các nước như Brazil, Colombia phá giá đồng tiền nên góp phần thúc đẩy tình hình xuất khẩu của các nước này tăng mạnh. Điều này đã giúp thị phần xuất khẩu cà phê của Brazil tăng từ 31% trong năm 2014 lên 33% vào năm nay; Colombia cũng tăng từ 9% lên 11%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nói trên là do giá cà phê trong nước luôn cao hơn giá cà phê trên thị trường thế giới. Trong khi đó, chúng ta chủ yếu xuất khẩu cà phê ở dạng thô nên sức cạnh tranh thấp.
Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Vicofa cho biết, trong niên vụ tới 2015-2016, giá không đột biến cao nhưng nghành cà phê sẽ đứng trước khó khăn do biến đổi khí hậu. Ông Hải đánh giá, sản lượng niên vụ này thấp hơn 15-20% so với niên vụ 2014-2015, đạt khoảng 1,3-1,4 triệu tấn và chất lượng cũng giảm hơn vụ trước.
Khi giá cà phê đang xuống, diện tích tái canh đang giảm dần vì người dân không còn mặn mà. Vấn đề đặt ra là nếu không có giải pháp thì có khả năng chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn là điều không thể tránh khỏi. Ông Đỗ Hà Nam lo ngại.
Trước tình hình khó khăn như hiện nay, các chuyên gia kinh tế đề nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê trong nước, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con nông dân cố gắng giữ lại cà phê mới thu hoạch trong một thời gian nữa, không nên bán ồ ạt cà phê nhân vào thời điểm này. Bà con nông dân cũng nên tái canh diện tích cao su theo đúng mùa vụ, không nên chuyển đổi sang trồng loại cây khác.
Những khó khăn hiện nay đòi hỏi từ người nông dân, doanh nghiệp đến những người làm các khâu dịch vụ, xuất nhập khẩu đều phải làm tất cả các biện pháp để đảm bảo được quy chuẩn quốc tế. Điều quan trọng nhất là phải làm sao đảm bảo được chất lượng nhưng phải hạ giá thành thì cà phê của chúng ta mới tham gia được vào thị trường quốc tế trong thời gian tới. Ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo